Báo Đồng Nai điện tử
En

Giải pháp cho nguy cơ thiếu thịt heo

09:10, 22/10/2019

Tin tức và hình ảnh về việc nhiều nông dân ở các vùng nuôi heo của Trung Quốc đang nhanh chóng nhân rộng "đàn heo khổng lồ" nặng gần 500kg/con đang gây "chấn động" dư luận.

Tin tức và hình ảnh về việc nhiều nông dân ở các vùng nuôi heo của Trung Quốc đang nhanh chóng nhân rộng “đàn heo khổng lồ” nặng gần 500kg/con đang gây “chấn động” dư luận. Đây được cho là giải pháp mà quốc gia này áp dụng để đối mặt với cơn “khủng hoảng thiếu” thịt heo (dự kiến nhu cầu của Trung Quốc từ nay đến cuối năm 2019 là 10 triệu tấn thịt heo) do hậu quả của dịch tả heo châu Phi.

Không chỉ quốc gia đông dân nhất thế giới này đang phải đối mặt với những hậu quả nặng nề của dịch tả heo châu Phi, mà cả Việt Nam và các quốc gia lân cận cũng không ngoại lệ. Đồng Nai lâu nay từng được mệnh danh là “thủ phủ nuôi heo” của cả nước, nay cũng đang tìm mọi giải pháp để ứng phó với nguy cơ thiếu thịt heo đang cận kề. Hiện tại, trên toàn tỉnh quy mô tổng đàn bị kéo giảm đến 50% so với trước.

Sau rất nhiều nỗ lực, đến thời điểm này, bệnh dịch tả heo châu Phi tại Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung đang dần dần được khống chế, nhiều địa phương đã công bố hết dịch. Tuy nhiên, khó khăn trước mắt là nông dân và doanh nghiệp không thể tái đàn kịp trong một khoảng thời gian ngắn, trong khi mùa tiêu thụ thịt heo lớn nhất trong năm - Tết Nguyên đán - đang cận kề.

Một nguy cơ khác có thể làm tình trạng “khủng hoảng thiếu” thịt heo của Việt Nam nói chung và của Đồng Nai nói riêng trở nên trầm trọng là thương lái có thể mua gom heo tại các địa phương và tìm cách xuất đi Trung Quốc theo đường tiểu ngạch vì giá heo hơi tại Trung Quốc hiện đã vượt mức 120 ngàn đồng/kg, trong khi giá heo hơi tại Việt Nam vẫn ở mức trên dưới 60 ngàn đồng/kg.

Trước nguy cơ này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã phát đi thông báo rằng các trang trại, doanh nghiệp tuyệt đối không xuất khẩu heo sang thị trường Trung Quốc bởi giữa 2 nước chưa ký kết xuất khẩu chính ngạch; đồng thời, Việt Nam cũng phải có trách nhiệm bảo vệ kiểm dịch động vật ở biên giới, tránh tình trạng lan tràn bệnh dịch khắp nơi. Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng tuyệt đối không nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là heo và sản phẩm từ thịt heo vào Việt Nam.

Về giải pháp ở tầm địa phương, trước mắt UBND tỉnh vẫn đang khuyến khích doanh nghiệp và các chủ trang trại nuôi heo “tái đàn trong sự thận trọng”, trong đó đề cao sự kỹ lưỡng, chọn lọc, tuyệt đối tuân thủ các biện pháp an toàn sinh học… bởi theo dự báo, nguy cơ “khủng hoảng” thiếu thịt heo có thể sẽ tiếp diễn đến nửa đầu năm 2020.

Với người tiêu dùng, cần xác định không nên có những lựa chọn theo hướng cực đoan: không tẩy chay thịt heo, song cũng không nên quá nặng nề về việc tích trữ mặt hàng này vì góp phần làm giá thịt heo tăng cao. Với doanh nghiệp, cần nêu cao trách nhiệm với thị trường, không găm hàng, không đẩy giá và tái đàn có trách nhiệm.

Câu hỏi liệu bao giờ sẽ đẩy lùi hoàn toàn dịch tả heo châu Phi và nguy cơ tái dịch có hay không là một câu hỏi… khó trả lời. Do đó, xác định “sống chung với lũ” một cách an toàn, hiểu biết, có trách nhiệm mới là giải pháp mà cả nông dân, doanh nghiệp, chủ trang trại, người tiêu dùng cần áp dụng.

Vi Lâm

Tin xem nhiều