Báo Đồng Nai điện tử
En

Giữ "hồn" cho đô thị

08:10, 20/10/2019

Khi một gia đình khá giả lên hoặc thêm thành viên, nhiều khả năng gia chủ sẽ xây căn nhà mới, hoặc đơn giản chỉ là sửa sang, cơi nới những góc nhỏ trong nhà.

Khi một gia đình khá giả lên hoặc thêm thành viên, nhiều khả năng gia chủ sẽ xây căn nhà mới, hoặc đơn giản chỉ là sửa sang, cơi nới những góc nhỏ trong nhà. Việc cân nhắc, lựa chọn để giữ gìn những góc nhỏ duyên dáng hay những chi tiết giàu kỷ niệm với gia chủ sẽ lệ thuộc vào quan điểm, văn hóa và phong cách sống của chủ nhà.

Nhìn rộng ra, điều này cũng đúng phần nào đối với phát triển đô thị hiện nay, mà với Đồng Nai là TP.Biên Hòa. Những năm gần đây, hạ tầng đô thị TP.Biên Hòa đã có nhiều nét đổi thay mạnh mẽ, thêm nhiều tuyến đường được mở, nhiều cây cầu được xây dựng, một số tòa nhà cao tầng và khu dân cư sầm uất mọc lên.

Không thể phủ nhận, đó là cả sự nỗ lực lớn của thành phố và của tỉnh trong việc phục vụ và nâng cao mức sống của người dân. Nhưng với những người thực sự quan tâm đến một TP.Biên Hòa với bề dày lịch sử hơn 320 năm, vẫn còn đó câu hỏi “đâu là bản sắc đô thị của Biên Hòa” và “làm thế nào để cân bằng giữa sự phát triển theo kiểu “nở ra, lớn lên” của đô thị và việc giữ lại, định hình những khu vực, những công trình kiến trúc đặc trưng riêng của Biên Hòa?”.

Với mỗi người, “hồn” của một đô thị sẽ được nhìn nhận một cách khá riêng tư và theo thời gian, rõ ràng cái nhìn cũng sẽ thay đổi ít nhiều. Chẳng hạn, lớp người sinh vào những thập niên 1960 hay 1970 của thế kỷ trước sẽ có những niềm “tiếc nhớ” một Biên Hòa khác so với thế hệ sinh ra vào những năm 1980 hay 1990, càng khác biệt với những bạn trẻ sinh ra vào những năm 2000 của thế kỷ này. TP.Biên Hòa chắc chắn cũng sẽ hiện diện trong mắt những người dân sinh sống lâu đời với hình dáng khác hẳn so với những người mới nhập cư về sau.

Mọi so sánh đều là khập khiễng. Tuy nhiên, vẫn còn đó những giá trị chung của một thành phố cần phải giữ gìn, khai phá và lan tỏa đến tất cả mọi người dù có sinh ra ở thế hệ nào, mới đến Biên Hòa sinh sống gần đây hay đã gắn bó với thành phố hàng chục năm về trước. Những giá trị đó là các công trình, di tích lịch sử gắn với bề dày lịch sử hình thành và phát triển của đô thị, là dòng sông Đồng Nai nổi tiếng một thời “trên bến dưới thuyền” sầm uất, là những địa danh gắn với vùng đất từ thời “mở cõi”, là những góc nhỏ duyên dáng của đô thị, là các không gian chung của cộng đồng đã tồn tại bao năm qua… Tất cả những giá trị đó đều phải được tôn tạo, gìn giữ, lan tỏa và hết sức cân nhắc trong việc thay mới hay cơi nới.

Nhiều kiến trúc sư tâm huyết với đô thị Biên Hòa đã không ít lần tâm tư, chia sẻ về khía cạnh này. Tựu trung, mong muốn của họ vẫn là quá trình phát triển và xây dựng đô thị cần có một cái nhìn chung, tổng thể và từng công trình, từng dự án cần có sự hài hòa chung với một Biên Hòa giàu lịch sử và văn hóa. Trong đó, đô thị cần phải “bám” lấy dòng sông Đồng Nai, tôn trọng tự nhiên, phát triển đúng hướng, đúng xu thế để tiết kiệm tài nguyên, kinh phí.

Rõ ràng, áp lực lên các chính quyền đô thị nói chung và TP.Biên Hòa nói riêng là khá lớn khi vừa phải đáp ứng nhu cầu phát triển hạ tầng, đáp ứng nhu cầu xây mới cầu, đường, quy hoạch lại đô thị… vừa đáp ứng nhu cầu bảo tồn giá trị văn hóa lịch sử của đô thị. Song về lâu dài, điều này vừa thể hiện trách nhiệm với hiện tại, vừa thể hiện trách nhiệm với tương lai của nhiều thế hệ người dân sinh sống ở TP.Biên Hòa.             

Vi Lâm

Tin xem nhiều