Báo Đồng Nai điện tử
En

Chắt chiu giữ nước

09:02, 28/02/2016

Mùa khô 2016 được dự báo là năm khô hạn kỷ lục với tình trạng hạn hán và xâm mặn diễn ra nặng nhất kể từ năm 1975.

Mùa khô 2016 được dự báo là năm khô hạn kỷ lục với tình trạng hạn hán và xâm mặn diễn ra nặng nhất kể từ năm 1975. Phát biểu trên các báo, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục phó Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn), cho biết khô hạn xảy ra ở một số vùng thuộc các tỉnh: Quảng Trị, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và những vùng không có hoặc có công trình thủy lợi nhỏ ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên, Nam bộ. Ông Tỉnh nói, trong suốt hàng chục năm theo dõi tình hình khô hạn của ông thì 2016 là năm hạn hán đạt mức kỷ lục tính trong vòng 40 năm qua. Ở một số tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, khô hạn và nhiễm mặn ruộng đồng còn được cho là nặng nề nhất trong suốt 100 năm nay.

Tại Đồng Nai, hàng ngàn hécta lúa và hoa màu của nông dân Nhơn Trạch, hàng trăm hécta mía của nông dân Trảng Bom và nhiều vùng mía, cà phê, xoài, quýt… khác rải rác trong tỉnh đang đứng trước bờ vực mất trắng vì khô hạn, thiếu nước tưới khiến cây sắp chết khô, không đậu trái nổi. Nhơn Trạch thì lại đối diện với việc nắng hạn đẩy mức xâm mặn lên cao, cây lúa và nhiều loại cây khác không chịu nổi độ mặn cũng có nguy cơ chết. Các ao, hồ nuôi thủy sản cũng đang phập phồng lo thiếu nước. Tình hình thiếu nước sinh hoạt cũng trầm trọng hơn ở những vùng đặc trưng, ví dụ các xã La Ngà, Ngọc Định, Phú Ngọc… người dân phải xách can, bình đi mua nước với giá 40-45 ngàn đồng/m3. Số liệu từ Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai cho thấy, tính đến ngày 22-2 dung tích của nhiều hồ chứa nước giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, hồ Đa Tôn hụt gần 1,4 triệu m3 so với cùng kỳ; hồ Gia Ui hụt trên 1,1 triệu m3; hồ Suối Vọng hụt hơn nửa triệu m3… gây nhiều khó khăn cho công tác chống hạn, nhất là hoạt động sản xuất tại các cánh đồng lúa, hoa màu với diện tích lớn tại các huyện miền núi, như: Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc…

Không chỉ Đồng Nai khốn đốn, mà hàng chục ngàn nông dân Nghệ An, Hà Tĩnh, Đắk Lắk, Tây Ninh… cũng lao đao vì hồ khô suối cạn, rẫy mía, cà phê, hoa màu… chết khô vì nắng nóng. Trên nhiều tỉnh miền Tây Nam bộ, nông dân khóc ròng trên đồng ruộng. Thống kê của Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn cho thấy, Kiên Giang là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Vụ đông - xuân, tỉnh này mất 30 ngàn hécta; còn những địa phương khác, như: Tiền Giang, Cà Mau đều từ 20 - 29 ngàn hécta…

Với tính chủ động, nhiều nông dân Đồng Nai đã sử dụng nhiều cách làm: đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm; trồng thêm các loại cây cỏ có tác dụng giữ ẩm cho đất; nạo vét kênh mương… Song về lâu dài, họ vẫn cần được đầu tư bài bản hơn về hệ thống thủy lợi dẫn nước về đồng, đầu tư hồ chứa để “cứu” ruộng đồng khi cần thiết; đầu tư hệ thống cung cấp nước sạch sinh hoạt một cách hợp lý để người dân có nước sinh hoạt. Song song đó là tuyên truyền giữ rừng phòng hộ, thông tin rộng rãi việc tiết kiệm nước, giảm thiểu ô nhiễm môi trường… Tất cả những hệ quả của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đã đến rất gần - cụ thể nhất và trước mắt nhất là hạn hán và xâm mặn - dù đã được cảnh báo nhiều năm, có vẻ như vẫn chưa được chú tâm đúng mức.

Giải quyết những bài toán lớn lại cần đến những sự đóng góp nhỏ: tiết kiệm nước, chủ động ứng phó trên mảnh ruộng của mình và nhất là về chính sách: đầu tư cho thủy lợi, hồ chứa, công trình cấp nước sinh hoạt… cần tiết kiệm, đúng chỗ và hợp lý.

VI LÂM          

 

Tin xem nhiều