Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần lời giải cho E5

10:02, 17/02/2016

Các quốc gia láng giềng, như: Thái Lan, Philippines đã chuyển sang dùng nhiên liệu sinh học (xăng sinh học) từ lâu, trong khi Việt Nam mới chỉ đầu tư các nhà máy sản xuất xăng sinh học "đời đầu" E5, thì các quốc gia lân cận đã sản xuất và tiêu thụ rộng rãi xăng sinh học E10, E20 và E85.

Các quốc gia láng giềng, như: Thái Lan, Philippines đã chuyển sang dùng nhiên liệu sinh học (xăng sinh học) từ lâu, trong khi Việt Nam mới chỉ đầu tư các nhà máy sản xuất xăng sinh học “đời đầu” E5, thì các quốc gia lân cận đã sản xuất và tiêu thụ rộng rãi xăng sinh học E10, E20 và E85. Nhiên liệu sinh học được biết đến như một loại nhiên liệu được hình thành từ các hợp chất có nguồn gốc động thực vật, bao gồm các chế xuất từ chất béo của động thực vật, ngũ cốc, chất thải trong nông nghiệp và công nghiệp... được kiểm định tiêu chuẩn đầy đủ và giảm tác hại đến môi trường khi sử dụng.

Xăng sinh học E5 là nhiên liệu chứa 5% thể tích cồn sinh học và 95% thể tích xăng truyền thống. Từ năm 2008, Việt Nam đã bắt đầu đầu tư nghiên cứu và bán thử nghiệm sản phẩm xăng sinh học E5. Sau đó, Chính phủ ra nhiều chính sách khuyến khích sản xuất và kinh doanh dạng nhiên liệu này, song kết quả không như mong đợi.

Chủ đầu tư các dự án sản xuất xăng sinh học là Tập đoàn dầu khí Việt Nam - Petrolimex, cho biết nếu nhu cầu lớn, mỗi năm tập đoàn này có thể phối trộn và đưa ra thị trường số lượng xăng sinh học đủ đáp ứng ít nhất trên 50% nhu cầu xăng của người tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, ngay cả Petrolimex cũng than trời vì lượng xăng E5 tiêu thụ được quá ít ỏi so với mong đợi, các dự án hoạt động với công suất cầm chừng.

Vì đâu một loại nhiên liệu tốt cho môi trường, lại có giá bán lẻ rẻ hơn so với xăng RON 92 và 95 thông thường (xăng E5 có giá bán lẻ rẻ hơn xăng RON92 500 đồng/lít) lại khó khăn khi bán rộng rãi trên thị trường đến thế?

Tham khảo ý kiến nhiều người tiêu dùng, có thể thấy những hiểu biết về xăng sinh học là chưa rõ ràng. Một số người lo sợ sẽ ảnh hưởng đến độ bền và chất lượng động cơ, một số cho biết không rành xăng sinh học nên không xài, còn lại chủ yếu là do thói quen dùng xăng cũ và không có nhu cầu thay đổi.

Một nguyên nhân lớn khác, có lẽ phải chú ý là bản thân các cửa hàng xăng dầu phần lớn cũng không chủ động chuyển đổi hay khuyến khích người mua dùng xăng sinh học. Bản thân mỗi loại xăng dầu đều đòi hỏi bồn chứa, trụ bơm, kiểm định riêng và trong cân đối hàng ngày, họ đã quen với việc bán các loại xăng truyền thống, không muốn đầu tư thêm. Theo khảo sát, chi phí chuyển đổi sang bán xăng E5 khá tốn kém, khoảng 400-500 triệu đồng, chưa kể chi phí kinh doanh xăng E5 theo giá nguyên liệu, vận chuyển… hiện cao hơn vài trăm đồng/lít so với kinh doanh xăng truyền thống, đồng nghĩa với việc các cửa hàng sẽ lãi ít hơn khi bán xăng sinh học. Vừa khó tiêu thụ, vừa lãi ít, vừa phải đầu tư thêm thì rõ ràng xăng E5 bị “ghẻ lạnh” không có gì là đáng ngạc nhiên.

Không chỉ Đồng Nai mà các nơi khác, như: Hà Nội, Hải Phòng, TP.Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu… đều tiêu thụ xăng E5 rất chậm chạp, dù phải tổ chức nhiều hội thảo để tìm cách giải quyết, nhưng có lẽ những người làm chính sách sẽ phải quan tâm nhiều hơn nữa để cân đối lợi ích giữa người tiêu dùng - doanh nghiệp, và đặc biệt đặt trọng tâm vào việc truyền thông lợi ích của xăng sinh học trong thời gian sắp tới.

Vi Lâm

Tin xem nhiều