Một trong những điểm mới đáng chú ý trong đợt tuyển quân năm 2016 là thời gian tại ngũ trong thời bình đã tăng thành 24 tháng, thay vì 18 tháng như trước đây (theo Luật Nghĩa vụ quân sự sửa đổi năm 2015, có hiệu lực từ ngày 1-1-2016).
Một trong những điểm mới đáng chú ý trong đợt tuyển quân năm 2016 là thời gian tại ngũ trong thời bình đã tăng thành 24 tháng, thay vì 18 tháng như trước đây (theo Luật Nghĩa vụ quân sự sửa đổi năm 2015, có hiệu lực từ ngày 1-1-2016). Trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng - an ninh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định kéo dài thời gian tại ngũ, nhưng không quá 6 tháng. Nếu có chiến tranh hay tình trạng quốc phòng khẩn cấp, nhiệm vụ thực thi nghĩa vụ quân sự sẽ thực hiện theo lệnh tổng động viên hay động viên cục bộ.
Việc gia tăng thời gian tại ngũ tạo điều kiện để thanh niên phục vụ tại ngũ có thời gian và môi trường cống hiến sức lực, trí tuệ cho nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đơn vị tiếp nhận và huấn luyện chiến sĩ cũng có thời gian huấn luyện, nâng cao trình độ, kinh nghiệm chiến đấu cho chiến sĩ; đồng thời có thời gian làm công tác phát triển Đảng cho những thanh niên ưu tú, bổ sung nguồn đảng viên trẻ cho đơn vị và địa phương.
Một điểm mới khác trong đợt tuyển quân năm 2016 là thời điểm gọi nhập ngũ hàng năm chỉ có một lần (trước đây một năm có 2 đợt tuyển quân), thời gian cụ thể do Chính phủ quy định. Việc giao quân diễn ra một lần trong năm giúp tiết kiệm các khoản về vật chất và thời gian, không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các nhiệm vụ khác của quân đội và địa phương.
Thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự sửa đổi năm 2015, đợt tuyển quân năm 2016 còn áp dụng những quy định mới về các trường hợp: được miễn, tạm hoãn gọi nhập ngũ; quy định xử lý hành chính và hình sự đối với các hành vi vi phạm Luật Nghĩa vụ quân sự; công dân nhập ngũ trong thời gian tại ngũ thì thân nhân được hưởng bảo hiểm y tế, con cái được miễn giảm học phí khi đang học tại các cơ sở giáo dục; khi xuất ngũ được trợ cấp đào tạo việc làm, được giải quyết quyền lợi về bảo hiểm xã hội theo quy định của bảo hiểm xã hội; quá trình phục vụ tại ngũ, công dân được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm tạo điều kiện cả về vật chất lẫn tinh thần để yên tâm phục vụ quân đội theo quy định của pháp luật…
Bên cạnh những cái mới được áp dụng trong đợt tuyển quân năm 2016 này, những truyền thống tốt đẹp đã thể hiện qua nhiều đợt tuyển quân trước đây và giữ vai trò rất quan trọng đối với công cuộc xây dựng quân đội và bảo vệ Tổ quốc vẫn được duy trì, giữ vững đó là tinh thần tình nguyện nhập ngũ, quyết tâm được tiếp bước truyền thống của cha ông để khoác lên mình màu xanh áo lính làm nghĩa vụ thiêng liêng của người trai đối với đất nước. Sự quyết tâm, khí thế hừng hực ấy đã giúp nhiều thế hệ thanh niên rèn luyện, học tập thật tốt trong môi trường kỷ luật khắc nghiệt của quân đội để trưởng thành và cống hiến sức trẻ cho Tổ quốc. Như lời chia sẻ của thanh niên Trần Minh Vương (ngụ xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu) trước lúc lên đường nhập ngũ: “Là thanh niên trong một đất nước độc lập, tự do nên tôi càng phải có trách nhiệm cống hiến nhiều hơn sức mình cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Quân đội chính là môi trường rèn luyện, thử thách để giúp tôi trưởng thành và cống hiến cho đất nước”.
Một truyền thống khác cũng không kém phần quan trọng góp phần động viên, khích lệ thanh niên gắn bó, quyết tâm phục vụ lâu dài trong quân ngũ, đó chính là sự quan tâm của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương từ những ngày thanh niên chuẩn bị lên đường nhập ngũ, đến việc chú trọng thực hiện các chính sách hậu phương quân đội, các chế độ đối với công dân tại ngũ và bộ đội xuất ngũ…
Việc áp dụng những quy định mới trong tuyển quân năm 2016 đã góp phần giải quyết vấn đề công bằng xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để thanh niên tham gia thực hiện nghĩa vụ quân sự, bảo đảm cân đối số lượng thanh niên nhập ngũ giữa các địa phương.
Phạm Mai