Đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây có chiều dài toàn tuyến 55km, riêng đoạn qua địa phận tỉnh Đồng Nai trên 35km. Tuyến đường cao tốc này từ khi đi vào hoạt động đã góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh, đảm bảo yêu cầu vận chuyển và đi lại của nhân dân.
Đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây có chiều dài toàn tuyến 55km, riêng đoạn qua địa phận tỉnh Đồng Nai trên 35km. Tuyến đường cao tốc này từ khi đi vào hoạt động đã góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh, đảm bảo yêu cầu vận chuyển và đi lại của nhân dân.
Thực tế, sau một năm đưa vào sử dụng, tuyến đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đã góp phần rút ngắn khoảng cách và thời gian đi từ TP.Hồ Chí Minh đến huyện Long Thành từ 45km xuống 22km, thời gian lưu thông giảm từ 60 phút xuống còn 20 phút; từ TP.Hồ Chí Minh đi ngã tư Dầu Giây giảm 20km và giảm còn một nửa thời gian so với trước; từ TP.Hồ Chí Minh đi Bà Rịa - Vũng Tàu giảm từ 120km xuống 95km và rút thời gian xuống chỉ còn 80 phút. Tuyến đường cao tốc này còn góp phần giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông từ TP.Hồ Chí Minh đi Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và ngược lại, nhất là đoạn từ ngã tư Vũng Tàu (TP.Biên Hòa) - quận 9 (TP.Hồ Chí Minh), vốn là căn bệnh trầm kha trước khi con đường cao tốc này đi vào hoạt động.
Mỗi ngày đường cao tốc có khoảng 25 ngàn lượt xe lưu thông, vào dịp lễ hay cuối tuần tăng lên 45 ngàn lượt xe; trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, lượng phương tiện di chuyển qua đây đạt gần 65 ngàn lượt đã chứng minh hiệu quả của tuyến đường.
Nhưng bên cạnh mặt tích cực, thời gian qua, tuyến đường đã tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông khiến các tài xế lo lắng.
Theo lực lượng tuần tra kiểm soát giao thông trên tuyến cao tốc này, hiện còn các nguyên nhân dẫn đến các “sự cố” gây mất an toàn giao thông trên đường, như: người dân ngang nhiên đi bộ và điều khiển xe máy vào đường cao tốc; lái xe không giữ đúng khoảng cách an toàn; chạy quá tốc độ cho phép; lái xe buồn ngủ hoặc do phương tiện không bảo đảm an toàn kỹ thuật, đang chạy bị nổ lốp dẫn đến mất lái rồi tự đâm vào dải phân cách cứng gây tai nạn… Nhưng điều khiến nhiều người điều khiển ô tô đi trên tuyến đường cao tốc này lo sợ nhất hiện nay là hành vi ném đá vào xe ô tô.
Trả lời báo chí mới đây, bà Nguyễn Thị Hoài Phương, Phó giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VECE), đơn vị vận hành, khai thác tuyến cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, cho biết đã có 8 vụ xe ô tô bị ném đá khi lưu thông trên đường cao tốc khiến nhiều xe bị nứt, vỡ kính. Chỉ riêng ngày 11-9-2015, tại km21+800 đã có đến 3 vụ ném đá lên xe ô tô. Rất may là các trường hợp xảy ra chỉ gây hư hỏng ô tô, chưa có người nào bị thương.
Hiện các cơ quan chức năng chưa xác định rõ mục đích của hành vi ném đá các phương tiện lưu thông trên đường cao tốc nên tạm xem hành vi này như một trò đùa của một số đối tượng thiếu ý thức. Nhưng với tốc độ cho phép tối đa lên đến 120km/giờ, việc ném đá vào các phương tiện đang lưu thông trên đường sẽ gây ra những hậu quả khó lường. Nó không chỉ đơn giản gây hư hỏng phương tiện, mà còn có thể khiến tài xế mất kiểm soát dẫn đến tai nạn thảm khốc.
Để ngăn chặn hành vi ném đá vào xe ô tô chạy trên đường cao tốc, VECE đã phối hợp với công an điều tra làm rõ mục đích của hành vi xấu này. Đơn vị cũng đã lắp đặt các hàng rào chống vật rơi trên tất cả các vị trí cầu vượt, tổ chức tuần tra liên tục trên đường và sẽ đưa vào sử dụng hệ thống camera trên toàn tuyến, giúp ghi nhận sự việc cụ thể trên đường, từ đó kịp thời có biện pháp xử lý các sự cố xảy ra.
Bên cạnh các giải pháp của VECE, điều quan trọng hơn hết là việc ngăn chặn hành vi ném đá vào ô tô đang chạy. Điều đó rất cần sự phối hợp của các cơ quan chức năng và các địa phương trong việc tuyên truyền, giáo dục để nâng cao ý thức của người dân; đồng thời kiểm tra, xử lý nghiêm những người có hành vi vô ý thức này.
Phạm Mai