Báo Đồng Nai điện tử
En

Để thịt "bẩn" không còn trên bàn ăn

10:03, 25/03/2015

Tối 25-1, kiểm tra lò mổ heo lậu của bà Trần Thị Tuyết Ngọc (ấp Đông Kim, xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất), Công an huyện Thống Nhất đã phát hiện 5 con heo đang được giết mổ không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, cùng nhiều con heo đã xẻ thịt ngả màu, bốc mùi hôi thối đang được ướp trong thùng đá chờ mang đi tiêu thụ.

Tối 25-1, kiểm tra lò mổ heo lậu của bà Trần Thị Tuyết Ngọc (ấp Đông Kim, xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất), Công an huyện Thống Nhất đã phát hiện 5 con heo đang được giết mổ không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, cùng nhiều con heo đã xẻ thịt ngả màu, bốc mùi hôi thối đang được ướp trong thùng đá chờ mang đi tiêu thụ. Ngày 14-11-2014, kiểm tra lò mổ heo lậu của bà Trần Thị Kim Luyến (ấp Nam sơn, xã Quang Trung, huyện Thống Nhất), Đội Quản lý thị trường số 1 của tỉnh đã phát hiện nhiều con heo đã được xẻ thịt với tổng số trên 500kg thịt và nội tạng đang được ướp đá chờ mang đi tiêu thụ.

Điều đáng nói, toàn bộ số thịt heo đều có dấu hiệu mắc bệnh, có màu tím tái và đang trong giai đoạn phân hủy, bốc mùi hôi nồng nặc. Sáng 16-7-2014, trong lúc đang chở 35kg thịt heo đã bốc mùi hôi thối trên đường, bà Vũ Thị Thanh Huyền (ngụ phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) đã bị Công an phường Tân Hiệp phát hiện.

Những bản tin thời sự trên các phương tiện truyền thông đại chúng về các vụ giết mổ, mua bán heo bệnh, heo chết được các cơ quan chức năng phát hiện trong thời gian quan khiến người tiêu dùng không khỏi rùng mình.

Không rùng mình sao được khi số thịt đã chuyển màu, bốc mùi hôi thối bị phát hiện ở các lò mổ lậu vốn được chủ lò mổ thu mua heo bệnh, heo chết với giá rẻ từ những chuồng trại chăn nuôi rồi đem về mổ xẻ. Những thứ heo bệnh, heo chết nhiều khi đã chuyển màu tím tái, bốc mùi hôi thối ấy được các tay làm ăn bất lương ngâm tẩm hóa chất đã trở thành những miếng thịt trông bề ngoài tươi ngon rồi cứ thế tuồn ra chợ bán kiếm lời.

Không rùng mình sao được khi bữa cơm hàng ngày của mọi gia đình đa số gắn với món thịt heo mà không biết thứ thịt mình đã mua ngoài chợ kia có phải là thứ thịt có nguồn gốc từ heo bệnh, heo chết đã được ngâm tẩm hóa chất để trở nên tươi ngon.

Rùng mình, thậm chí bức xúc với kiểu làm ăn chỉ vì lợi nhuận của những tay buôn vô lương tâm, người tiêu dùng cũng tự đặt ra câu hỏi vì sao kiểu làm ăn bất chấp sức khỏe con người như thế vẫn có thể tồn tại?.

Lý do rất nhiều, như người chăn nuôi vì muốn sớm tống những con heo bệnh, heo chết ra khỏi chuồng trại để không làm ảnh hưởng đến đàn heo còn lại; rằng những tay buôn vì lợi nhuận mà quên mất đạo đức của người kinh doanh, quên đi sức khỏe của người tiêu dùng. Hay như lý do mà ông Trưởng ấp Nam Sơn, xã Quang Trung, bày tỏ: “Khi nghe dân phản ánh heo chết, heo bệnh được bán tràn lan ngoài chợ, chúng tôi chỉ biết báo lại cho cơ quan chức năng để họ đến làm việc chứ trưởng ấp không có quyền xử lý các hộ vi phạm”…

Nhưng lý do quan trọng nhất là sự thiếu sâu sát, chặt chẽ trong giám sát, kiểm tra, xử lý những sai phạm trong hoạt động giết mổ, kinh doanh thịt gia súc của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trong thời gian qua. Chính sự thiếu kiểm tra chặt chẽ, việc xử lý chưa nghiêm khắc là cơ hội để các tay buôn bất lương có điều kiện kinh doanh thịt heo bệnh, heo chết.

Rất mong, từ chỗ nhận ra thiếu sót của mình, các cơ quan chức năng và chính quyền quyền địa phương sẽ có sự phối hợp, có những biện pháp chặt chẽ hơn, xử lý quyết liệt hơn nữa hoạt động giết mổ, kinh doanh heo bệnh, heo chết để thứ thịt “bẩn” không còn hiện diện trên bàn ăn của mọi nhà.

Phạm Mai

Tin xem nhiều