5 giờ 40 phút sáng 17-3-1975, quân và dân ta tấn công vào Chi khu quân sự Định Quán. Vì sao Định Quán, một huyện miền núi nghèo của tỉnh Tân Phú (cũ) được chọn làm điểm tiến công ngay khi ta làm chủ được Buôn Ma Thuột, là nơi "nổ súng" đầu tiên trong kế hoạch giải phóng địa bàn Đồng Nai?
5 giờ 40 phút sáng 17-3-1975, quân và dân ta tấn công vào Chi khu quân sự Định Quán. Vì sao Định Quán, một huyện miền núi nghèo của tỉnh Tân Phú (cũ) được chọn làm điểm tiến công ngay khi ta làm chủ được Buôn Ma Thuột, là nơi “nổ súng” đầu tiên trong kế hoạch giải phóng địa bàn Đồng Nai?
Trước đó, Trung ương Cục và Bộ Tư lệnh Miền nhận định: khi Chiến dịch Tây Nguyên nổ ra, địch sẽ sử dụng quốc lộ 20 từ phía Nam Xuân Lộc ngược lên nối đường 21 để chi viện cho mặt trận Tây Nguyên. Trong thế trận ấy, Chi khu quân sự Định Quán là điểm phòng thủ chiến lược án ngữ quốc lộ 20, nếu ta làm chủ chi khu này sẽ kiểm soát được quốc lộ huyết mạch này, không chỉ cắt đứt ý đồ chi viện cho Tây Nguyên của địch mà còn mở được hành lang và đường tiến công ở mặt trận hướng Đông, tạo điều kiện cho chủ lực tiến đánh Xuân Lộc - Long Khánh và hỗ trợ hiệu quả cho cánh quân tiến về giải phóng Sài Gòn.
Lực lượng tham gia giải phóng Định Quán ngoài quân chủ lực là Sư đoàn 7 (Quân đoàn 4) còn có lực lượng vũ trang tỉnh Tân Phú, gồm: đại đội 9, đại đội 374, công binh, trinh sát, bộ đội huyện và du kích các xã, phối hợp chặt chẽ đánh địch từ cây số 125 đến cây số 142 và từ La Ngà đến Túc Trưng. Bên cạnh đó, Huyện ủy Định Quán chỉ đạo các chi bộ Đảng cơ sở đẩy mạnh tấn công binh vận, làm tan rã tinh thần địch. Thời điểm đó, hỏa lực cũng như ý chí đánh trả của chính quyền Sài Gòn còn mạnh mẽ, tại Chi khu quân sự Định Quán ngoài hệ thống hầm hào công sự kiên cố, bảo vệ chi khu có Tiểu đoàn 367 bảo an, nhiều đơn vị dân vệ, 1 cụm pháo 105 ly, lực lượng cơ động yểm trợ có 1 chiến đoàn của Sư đoàn 18. Cuộc chiến đấu giải phóng Định Quán diễn ra rất cam go, ta giành nhau với địch từng gộp đá, từng công sự, đồn bót.
Ngày 20-3-1975, toàn bộ bộ máy của chính quyền Sài Gòn tại Định Quán từ quận đến xã, ấp bị quét sạch, giải phóng hoàn toàn huyện Định Quán, tạo địa bàn thuận lợi để lực lượng Quân đoàn 4 tiến về Xuân Lộc, Long Khánh. Thắng lợi này, trong đó phải kể đến sự đóng góp to lớn của nhân dân Định Quán, không chỉ hỗ trợ tốt trong công tác trinh sát, dẫn đường cho lực lượng vũ trang, tiếp tế lương thực, thực phẩm kịp thời mà còn làm rất tốt công tác binh vận. Nhiều đồn bót bị ta chiếm nhanh chóng, gọn gàng do bọn địch hoang mang, dao động và tự rã ngũ từ tác động của lực lượng binh vận địa phương.
Bài học kinh nghiệm dựa vào dân trong lịch sử giải phóng Định Quán tiếp tục được các cấp lãnh đạo địa phương phát huy trong công cuộc phát triển kinh tế xây dựng quê hương. Là huyện nghèo, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, Định Quán chỉ có thể tự lực vươn lên từ sức dân: Dân đóng góp xây dựng đường, giúp nhau giảm nghèo, hỗ trợ nhau làm kinh tế, chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất… 40 năm, Định Quán chuyển mình vững chắc, diện mạo nông thôn thay đổi rõ rệt, đời sống vật chất là tinh thần của người dân được nâng cao rõ rệt. Đến nay, ngoài xã Phú Vinh đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, Định Quán phấn đấu đến cuối năm 2015 có thêm 6 xã được công nhận. Từ chiến thắng trong công cuộc chống ngoại xâm để thống nhất đất nước, Định Quán sẽ tiếp tục thắng lợi trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Tổ quốc.
Thanh Thúy