Trong các trò chơi dân gian, thả diều là thú vui thu hút không chỉ trẻ em mà ngay cả người lớn cũng mải mê khi ngắm nhìn những cánh diều phất phới lên cao. Ở Việt Nam, không biết diều xuất hiện từ bao giờ nhưng chắc chắn trò chơi này đã hình thành từ rất lâu.
Trong các trò chơi dân gian, thả diều là thú vui thu hút không chỉ trẻ em mà ngay cả người lớn cũng mải mê khi ngắm nhìn những cánh diều phất phới lên cao. Ở Việt Nam, không biết diều xuất hiện từ bao giờ nhưng chắc chắn trò chơi này đã hình thành từ rất lâu.
Ngày trước, người thích trò chơi thả diều thường tự làm diều với những vật liệu là tre, giấy trắng hay màu rồi chọn nơi cánh đồng trống để “đua” xem diều nào lên cao hơn. Sở thích này dần dà được người lớn “nâng cấp” lên khi khổ diều được làm lớn vài ba mét với những hình thù độc đáo, ngộ nghĩnh, nhiều màu sắc; rồi diều còn được gắn sáo để khi lên cao gió tác động vào sáo thì phát ra âm thanh vi vu, ngân nga trầm bổng rất lý thú. Trò chơi dân gian tao nhã này còn được một số địa phương thành lập câu lạc bộ diều, có nơi còn tổ chức thi diều trong mỗi dịp lễ, tết. Riêng ở TP.Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) hàng năm đều tổ chức cuộc thi quốc tế với hàng chục quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tham gia. Thả diều sau này còn được xem là môn thể thao nghệ thuật được công chúng rất ưa chuộng. Nêu lên điều này để thấy rằng, thả diều từ xa xưa đã được cả xã hội đón nhận và hưởng ứng. Thử hỏi, mỗi dịp hè nếu không có những cánh diều tràn ngập bầu trời thì sẽ buồn biết mấy. Khi đó, trẻ em chắc chắn sẽ chỉ còn cảm nhận được con diều qua thơ ca, hội họa.
Tuy nhiên, thả diều ở đâu, khi nào mới là vấn đề quan trọng để không tác động xấu đến sự phát triển chung, không làm ảnh hưởng đến khu vực dân cư cũng như mọi người xung quanh. Thời gian qua, trước bối cảnh đô thị hóa nhiều khu vực, nhất là thành thị đều đẩy nhanh tiến độ phát triển đường dây điện. Cho nên gần đây ở hầu hết các địa phương nhìn đâu cũng thấy trụ điện sừng sững với “ma trận” đường dây điện vắt vẻo khắp nơi. Nhu cầu sử dụng điện của người dân cũng ngày càng tăng cao, đến độ chỉ cần cúp điện vì lý do nào đó là cả xóm kêu trời liền. Thực tế cho thấy, nếu đường dây điện bị sự cố thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất - kinh doanh và sinh hoạt. Thế nhưng, trong sở thích thả diều có mấy ai nghĩ tới chuyện chính con diều là “thủ phạm” gây nên chập điện khi nó… vô tình vướng vào đường dây điện? Theo ngành điện lực, mỗi năm toàn tỉnh xảy ra gần chục vụ mất an toàn điện có liên quan đến việc thả diều. Vụ mất điện xảy ra đầu tháng 3 vừa qua tại xã Gia Tân 2 (huyện Thống Nhất) khiến hàng trăm hộ dân không có điện sử dụng trong nhiều giờ liền mà nguyên nhân dẫn đến vụ việc được xác định do dây thả diều làm bằng thép bay vướng vào đường dây dẫn đến chập điện, làm đứt đường dây hạ thế.
Có thể nói, những vụ mất điện do diều là “tác nhân” gây ra đã ảnh hưởng không ít đến đời sống xã hội, gây thiệt hại không nhỏ về tài sản cho ngành điện. Vì vậy, đáp ứng nhu cầu của sở thích mỗi người cũng phải phù hợp với không gian và thời gian. Tìm một sân chơi diều cũng không ngoại lệ, cần tránh thả diều gần đường điện thì mới tránh khỏi nguy cơ tai nạn về điện như đã từng xảy ra.
Tạ Nguyên
Tạ Nguyên