Báo Đồng Nai điện tử
En

Một nửa sự thật không phải là sự thật

06:03, 23/03/2015

Dân gian xưa có câu chuyện "Đẽo cày giữa đường". Đại ý có người nông dân mang khúc gỗ ra ngồi ven đường và bắt tay vào đẽo một cái cày để cày ruộng.

Dân gian xưa có câu chuyện "Đẽo cày giữa đường". Đại ý có người nông dân mang khúc gỗ ra ngồi ven đường và bắt tay vào đẽo một cái cày để cày ruộng. Người qua lại trên đường mỗi người một câu góp ý về cái cày, người bảo to, người bảo dài, người lại cho là quá ngắn, anh ta đều theo ý mọi người mà sửa, cuối cùng khúc cây ban đầu chỉ còn là mẩu gỗ bé tí, chẳng thể làm cày.

Trong xã hội cũng vậy, hầu như việc gì cũng có những ý kiến trái chiều nhau. Những việc càng liên quan đến dân sinh, phạm vi ảnh hưởng càng lớn thì càng thu hút sự quan tâm của công chúng, ý kiến đóng góp càng đông đảo, nhiều chiều. Một xã hội mà người dân biết quan tâm đến cộng đồng, biết lên tiếng bảo vệ quyền lợi của mình, chính quyền biết lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân dân, đó là một xã hội phát triển, dân chủ. Tuy nhiên, quyền lợi bao giờ cũng phải đi kèm với trách nhiệm. Và có những nguyên tắc bất di bất dịch, đó là tất cả các ý kiến đóng góp, phản biện xã hội bao giờ cũng phải có căn cứ, đặc biệt là các căn cứ khoa học, không thể chỉ dựa vào cảm tính hay suy diễn. Dân chủ cũng cần tuân thủ đúng luật.

Trong những băn khoăn của người dân đối với dự án Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai hiện nay, tập trung vào các vấn đề chủ chốt: dự án có lấp sông Đồng Nai không? Có làm ảnh hưởng dòng chảy của sông, “đạp” mất cù lao Phố và cầu Ghềnh không? Có gây ô nhiễm môi trường nước không? Đây là những băn khoăn chính đáng, thể hiện trách nhiệm đối với cộng đồng, xã hội, cần được ủng hộ, trân trọng. Nhưng người dân có rất nhiều cách để thể hiện, phát huy quyền làm chủ, trong đó chuẩn mực nhất là yêu cầu các cơ quan chức năng, chính quyền, doanh nghiệp chủ đầu tư trả lời, cung cấp thông tin chính thống, thậm chí có thể yêu cầu được thực hiện quyền giám sát cộng đồng. Với những ý kiến còn trái chiều nhau, để thống nhất cần dựa vào các lý luận khoa học, hoặc quy định của pháp luật làm hệ tham chiếu.

Mới đây, người phát ngôn của Tỉnh ủy Đồng Nai - ông Huỳnh Văn Tới đã khẳng định trước khi thực hiện dự án, tỉnh và các cơ quan chức năng đã thực hiện đầy đủ các quy định, như: lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, tổ chức hội thảo khoa học. Từ các căn cứ khoa học nói trên, đã đi đến kết luận dự án không làm ảnh hưởng đến dòng chảy của sông. Quá trình thi công cũng có giải pháp không gây ô nhiễm nguồn nước, chứng minh được bằng các chỉ số quan trắc vẫn đảm bảo an toàn trong suốt thời gian thi công. Nếu vẫn còn băn khoăn, người quan tâm vẫn có quyền tìm hiểu, xem xét, phản biện dựa trên các luận cứ khoa học.

Để đánh giá một điều gì, cần có sự xem xét ở nhiều khía cạnh, góc độ và có cái nhìn tổng thể. Với dự án Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai, thiết nghĩ cũng cần được đánh giá giữa cái được và điều chưa được. Cái được ở đây, là nếu dự án hoàn thành người dân Biên Hòa sẽ có công viên cây xanh, quảng trường, phố đi bộ - những công trình phúc lợi công cộng mà Biên Hòa hiện nay rất thiếu. Bên cạnh đó, sẽ là các khu phức hợp thương mại, nhà ở, trung tâm mua sắm - cũng là những điểm mà thành phố đang vươn lên đô thị loại I như Biên Hòa rất cần. Những điều bất tiện mà dự án đem lại chắc chắn là có, như: ồn ào, bụi bặm, ảnh hưởng đến doanh thu của một số hộ kinh doanh ven sông lâu nay... trong quá trình thực hiện dự án. Nhưng xét trên tổng thể, rõ ràng lợi ích mà hơn 1 triệu người dân Biên Hòa được thụ hưởng vẫn cao hơn. Vì vậy, những ai chỉ nhắm vào những tiểu tiết, những lợi ích nhỏ để bác bỏ những lợi ích lớn hơn chính là đang không công bằng với Biên Hòa.

Một nửa ổ bánh mì vẫn là bánh mì, nhưng một nửa sự thật không thể là sự thật, thậm chí là điều dối trá.

Q.A

 

Tin xem nhiều