Báo Đồng Nai điện tử
En

"Xả rác" trên mạng

09:03, 24/03/2015

Tháng 7-1994, chỉ 3 tháng sau khi giành giải thưởng Pulitzer cho bức ảnh nổi tiếng thế giới "Kền kền chờ đợi", Kevin Carter - phóng viên ảnh tài năng người Nam Phi đã tự sát khi mới 33 tuổi.

Tháng 7-1994, chỉ 3 tháng sau khi giành giải thưởng Pulitzer cho bức ảnh nổi tiếng thế giới "Kền kền chờ đợi", Kevin Carter - phóng viên ảnh tài năng người Nam Phi đã tự sát khi mới 33 tuổi. "Kền kền chờ đợi" là bức ảnh chụp một bé gái Nam Phi kiệt sức vì đói khát trên cánh đồng khô cháy, phía sau là con kền kền dường như đang chờ đợi "bữa ăn" của mình. Ngay sau khi bức ảnh được đăng, độc giả phản ứng dữ dội, chửi bới, căn vặn anh vì sao không cứu giúp đứa bé mà chỉ lo chụp hình. Thậm chí có tờ báo đã viết "Người chỉ chú trọng đến việc chụp được những khuôn hình chuẩn, vô cảm trước sự khốn khổ của cô bé thì cũng là một loại động vật ăn thịt, một con kền kền khác trong bối cảnh ấy mà thôi".

Trước sự “ném đá” của công chúng, tờ báo The New York Times  phải làm một điều ngoại lệ là đăng thông báo về số phận của bé gái ấy. Theo đó, đứa bé đã đến được trạm cứu dưỡng và Kevin Carter đã đuổi con kền kền đi. Tuy nhiên, áp lực từ dư luận, sự dằn vặt vò xé tâm can đã khiến Kevin suy sụp không bao giờ gượng nổi. Sau khi anh mất, nhiều người thừa nhận lên án anh vì dư luận xung quanh đang làm thế. Họ lăng mạ, chửi bới cho hả giận chứ không thực sự tìm hiểu kỹ câu chuyện. Và chính những lời nói khi tức giận đó đã gián tiếp giết chết một con người.

Đó là câu chuyện từ thập niên 90 của thế kỷ trước, khi thế giới chưa bùng nổ internet, khi các trang mạng xã hội chưa ra đời và facebook chưa chi phối con người như hiện nay. Từ đó có thể hình dung, sự tác động của hiệu ứng đám đông lên tâm lý con người có sức mạnh khủng khiếp đến thế nào, nhất là khi được trợ giúp bằng công nghệ hiện đại, sự lan tỏa hiệu ứng có thể tăng lên đáng kể. Bên cạnh đó, với đặc điểm của một “thế giới ảo”, người sử dụng internet, tham gia các mạng xã hội có thể không phải chịu trách nhiệm về hành vi, việc làm của mình, kể cả những hành vi xấu. Vì thế, đó là một trong những nguyên nhân xuất hiện tình trạng “ném đá”, “Chí Phèo trên mạng”, “anh hùng bàn phím” ngày càng nhiều. Trên thế giới mạng hiện nay, trước một vấn đề, hay con người nào đó mà họ không thích, hay chỉ cần nhóm nào đó không thích, họ sẵn sàng hùa theo một cách vô tư mà không cần xem xét đúng sai. Nặng thì comment chửi bới, xúc phạm, nhẹ thì bấm like, không cần biết hậu quả người bị “ném đá” sẽ cảm thấy thế nào, tổn thương ra sao, sức chịu đựng đến đâu. Những sự xúc phạm trên thế giới mạng dường như không có kiểm soát và không có giới hạn nào.

Ông bà ta thường nói “Lời nói, đọi máu”, nhằm nhắc nhở mọi người cân nhắc trước khi phát ngôn, đặc biệt là khi lời nói có thể làm tổn thương ai đó. Đừng để những lời nói chưa chín chắn làm ảnh hưởng nặng nề đến người khác. Đừng nghĩ rằng một comment, một like chỉ là “chuyện nhỏ như con thỏ”, chẳng làm tổn hại đến ai. Internet là ảo, nhưng tổn thương là thật. Và dù internet là ảo, nhưng cái tâm, nhân cách của con người vẫn là thật.

Trong những luồng dư luận về dự án Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai hiện nay, bên cạnh những ý kiến ủng hộ, hoặc kêu gọi mọi người bình tĩnh, khách quan tìm hiểu thấu đáo bản chất sự việc, thì cũng có không ít ý kiến quy chụp, kết luận vội vàng dù có thể chưa một lần đặt chân đến sông Đồng Nai, thậm chí chửi bới, xúc phạm những cá nhân tham gia đóng góp ý kiến nhưng lập luận trái chiều với mình. Ai đó xả rác xuống dòng sông, đã có luật điều chỉnh hành vi. Nhưng hành vi “xả rác” lên mạng bằng những lời nói vô trách nhiệm thì điều chỉnh sao đây? Điều quan trọng là hãy tự điều chỉnh bằng chính lương tri của mình.

Đ.N

 

Tin xem nhiều