Báo Đồng Nai điện tử
En

Có lợi cho dân

11:03, 29/03/2015

Trong số những mâu thuẫn liên quan đến đất đai hiện nay, việc tranh chấp đất lâm nghiệp là một trong những mâu thuẫn kéo dài, căng thẳng và khó giải quyết.

Trong số những mâu thuẫn liên quan đến đất đai hiện nay, việc tranh chấp đất lâm nghiệp là một trong những mâu thuẫn kéo dài, căng thẳng và khó giải quyết. Phần lớn những mâu thuẫn này phát sinh do yếu tố lịch sử. Trước đây khi thành lập hệ thống lâm trường, tại nhiều địa phương đã giao toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp cho các lâm trường quản lý, trong đó có cả diện tích đất canh tác của người dân. Tuy luật pháp hiện chưa công nhận quyền canh tác truyền thống của người dân đối với đất đai, đặc biệt là đất nương rẫy, nhưng các quyền này lại được thừa nhận trong cộng đồng, từ đó dẫn đến mâu thuẫn.Ở một số khu vực, cụ thể là các khu vực thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Phú hiện nay, trước đây Nhà nước có chủ trương giao khoán đất rừng để người dân quản lý và sản xuất, đến nay chủ trương này lại thay đổi, cũng dẫn đến tranh chấp.

Để giải quyết tình trạng này, theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 16-6-2003 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh, đất bị lấn chiếm thì phải thu hồi, còn đất tranh chấp giữa hộ dân cư với nông, lâm trường cần được xem xét từng trường hợp cụ thể để giải quyết theo luật đất đai. Trước hết, các địa phương cần tiến hành rà soát, làm rõ tình hình đất đai của các tổ chức, lâm trường trên bản đồ và trên thực địa cũng như tình trạng thiếu đất sản xuất và nhu cầu đất canh tác tối thiểu của các hộ dân. Trên cơ sở đó, đất của các tổ chức, lâm trường nếu sử dụng không đúng mục đích, không đúng quy hoạch và kém hiệu quả thì địa phương (cấp tỉnh) cần thu hồi để giao hoặc cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuê sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai, khắc phục nhanh tình trạng người dân không có đất ở, không có đất sản xuất. Đất của các tổ chức, lâm trường đã cho thuê, mượn, nếu người sử dụng đang sản xuất nông, lâm nghiệp phù hợp với quy hoạch và quy định của pháp luật thì được tiếp tục sử dụng và phải chuyển sang thuê đất của Nhà nước theo đúng các quy định hiện hành, dựa trên nguyên tắc bình đẳng giữa các đối tượng tham gia.

Thế nhưng, dù nghị quyết được ban hành đến nay đã gần 12 năm, trong thực tế tình trạng tranh chấp đất lâm nghiệp vẫn xảy ra và còn chậm được giải quyết. Do các yếu tố lịch sử, việc truy nguyên để xác định sở hữu nguồn gốc đất đảm bảo tính pháp lý thường gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, để rà soát thực trạng đất đai, xác định nhu cầu thực tế về sử dụng đất đai theo yêu cầu của nghị quyết, các địa phương và những tổ chức, lâm trường liên quan cùng với các cơ quan chức năng phải có sự phối hợp thật chặt chẽ, dựa trên một quy hoạch tổng thể, thống nhất và hài hoà về lợi ích giữa các bên - điều khó mà thực hiện trong tình trạng giữa các địa phương và các cơ quan còn “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, văn bản “đá” nhau như hiện nay.

Loại trừ những trường hợp người dân tự ý lấn chiếm thì phải thu hồi, còn với 2 trường hợp tranh chấp nêu trên, có thể thấy người dân không có lỗi. Ai cũng biết các chủ trương, chính sách liên quan đến đất đai trước nay thường “đổi xoành xoạch”, dù chủ trương sau ra đời nhằm khắc phục những nhược điểm, hạn chế của chủ trương trước, nhưng sẽ gây lúng túng, thậm chí khó khăn cho người dân. Khi tranh chấp xảy ra, người dân luôn ở vị thế yếu hơn. Không thể có một công thức chung nào trong việc giải quyết vấn đề tranh chấp nói trên, vì thế chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần quyết liệt phối hợp, ngồi lại với nhau để giải quyết tách bạch từng trường hợp, theo hướng có lợi cho dân.

Một khi chưa giải quyết triệt để những mâu thuẫn trong tranh chấp đất lâm nghiệp, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Người dân nếu thiếu đất canh tác, sẽ ảnh hưởng đến kết quả giảm nghèo của địa phương, đồng thời gây tâm lý bất an, thiếu ổn định. Vì thế, thời gian tới địa phương và các cơ quan liên quan cần quyết liệt vào cuộc nhằm thực hiện mục tiêu của Nghị quyết 28: Nâng cao hiệu quả sử dụng bền vững tài nguyên đất đai, tài nguyên rừng, nâng cao hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh; tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, bảo vệ môi trường sinh thái và góp phần xoá đói, giảm nghèo”.

Hà Lam

Tin xem nhiều