Báo Đồng Nai điện tử
En

Bình an mỗi ngày

10:03, 30/03/2015

Theo thống kê của Cục An toàn lao động (Bộ Lao động - thương binh và xã hội), năm 2014 cả nước có 6.709 vụ tai nạn lao động làm 6.941 người bị nạn, trong đó có 592 vụ tai nạn lao động làm chết 630 người.

Theo thống kê của Cục An toàn lao động (Bộ Lao động - thương binh và xã hội), năm 2014 cả nước có 6.709 vụ tai nạn lao động làm 6.941 người bị nạn, trong đó có 592 vụ tai nạn lao động làm chết 630 người. Như vậy, bình quân mỗi ngày có 2 người đi làm việc đã không còn được quay trở về nhà. Mỗi năm lại có thêm hàng ngàn gia đình khác đang vật vã với hậu quả do tai nạn lao động gây ra. Làm sao để mỗi ngày sau những giờ làm việc, mưu sinh vất vả, người lao động vẫn còn hạnh phúc đơn giản là bình an trở về với mái ấm gia đình?

Cũng giống như tình trạng tai nạn giao thông, tất cả nguyên nhân đều được quy về một đầu mối là ý thức con người, ở đây là cả người sử dụng lao động lẫn người lao động. Theo nghiên cứu của Nhật Bản - một trong những quốc gia được đánh giá cao trong công tác hạn chế và giảm thiểu tai nạn lao động trên thế giới, chỉ có 1,1% số vụ tai nạn xảy ra do nguyên nhân bất khả kháng, còn 93,8% vụ tai nạn lao động xảy ra do hành vi không an toàn, trong đó 87,7% xảy ra vì điều kiện không an toàn.

 Tại nước ta, qua phân tích có đến 72,7% vụ tai nạn lao động xảy ra do người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn, không huấn luyện an toàn lao động, thậm chí không trang bị phương tiện bảo hộ lao động cho người lao động. Còn lại là do người lao động không chấp hành kỷ luật lao động, sai thao tác quy trình dẫn đến tai nạn. Nguyên nhân bất khả kháng hầu như không có. Như vậy, nếu kiểm soát tốt các yếu tố chủ quan như hành vi và điều kiện làm việc, tai nạn lao động có thể được giảm thiểu. Chính vì thế, Tuần lễ quốc gia An toàn vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ lần thứ 17 năm 2015 đã chọn chủ đề “Mỗi doanh nghiệp, người lao động chủ động các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và cháy nổ để bảo vệ chính mình, doanh nghiệp và xã hội”.

Chủ quan chính là nguyên nhân lớn nhất dẫn tới tai nạn lao động. Vấn đề đặt ra, là làm gì để nâng cao nhận thức về an toàn vệ sinh lao động cho các đối tượng nói trên? Giống như câu chuyện “đeo chuông vào cổ mèo”, việc đưa ý tưởng vào hiện thực luôn là điều rất khó khăn. Cho đến nay, ở nước ta vẫn mới tập trung cho giải pháp tuyên truyền là chính, đối với những doanh nghiệp chưa chấp hành quy định hoặc vi phạm về an toàn vệ sinh lao động, các biện pháp kiểm tra, chế tài những trường hợp vi phạm còn lúng túng, lỏng lẻo, chưa nghiêm khắc để mang tính răn đe. Nội dung tuyên truyền cũng còn khá chung chung, mang tính hình thức, chưa “chỉ việc, đặt tên” được những điều doanh nghiệp cần phải thực hiện. Quan trọng hơn, người lao động - đối tượng của tai nạn lao động, vẫn còn rất thờ ơ trước những nguy cơ của chính mình. Đã có người lao động nào mạnh dạn từ chối làm việc trong môi trường thiếu an toàn lao động chưa? Hầu như là không. Một khi chưa xây dựng được những giải pháp cụ thể để nâng cao nhận thức cho các đối tượng, mục tiêu giảm thiểu tai nạn lao động sẽ còn khó vươn tới.

Sau nhiều năm kiềm giảm, năm 2014  Đồng Nai lại xảy ra 1.506 vụ tai nạn lao động làm 1.557 người bị nạn, trong đó có 22 người chết, dẫn đầu cả nước về số vụ tai nạn lao động. Với số lượng doanh nghiệp đông, bên cạnh đó có thể vì Đồng Nai làm tốt công tác khai báo về các vụ tai nạn lao động, không “ém” nên số liệu thực khá cao. Nhưng dù thế nào, đây là con số đau lòng và không ai mong muốn. Trong thời gian tới, để có được môi trường lao động an toàn, các cơ quan chức năng của tỉnh cần có giải pháp đột phá trong công tác tuyên truyền, đồng thời phải quyết liệt hơn nữa trong công tác thanh kiểm tra về an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ. Hãy giúp người lao động trở về bình an mỗi ngày.

Linh Lan

Tin xem nhiều