Một trong những thông tin đáng lưu ý trên lĩnh vực kinh tế tuần qua là nhận định của ông Takimoto Koji, Trưởng văn phòng Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP.Hồ Chí Minh, cho rằng có thể trong năm 2018, nhiều doanh nghiệp sản xuất ô tô Nhật Bản sẽ rút khỏi thị trường Việt Nam...
Một trong những thông tin đáng lưu ý trên lĩnh vực kinh tế tuần qua là nhận định của ông Takimoto Koji, Trưởng văn phòng Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP.Hồ Chí Minh, cho rằng có thể trong năm 2018, nhiều doanh nghiệp sản xuất ô tô Nhật Bản sẽ rút khỏi thị trường Việt Nam khi thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ các nước trong khu vực ASEAN về Việt Nam sẽ giảm xuống còn 0%.
Lắp ráp ô tô tại Mercedes-Benz Việt Nam (MBV). Ảnh tư liệu. |
Chiến lược kinh doanh của những công ty này sẽ thay đổi theo chiều hướng chuyển sản xuất sang Thái Lan hoặc Indonesia và chuyển xe về Việt Nam để bán, thay vì mở rộng việc sản xuất tại Việt Nam.
Năm 2016, lần đầu tiên thị trường Việt Nam tiêu thụ ô tô vượt mức 300 ngàn xe sau 2 năm 2014 và 2015 tăng trưởng mạnh mẽ (trên 50% mỗi năm). Nhu cầu sở hữu và sử dụng ô tô của người dân đang tăng mạnh, bất chấp nhiều loại thuế khiến giá xe Việt Nam vẫn cao hơn ít nhất 50-70% so với nhiều quốc gia trong khu vực.
Mặc dù vậy, so với thị trường Thái Lan hoặc Indonesia, con số 300 ngàn chiếc/năm vẫn “chưa là gì” với con số khoảng 2 triệu chiếc/năm của thị trường Thái Lan. Điều này lý giải tại sao những hãng xe lớn lại chọn Thái hoặc Indonesia làm nơi sản xuất.
Đầu tiên, sức tiêu thụ của thị trường nội địa tại 2 nước này lớn gấp nhiều lần Việt Nam và yếu tố thứ 2 là điểm yếu cốt lõi của Việt Nam bao nhiêu năm qua: công nghiệp hỗ trợ phát triển quá chậm và không đồng đều. Công nghiệp hỗ trợ chậm chạp khiến chi phí sản xuất một chiếc ô tô tại Việt Nam đang cao hơn vài chục % so với chi phí sản xuất tại Thái Lan.
Cộng hưởng nhiều yếu tố này, có vẻ xu hướng rút khỏi thị trường Việt Nam của những hãng ô tô lớn trong năm 2018 là rất có khả năng.
Nhìn lại, Việt Nam đã có trên 20 năm tập trung nhiều ưu đãi nhằm phát triển công nghiệp ô tô trong nước. Các doanh nghiệp sản xuất ô tô lớn của thế giới hầu hết đều đã mở rộng sản xuất hoặc kinh doanh đến Việt Nam, một phần do được hưởng nhiều ưu đãi từ chính sách.
Tuy nhiên, trừ một vài dòng xe sẽ được sản xuất tại Việt Nam thì việc đầu tư cho sản xuất của nhiều hãng xe là không lớn. Không tuyên bố rõ ràng, nhưng trong những năm qua một số hãng ô tô cũng đã âm thầm tăng lượng nhập khẩu xe nguyên chiếc từ thị trường Thái Lan về Việt Nam bán dù dòng xe đó vẫn đang lắp ráp tại Việt Nam.
Một yếu tố khác không kém phần quan trọng là tâm lý người tiêu dùng Việt Nam vẫn chuộng xe nhập khẩu nguyên chiếc thay vì sử dụng xe lắp ráp trong nước và sẵn sàng chi tiền cao hơn vài chục % để mua xe nhập khẩu từ Thái Lan.
Hãng Honda trước đây đã chọn mẫu xe Civic (lắp ráp tại nhà máy ở Vĩnh Phúc) như là một mẫu xe chào hàng khi chính thức vào thị trường xe hơi Việt Nam. Song, sau khoảng 10 năm xuất xưởng tại Việt Nam, Honda Việt Nam giờ đây chuyển sang nhập khẩu nguyên chiếc xe Civic từ Thái Lan.
Tương tự là một số thương hiệu xe du lịch khác, như: Mitsubishi, Suzuki, Isuzu... hiện nay cũng có số mẫu xe nhập khẩu nhiều hơn xe lắp ráp trong nước.
Công nghiệp ô tô Việt Nam sẽ đi về đâu trong thời gian tới vẫn là câu hỏi chưa có câu trả lời chính xác. Song cho đến lúc này, ngoài Công ty cổ phần ô tô Trường Hải vẫn đang nỗ lực tăng tỷ lệ nội địa hóa để có những chiếc ô tô “made in Vietnam” trong thời gian tới, còn lại các hãng xe lớn sẽ dịch chuyển đầu tư tùy vào “thời thế” và sự dịch chuyển hàng loạt này có thể sẽ làm giấc mơ xây dựng ngành công nghiệp ô tô trong nước rơi vào tình thế vỡ mộng.
Vi Lâm