Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát biểu khai mạc của Thượng tướng NGUYỄN TÂN CƯƠNG, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban Chỉ đạo Hội thảo

09:04, 28/04/2021

Cách đây 46 năm, thực hiện quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh, quân và dân ta đã mở đòn tiến công hướng Đông Nam trên địa bàn Đồng Nai trong Chiến dịch Hồ Chí Minh và giành được thắng lợi quan trọng, góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng Sài Gòn - Gia Định, thống nhất đất nước,...

- Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng!

- Kính thưa các đồng chí đại biểu lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện các ban, ngành, đoàn thể tỉnh Đồng Nai và các tỉnh, thành phố!

- Kính thưa các đồng chí lão thành cách mạng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; các đồng chí tướng lĩnh, sỹ quan!

- Thưa các nhà khoa học, các quý vị đại biểu cùng toàn thể các đồng chí!

Thượng tướng Nguyễn Tân Cương khai mạc hội thảo
Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban Chỉ đạo phát biểu khai mạc hội thảo

Cách đây 46 năm, thực hiện quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh, quân và dân ta đã mở đòn tiến công hướng Đông Nam trên địa bàn Đồng Nai trong Chiến dịch Hồ Chí Minh và giành được thắng lợi quan trọng, góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng Sài Gòn - Gia Định, thống nhất đất nước, kết thúc vẻ vang sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Cùng với thời gian, giá trị của thắng lợi trên hướng Đông Nam Chiến dịch Hồ Chí Minh ngày càng được khẳng định, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc.

Nhân kỷ niệm 46 năm Ngày Toàn thắng 30 tháng Tư năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Tỉnh ủy Đồng Nai tổ chức Hội thảo khoa học cấp Bộ với chủ đề: “Hướng Đông Nam trên địa bàn tỉnh Đồng Nai trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử”. Thay mặt Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Ban Chỉ đạo Hội thảo, tôi nhiệt liệt chào mừng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và quân đội, lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh Đồng Nai; các đồng chí lão thành cách mạng, tướng lĩnh, sĩ quan; các quý vị đại biểu, khách quý, các nhà khoa học cùng toàn thể các đồng chí về dự Hội thảo khoa học quan trọng này. Chúc các đồng chí mạnh khỏe, hạnh phúc và thành đạt. Chúc Hội thảo thành công tốt đẹp.

Thưa toàn thể các đồng chí!

Sau gần một tháng thực hiện Kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam (từ 4.3.1975 đến 29.3.1975), bằng hai đòn tiến công chiến lược với các chiến dịch Tây Nguyên, Trị Thiên - Huế và Đà Nẵng, quân và dân ta đã giành thắng lợi mang tính bước ngoặt, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ hệ thống chính quyền và quân đội ngụy Sài Gòn ở hai quân khu - quân đoàn 1 và 2. Với những thắng lợi trên, các lực lượng vũ trang của ta đã lớn mạnh vượt bậc về chiến lược, về lực lượng quân sự, chính trị, ta đã có sức mạnh áp đảo, trong khi đó địch đang đứng trước nguy cơ sụp đổ và diệt vong. Trước tình hình đó, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam quyết định: “Chúng ta phải nắm vững thời cơ chiến lược, quyết tâm thực hiện tổng tiến công và nổi dậy, kết thúc thắng lợi chiến tranh giải phóng trong thời gian ngắn nhất. Tốt hơn cả là bắt đầu và kết thúc trong tháng 4 năm nay” (1). Bộ Chính trị quyết định Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh, Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh khẩn trương hoàn thiện kế hoạch tiến công giải phóng Sài Gòn - Gia Định, trong đó xác định cách đánh của chiến dịch là: “dùng một bộ phận lực lượng thích hợp, trên từng hướng, đủ sức hình thành bao vây, chia cắt, chặn giữ quân địch lại không cho chúng rút chạy về Sài Gòn, tiêu diệt và làm tan rã tại chỗ các sư đoàn chủ lực của địch phòng thủ vòng ngoài, đồng thời dùng đại bộ phận lực lượng của ta nhanh chóng thọc sâu đánh chiếm các địa bàn then chốt ở vùng ven, mở đường cho các binh đoàn đột kích cơ giới mạnh đã được tổ chức chặt chẽ, tiến nhanh theo các trục đường lớn đánh thẳng vào năm mục tiêu đã được chọn lựa trong nội thành” (2). Cụ thể: Hướng Tây Bắc có Quân đoàn 3, được tăng cường lực lượng vũ trang Tây Ninh, Sài Gòn - Gia Định; hướng Bắc có Quân đoàn 1 (thiếu) được tăng cường lực lượng đặc công, xe tăng, cao xạ; hướng Đông và Đông Nam có Quân đoàn 4 và Quân đoàn 2, được tăng cường pháo binh, xe tăng, cao xạ, đặc công, biệt động; hướng Tây và Tây Nam có Đoàn 232 và chủ lực Quân khu 8 (lực lượng tương đương một quân đoàn). Theo kế hoạch, trên hướng Đông Nam, Quân đoàn 2 sẽ đảm nhiệm tiến công tiêu diệt địch ở tả ngạn sông Đồng Nai, đánh chiếm căn cứ Nước Trong, căn cứ Long Bình, chi khu Long Thành, chi khu Nhơn Trạch, thành Tuy Hạ... Hướng tiến công chính diện có chiều sâu 68km từ đông bắc Long Thành - Nước Trong tới trung tâm thành phố Sài Gòn.

Tại hướng Đông Nam, Mỹ và chính quyền ngụy  Sài Gòn tổ chức lực lượng phòng ngự mạnh, gồm các đơn vị: Lữ đoàn 468 lính thủy đánh bộ; Lữ đoàn 1 và 4, Liên đoàn 33 biệt động quân; 18 tiểu đoàn bảo an, 4 thiết đoàn xe tăng và xe bọc thép, 62 khẩu pháo lớn các loại (3)... Toàn bộ lực lượng được bố trí thành thành 3 tuyến phòng thủ: Tuyến phòng ngự thứ nhất là tuyến vòng ngoài. Đây là tuyến phòng ngự mạnh nhất của địch, được xây dựng thành từng cụm dựa vào các căn cứ lớn, có công sự vững chắc từ đông Biên Hòa theo trục đường số 1 đến Trảng Bom và từ căn cứ Long Bình theo trục đường số 15 qua Long Thành tới Vũng Tàu; Tuyến phòng ngự thứ hai là tuyến trung gian, kéo dài từ Thủ Đức đến bến phà Cát Lái do lực lượng địa phương đảm nhiệm; Tuyến thứ ba là tuyến trong cùng, do lực lượng địa phương và các lực lượng của “biệt khu Thủ đô” đảm nhiệm.

Để phá vỡ tuyến phòng ngự Đông Nam Sài Gòn của địch, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 xác định quyết tâm: Tập trung lực lượng chủ yếu gồm các Sư đoàn 304, Sư đoàn 325, Lữ đoàn xe tăng 203, Sư đoàn phòng không 673, Lữ đoàn pháo binh 164, thực hành đột phá trên hướng chủ yếu từ điểm cao 43 đến ngã ba Phước Lộc (nam thị trấn Long Thành) theo hướng đường 15, ngã ba Long Bình, cầu Xa Lộ vào Sài Gòn. Mũi đột kích chủ yếu đánh vào căn cứ Nước Trong, Long Bình, cầu Xa Lộ do Sư đoàn 304 đảm nhiệm. Mũi quan trọng đột kích chi khu Long Thành, chi khu Nhơn Trạch, thành Tuy Hạ, Cát Lái do Sư đoàn 325 đảm nhiệm. Hướng thứ hai do Sư đoàn 3 đảm nhiệm, đột phá chi khu Đức Thạnh, thị xã Bà Rịa, thị xã Vũng Tàu. 17 giờ ngày 26 tháng 4 năm 1975, cuộc tiến công của quân và dân ta trên hướng Đông Nam mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh. Sau 3 ngày đêm chiến đấu, quân và dân ta ở hướng Đông Nam đã đánh sập hệ thống phòng ngự của quân đội  ngụy Sài Gòn trên địa bàn Đồng Nai, chiếm giữ các cầu Xa Lộ, Đồng Nai, Sài Gòn, sông Buông, tạo điều kiện cho hướng mũi tiến công, đặc biệt là lực lượng thọc sâu của Quân đoàn 2 nhanh chóng đánh chiếm dinh Độc Lập, bắt giữ nội các chính quyền ngụy Sài Gòn, buộc Tổng thống Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện trên đài phát thanh vào trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975. Đây cũng là thời điểm đánh dấu Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.

Thưa các đồng chí!

Thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh - Trận quyết chiến chiến lược cuối cùng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đã kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Thắng lợi đó là biểu hiện tập trung sức mạnh của tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, hiệu quả giữa tiến công và nổi dậy; đồng thời, khẳng định vai trò, vị trí của từng hướng mũi tiến công, trong đó có đóng góp hết sức quan trọng của hướng Đông Nam trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Chính bởi vậy, chúng ta tin tưởng rằng, Hội thảo hôm nay sẽ là một trong những hoạt động có ý nghĩa thiết thực, kỷ niệm 46 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đây cũng là dịp để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta ôn lại truyền thống đấu tranh anh hùng, bất khuất của dân tộc, góp phần hun đúc tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường cho thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay và mai sau. Kết quả của Hội thảo góp phần cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, trong đó có Đảng bộ, Nhân dân và lực lượng vũ trang Đồng Nai nêu cao tinh thần, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

Với tinh thần đó, tôi xin tuyên bố khai mạc Hội thảo khoa học: “Hướng Đông Nam trên địa bàn tỉnh Đồng Nai trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử”.

Kính chúc các đại biểu cùng toàn thể các đồng chí dồi dào sức khoẻ và hạnh phúc!

Chúc Hội thảo thành công tốt đẹp!

Trân trọng cảm ơn!

 



(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 36 (1975), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.95-96.

(2) Đại tướng Văn Tiến Dũng, Đại thắng mùa Xuân, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1976, tr.229.

(3) Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2, Lịch sử Quân đoàn 2 (1974-2004), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr. 215.

 

Tin xem nhiều