Hôm nay 28-4, tại hội thảo khoa học Hướng Đông Nam trên địa bàn tỉnh Đồng Nai trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử do Bộ Quốc phòng phối hợp với Tỉnh ủy Đồng Nai tổ chức, đồng chí Nguyễn Phú Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh có bài tham luận với tiêu đề Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lãnh đạo quân và dân phối hợp với bộ đội chủ lực tham gia đánh địch trên hướng Đông Nam trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Báo Đồng Nai trân trọng giới thiệu toàn văn bài tham luận này.
Hôm nay 28-4, tại hội thảo khoa học Hướng Đông Nam trên địa bàn tỉnh Đồng Nai trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử do Bộ Quốc phòng phối hợp với Tỉnh ủy Đồng Nai tổ chức, đồng chí Nguyễn Phú Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh có bài tham luận với tiêu đề Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lãnh đạo quân và dân phối hợp với bộ đội chủ lực tham gia đánh địch trên hướng Đông Nam trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Báo Đồng Nai trân trọng giới thiệu toàn văn bài tham luận này.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường. Ảnh: HUY ANH |
Thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn… Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Bắc Nam nhất định sẽ sum họp một nhà”(1). Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh, quân và dân Biên Hòa (Đồng Nai ngày nay) đã kiên cường chiến đấu, anh dũng hy sinh, góp sức mình cho sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, hòa cùng nhịp độ tiến công “thần tốc, táo bạo” của các cánh quân ào ạt tiến về Sài Gòn, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo quân và dân địa phương phối hợp với bộ đội chủ lực để tạo nên sức mạnh, đập tan các cứ điểm phòng ngự của địch trên hướng Đông Nam Chiến dịch Hồ Chí Minh, góp phần quan trọng vào thắng lợi cuối cùng của hành trình 21 năm đánh Mỹ và thắng Mỹ.
Thắng lợi Chiến dịch Tây Nguyên đã tạo nên thời cơ chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam trong năm 1975. Trước tình hình đó, ngày 31-3-1975, Bộ Chính trị họp bàn, ra quyết định lịch sử: “Nắm vững thời cơ chiến lược, quyết tâm thực hiện tổng tiến công và nổi dậy, kết thúc thắng lợi chiến tranh giải phóng trong thời gian ngắn nhất. Tốt hơn cả là bắt đầu và kết thúc trong tháng tư năm nay, không để chậm”(2). Đối với địa bàn Đồng Nai, Bộ Chính trị chủ trương “Nhanh chóng tập trung lực lượng ở hướng Đông và Đông - Nam, đánh chiếm những mục tiêu quan trọng, thực hiện bao vây, cô lập hoàn toàn Sài Gòn” (3).
Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Ban chấp hành Tỉnh ủy Biên Hòa quyết định: “Lãnh đạo toàn Đảng, toàn quân, toàn dân khẩn trương chuẩn bị tiến hành Tổng công kích - tổng khởi nghĩa giải phóng toàn tỉnh. Thời cơ chiến lược đã xuất hiện. Các cấp Đảng bộ trong tỉnh phải nhanh chóng triển khai tổ chức lực lượng mọi mặt với tinh thần “một ngày bằng 20 năm” quyết tâm giải phóng quê hương. Kết hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang chủ lực, tấn công ba mũi chính trị, vũ trang, binh vận bức hàng đồn bót địch, quét sạch ngụy quân, ngụy quyền, giải phóng toàn bộ xã, ấp, thị trấn” (4).
Để thực hiện nhiệm vụ trên, Ban TVTU quyết định:
1 - Điều động toàn bộ lực lượng vũ trang và 50 cán bộ các ban, ngành, đoàn thể tỉnh tập trung cho vùng trọng điểm Long Thành, Nhơn Trạch.
2 - Sử dụng toàn bộ lực lượng nội tuyến, cơ sở cảm tình phục vụ cho Tổng công kích - tổng khởi nghĩa.
3 - Quyết định thành lập Ủy ban Quân quản tỉnh Biên Hòa (nông thôn) do đồng chí Võ Văn Lượng làm Chủ tịch.
4 - Giải phóng đến đâu, tổ chức cứu đói và cấp lương thực, phương tiện, cho tổ chức đưa nhân dân về quê cũ, nhất là số đồng bào miền Trung chạy vào.
5 - Về thực hiện chính sách tử sĩ, thương binh, giao cho Tỉnh đội triển khai lực lượng chu đáo, không để sót.
6 - Huyện ủy Nhơn Trạch chuẩn bị ít nhất 100 tàu thuyền, xuồng ghe tại phà Cát Lái (Phú Hữu) để đưa quân chủ lực vượt sông Lòng Tàu về tấn công Sài Gòn(5).
Tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, trên địa bàn Đồng Nai có hai quân đoàn chủ lực; Quân đoàn 4 đảm nhiệm hướng tiến công phía Đông và Quân đoàn 2 tiến công hướng Đông Nam. Trên hướng Đông Nam, sau thất bại Xuân Lộc, địch đã tổ chức xây dựng, củng cố tuyến phòng ngự vòng ngoài từ căn cứ Long Bình theo trục đường 15 qua Long Thành tới Vũng Tàu để bảo vệ Sài Gòn. Đây là tuyến phòng ngự được xây dựng thành từng cụm dựa vào các căn cứ lớn như Nước Trong, căn cứ Long Bình, Long Thành, Nhơn Trạch, Thành Tuy Hạ, có công sự vững chắc, hỏa lực dày đặc.
Ngày 22-4-1975, đồng chí Trung tướng Lê Trọng Tấn, Phó tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh đã triệu tập cuộc họp giữa Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 và Ban TVTU Biên Hòa; chỉ thị cho Sư đoàn 304 đánh chiếm cụm cứ điểm Nước Trong, phát triển ra đánh chiếm khu kho Long Bình; Sư đoàn 325 đánh chi khu Long Thành, cụm pháo Bến Sắn (Phước Thiền), chi khu Nhơn Trạch và kho bom đạn Thành Tuy Hạ. Tiểu đoàn 240, Tiểu đoàn 6 đặc công tỉnh Biên Hòa kết hợp cùng lực lượng vũ trang H.Long Thành, Nhơn Trạch và du kích xã đánh chiếm các mục tiêu còn lại.
Thực hiện chỉ thị, Tỉnh ủy Biên Hòa phân công các đồng chí trong Thường vụ đi cùng các cánh quân trên các hướng; đồng thời, triển khai cho toàn bộ các cấp ủy Đảng trực thuộc quán triệt nhiệm vụ, xác định quyết tâm, động viên toàn bộ lực lượng tại chỗ, đảm bảo nhiệm vụ hậu cần phục vụ cho lực lượng vũ trang, có kế hoạch di tản nhân dân khỏi vùng chiến sự; phát động quần chúng nổi dậy truy lùng ác ôn, chiếm các trụ sở tề xã ấp, phát huy tinh thần tự lực và chủ động giải phóng địa phương mình.
Thực hiện kế hoạch, ngay trong ngày 22-4-1975, Huyện ủy Long Thành huy động trên 100 dân công các xã Bình Sơn, Cẩm Đường, Long An, Lộc An sửa đường 10, đường 15B cho xe tăng Quân đoàn 2 tiến về Long Thành; đồng thời huy động được hàng trăm tấn gạo đảm bảo lương thực cho quân chủ lực. Dọc đường 10, huyện cho đặt hàng trăm thùng phuy nước sạch, kịp thời cung cấp nước uống cho các đơn vị hành quân. Huyện cũng khảo sát chọn 4 địa điểm: nỗng nhà thờ Phú Hội, nỗng Giăng Lò, đồi Bình Phú, đồi Bình Tuy (thuộc Nhơn Trạch), để pháo binh xây dựng trận địa bắn vào sân bay Tân Sơn Nhất.
Chiều 26-4-1975, nắm thời cơ khi đội hình Sư đoàn 304 có xe tăng dẫn đầu xuất phát hành quân từ Bình Sơn theo đường 15B tiến về khu căn cứ Nước Trong, Sư đoàn 325 theo đường liên tỉnh 25 qua Lộc An tiến về TT.Long Thành, Chi bộ Sở Cao su Bình Sơn phát động công nhân nổi dậy cùng Đại đội 207 bộ đội địa phương tấn công, giải phóng Sở Bình Sơn. 17 giờ ngày 26-4, Chiến dịch Hồ Chí Minh mở màn bằng hàng loạt trận pháo kích dữ dội vào các mục tiêu trên tuyến phòng ngự của địch. Trên hướng Đông Nam, dưới sự chỉ huy của Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2, Sư đoàn 304 tiến công tiêu diệt căn cứ Nước Trong; Sư đoàn 325 tiến công Chi khu Long Thành, Sư đoàn 3 tiến công Chi khu Đức Thạnh. Phối hợp với Quân đoàn 2, lực lượng vũ trang địa phương gồm: Tiểu đoàn 445 (Bà Rịa - Long Khánh) tiến công Chi khu Long Điền; Tiểu đoàn 240 (Biên Hòa) đánh chiếm phân Chi khu quân sự, ngã ba và cầu Phước Thiền; Đại đội 25 và 26 (Long Đất) tiến công Chi khu Đất Đỏ, Đại đội 34 (Châu Đức) phối hợp với Sư đoàn 3 tiến công Chi khu Đức Thạnh; lực lượng du kích các xã cùng đồng bào nổi dậy giải phóng các ấp bị địch chiếm đóng. Đêm 26-4-1975, hai xã Phước Nguyên, Long Phước được giải phóng.
Chiều ngày 27-4, sau khi đánh tan căn cứ Nước Trong, bộ đội chủ lực phát triển tiến công về Phước Tân và Tổng kho Long Bình. Chi bộ Đảng đã lãnh đạo du kích và nhân dân tấn công và nổi dậy, giải phóng hoàn toàn các xã Long Tân, Tam Phước, An Hòa, Long Hương. Trên hướng tỉnh lộ 17, Tiểu đoàn 240 Biên Hòa, sau khi đánh chiếm ngã ba và cầu Phước Thiền đã đánh bật hầu hết các lực lượng giải tỏa của địch, giữ vững ngã ba, chiếm giữ cầu Xéo bảo đảm cho đội hình Sư đoàn 325 phát triển tiến công về Nhơn Trạch. Phối hợp với đòn tiến công của bộ đội chủ lực, du kích xã Phước Thiền tấn công đồn Bến Cam, trụ sở hội đồng xã. Địch bỏ chạy, xã Phước Thiền hoàn toàn giải phóng.
Tại xã Long Tân, Phú Hội, khi xe tăng phát triển về Nhơn Trạch, 219 lính ngụy bỏ súng đầu hàng, 173 tên bị du kích và nhân dân bắt sống. Phú Hội, Long Tân được giải phóng. Cùng với đó, du kích lực lượng vũ trang địa phương hỗ trợ nhân dân nổi dậy giải phóng hai xã Tam An và Phước Nguyên, Tiểu đoàn 445 kịp thời tổ chức chốt chặn tại ngã ba Long Điền, đánh tan rã các lực lượng của địch từ Bà Rịa chạy về, bảo đảm cho đội hình Sư đoàn 3 phát triển tiến công về Long Hải, Vũng Tàu. Hai đại đội của H.Long Đất mở đợt tiến công cuối cùng quét sạch quân địch ở chi khu cảnh sát và chi khu Đất Đỏ, lực lượng du kích hỗ trợ nhân dân kéo đến bao vây chi khu Xuyên Mộc và hoàn toàn làm chủ Xuyên Mộc.
Ở Nhơn Trạch, Sư đoàn 325 gặp sự chống trả khá quyết liệt của địch. Tỉnh ủy Biên Hòa, Huyện ủy Nhơn Trạch triển khai lực lượng chính trị, binh vận phát động quần chúng, tranh thủ linh mục giáo xứ Vĩnh Thanh kêu gọi giáo dân tin tưởng, ủng hộ quân giải phóng, ổn định tinh thần, cùng quân giải phóng địa bàn.Đòn tiến công này đã phát huy hiệu quả, địch trong chi khu, các đồn bót hoang mang bỏ chạy. Tận dụng thời cơ, Huyện ủy phát động quần chúng nổi dậy giải phóng hoàn toàn xã, ấp quanh thị trấn. Trên hướng Rừng Sác, Đoàn 10 hỗ trợ cho du kích và nhân dân nổi dậy tiến công địch, giải phóng các xã Phước Khánh, Giồng Ông Đông, Tam Thôn Hiệp, Lý Nhơn. Cũng trong ngày 27-4, Sư đoàn 3 và Đại đội 34 Châu Đức đã chiếm được Chi khu Đức Thạnh, Tiểu đoàn 445 làm chủ Chi khu Long Điền, Sư đoàn 3 giải phóng TX.Bà Rịa.
Tảng sáng ngày 29-4, Sư đoàn 325 tiếp tục sử dụng Trung đoàn 46 giải quyết nốt phần còn lại của mục tiêu chi khu Nhơn Trạch và đánh sang khu vực Thành Tuy Hạ, vị trí án ngữ đường tiến quân của Sư đoàn vào nội đô Sài Gòn. Địch tập trung một lực lượng pháo bắn thẳng đặt trên đồi Bình Phú (Long Tân). Xe tăng ta nhiều lần đột kích nhưng không chiếm được đồi. Đại đội 240 Nhơn Trạch được giao nhiệm vụ phối hợp cùng Tiểu đoàn 101, Sư đoàn 325 diệt địch trên đồi Bình Phú. Với lối đánh thọc sâu táo bạo, bộ đội ta đã chiếm đồi Bình Phú và xây dựng trận địa pháo 130mm. Đêm 29-4, tại đồi Bình Phú, Nhơn Trạch, lần đầu tiên pháo ta đã nã đạn dồn dập vào sân bay Tân Sơn Nhất. Lúc này, bộ đội ta đã làm chủ Thành Tuy Hạ và Sư đoàn 325 đã đến bến phà Cát Lái. Toàn bộ quân địch ở Nhơn Trạch bị quét sạch.
Đến ngày 29-4-1975, bộ đội chủ lực đã phối hợp với lực lượng vũ trang 2 huyện Long Thành, Nhơn Trạch loại khỏi vòng chiến đấu hàng ngàn tên địch; kêu gọi trình diện 4.598 tên, trong đó có 2 đại tá, 9 trung tá, 265 sĩ quan cấp úy. Hai huyện Long Thành, Nhơn Trạch được giải phóng, ta mở được cánh cửa phía Đông để quân chủ lực phát triển đánh chiếm các căn cứ quân sự, kho tàng của địch ở TP.Biên Hòa; đồng thời tạo điều kiện cho Quân đoàn 2 nhanh chóng vượt qua sông Đồng Nai tiến công vào Sài Gòn. Để hỗ trợ cho Sư đoàn 325 vượt sông, quân và dân Nhơn Trạch đã huy động hơn 100 xuồng ghe các loại, phối hợp bảo đảm đường cơ động cho đơn vị vào giải phóng quận 9, Thủ Thiêm(6) tạo điều kiện để chủ lực Quân đoàn 2 thọc sâu tiến công các mục tiêu đã đề ra.
Dưới sự chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Đảng bộ tỉnh, quân và dân trên hướng tiến công Đông Nam Chiến dịch Hồ Chí Minh đã phát huy vai trò lực lượng tại chỗ góp phần xây dựng thế trận hậu cần, cơ động lực lượng, phối hợp chiến đấu với bộ đội chủ lực để nhanh chóng đập tan tuyến phòng ngự vòng ngoài của địch, tạo điều kiện cho cuộc Tổng công kích vào nội đô Sài Gòn giành thắng lợi nhanh chóng, góp phần cùng cả nước làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Quá trình đấu tranh gian khổ, xây dựng lực lượng, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân của quân và dân trên địa bàn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã để lại bài học có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, có thể vận dụng cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, đó là: Chúng ta phải xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, thế trận quốc phòng toàn dân vững mạnh, tạo cơ sở cho sự phối hợp giữa lực lượng tại chỗ với lực lượng bộ đội chủ lực để bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống.
Để xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc trước hết phải phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy Đảng; quán triệt quan điểm, đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng, các chỉ thị của Nhà nước, Bộ Quốc phòng và quân khu về xây dựng khu vực phòng thủ, đặc biệt là vận hành cơ chế trong xây dựng khu vực phòng thủ có chất lượng. Một khi cả hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ, đảng viên và toàn dân cùng tham gia vào nhiệm vụ củng cố vững chắc khu vực phòng thủ là điều kiện quan trọng để lực lượng vũ trang hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc;
Hai là, hết sức chú trọng xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần, cốt lõi là "thế trận lòng dân". Để làm tốt vấn đề này các cấp ủy phải chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tập trung xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, phát huy vai trò của các đoàn thể tuyên truyền, vận động, tập hợp nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh. Tỉnh phải thường xuyên củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của hội đồng giáo dục quốc phòng và an ninh các cấp, triển khai công tác bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho cán bộ các cấp một cách đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở. Đây chính là tạo nền tảng cơ sở cho xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh ngày càng vững chắc;
Ba là, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để xây dựng thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ. Trên cơ sở quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thế trận phòng thủ quân khu, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương liên quan, tham mưu cho UBND tỉnh lập quy hoạch thế trận quân sự khu vực phòng thủ phù hợp với địa bàn. Cần tăng cường quản lý các phương tiện, vật tư, kỹ thuật của nền kinh tế, sẵn sàng động viên khi có tình huống;
Bốn là, tập trung xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh làm nòng cốt trong xây dựng khu vực phòng thủ. Theo đó, lực lượng thường trực của tỉnh phải được tập trung xây dựng, kiện toàn về tổ chức, biên chế theo hướng "tinh, gọn, mạnh". Các đơn vị chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục chính trị, tư tưởng, bảo đảm 100% cán bộ, chiến sĩ trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, với Đảng và Nhân dân. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt công tác huấn luyện, bảo đảm cho bộ đội sử dụng thành thạo vũ khí, trang bị trong biên chế, giỏi về kỹ thuật, chiến thuật cá nhân và phân đội, có khả năng cơ động hiệp đồng tác chiến với các lực lượng đứng chân trên địa bàn, nhất là hiệp đồng giữa các đơn vị của Bộ, Quân khu. Coi trọng từ khâu tạo nguồn, đăng ký, quản lý, huấn luyện, tổ chức cho đến việc bảo đảm chế độ chính sách đối với lực lượng dự bị động viên. Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ thực sự là nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự ở cơ sở; tham gia bảo vệ Đảng, chính quyền, tính mạng, tài sản của nhân dân, tài sản của Nhà nước trên địa bàn, thật sự xứng đáng là lực lượng chính trị trung thành, tin cậy của cấp ủy, chính quyền và nhân dân ở địa phương, cơ sở.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng bộ, quân và dân tỉnh Đồng Nai đã vận dụng sáng tạo, linh hoạt đường lối cách mạng của Trung ương Đảng vào thực tiễn trên địa bàn tỉnh, vượt qua những khó khăn, thử thách hoàn thành thắng lợi những nhiệm vụ chính trị được giao; xây dựng căn cứ địa cách mạng, hậu phương tại chỗ làm điểm tựa vững chắc cho lực lượng vũ trang chủ lực trên địa bàn.Những kinh nghiệm, truyền thống cách mạng quý báu về sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh Đồng Nai trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc nói chung trên địa bàn Biên Hòa - Đồng Nai, ở hướng Đông Nam trong Chiến dịch Hồ Chí Minh nói riêng là bài học quý cho sự nghiệp xây dựng và củng cố thế trận quốc phòng toàn dân trên địa bàn tỉnh hiện nay để góp phần “khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; bảo đảm quốc phòng - an ninh; xây dựng tỉnh Đồng Nai phát triển toàn diện”, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
N.P.C
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.623.
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 36, 1975, Nxb CTQG, Hà Nội, 2004, tr.92-93.
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 36, 1975, Nxb CTQG, Hà Nội, 2004, tr.93.
(4) Ban chấp hành Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Đồng Nai, Lịch sử Đảng bộ tỉnh Đồng Nai, tập 2
(1954-1975), Nxb Tổng hợp Đồng Nai, 2000, tr.155-156.
(5) Xem Ban chấp hành Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Đồng Nai, Lịch sử Đảng bộ tỉnh Đồng Nai, tập 2 (1954-1975), Nxb Tổng hợp Đồng Nai, 2000, tr.156.
(6) Hội đồng chỉ đạo biên soạn Lịch sử Nam bộ kháng chiến, Lịch sử Nam bộ kháng chiến 1954-1975, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.988.