Báo Đồng Nai điện tử
En

Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long
(Cảm xúc đầu Xuân 2010)

03:02, 09/02/2010

Câu thơ "Từ độ mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long..." ai cũng biết là của nhà thơ - chiến sĩ của thế hệ "xếp bút nghiêng lên đường tranh đấu" ở Nam bộ đã cầm vũ khí trước vận sơn hà nguy biến, để bảo vệ nền độc lập non trẻ của dân tộc Việt Nam trước họa xâm lăng trở lại của thực dân...

Œ Câu thơ "Từ độ mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long..." ai cũng biết là của nhà thơ - chiến sĩ của thế hệ "xếp bút nghiêng lên đường tranh đấu" ở Nam bộ đã cầm vũ khí trước vận sơn hà nguy biến, để bảo vệ nền độc lập non trẻ của dân tộc Việt Nam trước họa xâm lăng trở lại của thực dân. Bài thơ nói lên cái chân lý "Nam bộ là máu của máu Việt Nam , là thịt của thịt Việt Nam" mà vì cái chân lý ấy, dân tộc ta phải chấp nhận mọi hy sinh. Bài thơ ấy còn nói lên cái da diết trong tâm thức của người dân Việt Nam, trước tiên là nhân dân Nam bộ luôn hướng về cội nguồn, từ Đất Tổ Hùng Vương cho đến Chiến khu Việt Bắc "đẻ nuôi chí bền" khi bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, khi nhìn thấy trước cuộc kháng chiến là vô cùng gian khổ hy sinh.

Tháp Rùa trên hồ Gươm.

Vậy mà đã nhiều lần, nhiều người khi trích câu thơ này của Huỳnh Văn Nghệ, hay lấy cảm hứng từ câu thơ này mà lầm hoặc "chuyển thể" thành "Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long". Bài thơ viết vào những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, cách đây đã hơn một "hoa hội", trước khi chúng ta phát động công việc chuẩn bị cho Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội (1999) hơn nửa thế kỷ.

Thời điểm mà bài thơ viết ra, địa danh "Hà Nội" mới trở lại vị thế của Thủ đô nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, còn trước đó địa danh "Hà Nội" mới chỉ là thủ phủ của Bắc kỳ, cho dù thực dân Pháp đã xây Phủ Toàn quyền, cũng như ở Sài Gòn là nơi đặt cơ quan đầu não của xứ Đông Dương thuộc Pháp (gồm cả Bắc kỳ, Nam kỳ, Cao Miên và Ai Lao). Và địa danh "Hà Nội" xuất hiện lần đầu do Vua Minh Mạng đặt ra (1831) là để khẳng định vị thế của cố đô của Đại Việt xưa, nay chỉ là một tỉnh thành như mọi tỉnh thành trên quốc gia Đại Nam của triều Nguyễn, mà trước đó gần 3 thập kỷ kinh đô của đất nước đã chuyển về Huế.

Khi Huỳnh Văn Nghệ trong câu thơ của mình không dùng địa danh "Hà Nội" mà lòng thương nhớ của mình, cũng là của người dân Nam bộ hướng về "Thăng Long" chính là vì trong tâm thức của con dân nước Việt, trái tim của đất nước không chỉ định vị bằng không gian địa lý mà còn bằng thời gian của lịch sử. Có lẽ vì thế mà ai đó viết câu "Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long" phải chăng cũng để nói rằng người phương Nam hay phương Bắc đều tự hào về một Thủ đô có cả một bề dày thời gian và truyền thống lịch sử đáng tự hào.

 Khi Vua Lý Thái Tổ, người khai lập triều đại nhà Lý, sau khi mới lên ngôi (1009) đã có một quyết định sáng suốt được quần thần tâm phục, đó là quyết định rời đô khỏi đất Hoa Lư và chọn thành Đại La là nơi từng là trị sở của thế lực đô hộ trong đêm trường Bắc thuộc. Chiếu dời đô có nhắc đến "Cao Vương" và thế đất "rồng cuộn hổ ngồi", cao ráo, sáng sủa và thịnh vượng của không gian này xứng đáng làm "kinh sư muôn đời". Phải chăng Lý Công Uẩn muốn đưa ra thông điệp rằng đây không chỉ là một cuộc di dời vị trí mà chính là sự trở lại với cội nguồn một vùng đất linh thiêng mà trên tiến trình dựng nước dân tộc ta đã lựa chọn.

Ai cũng biết "Cao Vương" được nhắc tới trong Chiếu dời đô là Cao Biền, một nhà cai trị và cũng là một nhà phong thủy cao tay của phương Bắc. Dân tộc ta khởi nguồn từ vùng Đất Tổ, từng lập đô của quốc gia Văn Lang trên đất Phong Châu - Bạch Hạc để tạo đà vươn xuống châu thổ Sông Hồng và hướng ra biển cả. Triều đại An Dương Vương đã tiến thêm một bước khi chọn vùng đất Cổ Loa hữu ngạn sông Hồng làm kinh đô, nhưng những thử thách đầu tiên trước sức bành trướng từ phương Bắc tràn xuống đã kết thúc triều đại này bằng một truyền thuyết bi hùng trong câu chuyện "Mỵ Châu - Trọng Thủy" như một ngụ ngôn về tinh thần cảnh giác.

Hà Nội, những năm 1950.

Tiếp đó là một thiên niên kỷ chìm đắm trong đêm trường Bắc thuộc, giang sơn của các Vua Hùng khai lập đã trở thành "quận huyện" của các đế chế phương Bắc. Nhưng lịch sử cũng lóe sáng những địa danh "Mê Linh" của Hai Bà Trưng định đô khi nổi dậy khởi nghĩa, "Vạn Xuân" bên bờ sông Tô Lịch của Lý Nam Đế... Rồi Cổ Loa một lần nữa được xác lập như kinh đô của một quốc gia khẳng định nền tự chủ sau chiến công hiển hách của Ngô Vương Quyền chấm dứt một cách căn bản chế độ cai trị của phương Bắc...

Tuy nhiên, những thử thách trên bước đường trưởng thành để xác lập được nền tự chủ lâu dài và bền vững, các triều đại Đinh - Tiền Lê đã lựa chọn kinh đô ở một vùng trùng điệp núi sông ở Hoa Lư kề cận gần hơn vùng đất Thanh - Nghệ giàu tinh thần dân tộc...

Với tầm nhìn và lòng tự tin, quyết định của Lý Thái Tổ trở lại với trung tâm của vùng châu thổ Sông Hồng, chọn ngay chính thành Đại La của Cao Vương, nơi có thế phong thủy "rồng cuộn hổ ngồi", nơi từng được coi là Long Đỗ (rốn rồng) và phải chăng vị vua khai nguồn cho nền Văn hiến Đại Việt đã chọn Đại La và đặt tên cho kinh đô của Đại Việt là Thăng Long không chỉ thể hiện một ước mong vươn lên mà cũng là cách phá cái thế yểm địa của chính Cao Vương để khẳng định ý chí và khởi động cho một trang sử vẻ vang của một thiên niên kỷ Tự chủ mà ngày nay chúng ta đang kế thừa và phát huy.

Cổng vào đình Cổ Loa.

Ž Tôi sinh ra ở Hà Nội, cha tôi cũng sinh ra ở Hà Nội, nhưng ông nội tôi lại sinh trưởng ở Bến Tre, mảnh đất mà khi tôi bước vào tuổi "tam thập nhi lập" cũng là vào thời điểm đất nước được giải phóng mới đặt chân tới "quê hương bản quán" của mình. Kể từ đó hoạt động nghề nghiệp của tôi cũng đi khắp đất nước từ Cao Bằng đến Cà Mau và càng ngày càng gắn bó với mảnh đất phương Nam để cảm nhận được sâu sắc hơn cái điều mà nhà thơ - chiến sĩ Huỳnh Văn Nghệ đã bày tỏ trong lời thơ của mình.

Cũng từ lâu tôi đã đến tỉnh Đồng Nai và cảm nhận được cái ý nghĩa rộng lớn hơn một không gian hành chính của địa danh "Đồng Nai" bao hàm không gian của cả một vùng châu thổ Cửu Long rộng lớn. Chính vào thời điểm tỉnh Đồng Nai chủ trương xây dựng trên địa điểm của Văn miếu Trấn Biên xưa một không gian hoạt động văn hóa để phát huy truyền thống hiếu học và nguyên lý "hiền tài là nguyên khí quốc gia" trước hết trên mảnh đất của tỉnh Đồng Nai đầy tiềm năng và năng động của đất nước. Và đó cũng là cơ hội tôi được tham gia những hoạt động văn hóa liên quan.

Cũng chính vì thế, khi được giới thiệu tham gia Quốc hội, tôi không mất nhiều thời gian suy nghĩ để đề đạt yêu cầu được ứng cử ở Bến Tre và Đồng Nai... Đến nay gần 8 năm và đã qua gần 2 nhiệm kỳ, Đồng Nai bỗng trở nên mảnh đất mà tôi gắn bó với tất cả trách nhiệm của một người đại biểu. Ít nhất xuân - thu không phải là "nhị kỳ" mà 4 lần trước và sau mỗi kỳ họp tôi tiếp xúc với bà con ở Định Quán và Tân Phú. Tôi được chứng kiến những đổi thay trên vùng đất này, chia sẻ những khó khăn và vui mừng trước mỗi bước tiến.

Cầu Long Biên đã chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử.

Biết rằng mình chưa làm được nhiều, chưa làm được như mong muốn của chính mình cũng như bà con cử tri gửi gắm. Nhưng dẫu sao 8 năm của tuổi "rắp ranh lên lão" cũng là thời kỳ mà sự chín chắn đã đủ để cho mình hiểu những lẽ đời sâu sắc... Để chợt nhận ra rằng mảnh đất nào trên đất nước này cùng hòa quyện vào làm một thực thể quốc gia, những việc làm nho nhỏ của mình cũng như những đóng góp to lớn của nhiều thế hệ trong lịch sử chỉ làm cho trong tâm cảm của mỗi người Việt Nam chúng ta dù ở trời Nam hay trời Bắc cũng chung lòng "thương nhớ đất Thăng Long" như một cội nguồn, điều mà Huỳnh Văn Nghệ đã nói thay cho tất cả.

Dương Trung Quốc

Tin xem nhiều