Báo Đồng Nai điện tử
En

“Công viên” Đá Dựng: Nguyên sơ và độc đáo!

11:02, 08/02/2010

Cách trung tâm thị xã Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu) 28km, “công viên” Đá Dựng (Khu Bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu - BTVC) mới phát hiện cách đây không lâu, được xem là một công trình của tạo hóa có sức hấp dẫn độc đáo...

Cách trung tâm thị xã Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu) 28km, “công viên” Đá Dựng (Khu Bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu - BTVC) mới phát hiện cách đây không lâu, được xem là một công trình của tạo hóa có sức hấp dẫn độc đáo...

 

Hang động

* Nguyên sơ

 

Từ đường đất đỏ Hiếu Liêm (xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu), chúng tôi đi theo đường rừng bằng xe gắn máy. Băng qua những khu rừng tái sinh rậm rạp chừng 15 phút, là đến những khu vực toàn đá. Đá ở đây có màu xanh đen, nằm la liệt phơi mình trong nắng gió. Có lẽ do đá quá nhiều, và trải rộng trên diện tích lớn nên người ta gọi là công viên đá?

 

Cổng trời

Một trong những điểm thú vị nhất của “công viên” Đá Dựng, chính là khu vực suối Đá Dựng. Dòng suối này khởi nguồn từ Bờ Hào, kéo dài hàng chục km. Thác ở suối Đá Dựng không cao, không “hoành tráng” như những dòng thác hùng vĩ trên cao nguyên, nhưng nó mang nét đặc trưng của một vùng đất còn khá nguyên sơ. Bao bọc suốt chiều dài dòng suối đêm ngày chảy róc rách là những tảng đá khổng lồ; xen kẽ những khối đá tảng vài người ôm, rồi đá con, đá cuội. Nói chung, “dòng họ” đá từ lớn đến bé đều có mặt ở khu vực này. Cùng góp mặt cho sự “già nua” nhưng rất nên thơ ở suối Đá Dựng, là những cây cẩm lai thẳng đứng hàng ngàn năm tuổi - đặc trưng của loài cây bản địa ở Khu BTVC. Ở suối Đá Dựng, môi trường gần như còn nguyên vẹn, chưa bị tác động nhiều lắm bởi con người. Trong đó, ấn tượng là một vài cây cổ thụ to lớn vươn rễ từ trên cao xuống ôm trọn vài tảng đá. Cùng với cây và nước, thì đá đã tạo nên một không gian mát lạnh, hấp dẫn. Đây đó, những kiệt tác từ đá mà tạo hóa đã ban tặng, mang dáng vẻ u uẩn lạ lùng. Giữa điệp trùng đá, suối Đá Dựng chẳng khác gì một “vườn địa đàng”.

 

* Độc đáo

 

Cách suối Đá Dựng chừng 1km, là khu vực hang cọp. Nơi đây hàng trăm tảng đá lớn nằm kế nhau hoặc chồng lên nhau, hình thành nên những hang động nho nhỏ. Đáng kể là có một tảng đá kếch xù từ dưới đất nhô lên, tạo nên “hàm ếch” cao chừng 3m, rộng và sâu hàng chục mét. Người ta bảo đó chính là nơi trú ẩn của cọp ngày trước. Khi chúng tôi đang loay hoay khám phá những điều kỳ thú bên những tảng đá, thì từ trong hang cọp, lù lù một “người rừng” xuất hiện. Người đàn ông râu tóc bù xù, mới 50 tuổi, nhưng hom hem chẳng khác gì...  ông cụ. Ông từ Sài Gòn lên đây sống đã gần chục năm. Bạn thân thiết của “người rừng” là bầy chó đông đúc. Thỉnh thoảng gia đình ông lên thăm, ở chơi vài ngày mới về. Ông dựng nhà trên một tảng đá, nhưng lại “thường trú” ở hang cọp để nuôi gà, vịt và nghỉ ngơi. Nơi đây mát và yên tĩnh. Chỉ có ban đêm, để tránh không khí lạnh và bất trắc, “người rừng” mới ngủ trong nhà.

 

Hang cọp.

Gần hang cọp, là những núi đá lô nhô với vô số hình thù kỳ lạ được “bàn tay” thiên nhiên xếp thành. Bên cạnh những khối đá mang dáng dấp “lâu đài, thành quách”, có tảng đá mỏng chỉ cỡ 10cm và cong như hình cánh cung, nằm ngửa lên trời một cách chơi vơi; có tảng thẳng đứng và nhọn hoắt; nhiều tảng có hình thù của muông thú; cũng có đá chồng (giống như đá 3 chồng Định Quán), đá gia đình (quần thể), đá mồ côi (một mình)... Chúng tôi rất khó khăn mới leo lên được một tảng đá cao chót vót, mà có người gọi đó là “cổng trời”. Bởi ở nơi đây giao thoa giữa trời và đất. Lạ ở chỗ, chính giữa tảng đá cao ngút trời là một “đường nối” sắc cạnh, xẻ khối đá thành hai mảng cong điệu nghệ. Thoạt nhìn, đường nối này chẳng khác gì được trám xi măng. Nhưng thực ra đó là kiệt tác của tạo hóa qua hàng triệu năm bị nước chảy mòn tạo nên.

 

"Nhà" bà Yến

Quanh khu vực núi đá, có một vài hang động nhỏ, là nơi sinh hoạt của một nữ “người rừng” 66 tuổi, nhà ở thị trấn Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu), làm rẫy ở núi đá gần 15 năm nay. Hơn chục năm ở đây, bà lão luôn tận dụng những hang động dùng để chứa vật dụng bếp, nông sản, tránh mưa nắng và làm... nhà. 

 

*  Nhiều hứa hẹn...

 

“Công viên” Đá Dựng rộng hơn 150 hécta, nằm giữa hai khu vực Suối Linh và Đá Dựng, thuộc sự quản lý của Khu BTVC. Dấu tích còn để lại của “công viên” Đá Dựng cho thấy nơi đây ngày trước có rừng, có hang động, suối, trảng cỏ và là nơi các loài thú hoang thường tìm đến kiếm ăn. Điều này phù hợp với những chuyện kể về hang cọp, nơi “ông ba mươi” ngày xưa ẩn náu để rình mồi hoặc ngơi nghỉ sau khi đã “chén” no nê. Thời gian gần đây, nhiều dấu vết chân, phân của loài thú ăn thịt cũng được tìm thấy tại nơi này, song chưa xác định được là loài gì. Những phát hiện liên quan đến quần thể đá ở “công viên” Đá Dựng, đã hé mở nhiều điều thú vị, nhưng chưa được khám phá hết. Theo lãnh đạo Khu BTVC, nếu “công viên” Đá Dựng được giới thiệu rộng rãi, và được đầu tư đúng mức thì nơi đây sẽ trở thành điểm đến lý tưởng, hấp dẫn du khách, bởi đây là một quần thể thắng cảnh thiên nhiên độc đáo và còn khá nguyên sơ; một cảnh quan kỳ thú không phải nơi nào cũng có.

 

* Giám đốc Khu BTVC Trần Văn Mùi: Trong năm 2010 sẽ di dời toàn bộ hộ dân ở quần thể Đá Dựng

 

“Công viên” Đá Dựng đến nay được xem là vốn quý, cần phải bảo vệ nguyên vẹn. Trong khu vực đá hiện có 15 hộ dân đang canh tác nông nghiệp, chủ yếu là trồng khoai mì và cây điều. Số hộ này đã sản xuất ở đây từ hàng chục năm trước. Việc sản xuất ở khu vực Đá Dựng ít nhiều làm ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên. Chính vì vậy, trong năm 2010, Khu BTVC sẽ phối hợp với huyện Vĩnh Cửu trong việc di dời toàn bộ số hộ dân này ra ngoài. Thực tế, chủ trương di dời dân đang sống trong Khu BTVC đã được UBND tỉnh chấp thuận. Về hướng phát triển công viên Đá Dựng, chúng tôi sẽ kêu gọi các nhà đầu tư hợp tác với Khu BTVC trong việc khai thác cảnh quan theo hướng du lịch sinh thái.

 

* Phạm Đức Báu, Hạt Kiểm lâm Khu BTVC: Chúng tôi sẽ cố gắng bảo vệ nguyên vẹn “công viên” Đá Dựng!

 

Lâu nay, rừng ở khu vực Suối Linh và Đá Dựng được bảo vệ nghiêm ngặt. Trong đó có khu vực “công viên” Đá Dựng. Tuy nhiên, do còn làm rẫy nên một số hộ dân đã làm thay đổi cảnh quan môi trường. Chẳng hạn trồng các loại cây như điều, xoài; hoặc chăn nuôi, trú ngụ trong những hang động, làm mất đi vẻ đẹp tự nhiên. Trong khi chờ đợi di dân ra ngoài, chúng tôi sẽ cố gắng động viên người dân chấp hành nghiêm các chủ trương trong việc bảo vệ và phát triển rừng. Trước mắt, phải giữ cho được vẻ nguyên sơ của “công viên” Đá Dựng.

 

* Lê Đình Hà, Trạm Kiểm lâm Suối Linh Khu BTVC: Dân địa phương rất mê cảnh quan ở khu Đá Dựng!

 
“Công viên” Đá Dựng được người dân phát hiện từ khá lâu. Song do không ai để ý nên quần thể này bị rơi vào quên lãng. Khoảng 3-4 năm trở lại đây, sau khi lãnh đạo Khu BTVC đi khảo sát toàn bộ diện tích của công viên đá và xác định đây là một tài sản thiên nhiên quý giá, từ đó, người dân quanh vùng mới thường lui tới tham quan, tắm suối và sinh hoạt dã ngoại ở khu vực này...

 

* “Người rừng” Nguyễn Văn Kỷ: Cảnh quan môi trường ở “công viên” Đá Dựng chẳng nơi nào có được!

 

Hơn chục năm trước, cha tôi từ TP.Hồ Chí Minh lên đây lập nghiệp. Dạo ấy, khu vực Đá Dựng còn hoang vắng lắm. Nếu buộc phải rời khu vực này, chắc chắn tôi sẽ buồn và nhớ lắm. Sống ở đây đã lâu, tôi quá quen với hình ảnh rừng rú, suối đá, hang động... độc đáo. Mỗi tháng tôi chỉ đi chợ từ 1-2 lần, chủ yếu là mua mắm, muối, cá khô. Mặc dù ăn uống kham khổ là vậy, nhưng tôi lại cảm thấy được “về” với thiên nhiên hơn...

 

* Nữ “người rừng” Võ Thị Yến: Cuộc sống trong hang động thoải mái lắm!

 

 

Hàng tuần, khi vào phụ giúp mẹ sản xuất, con cái đều khuyên tôi nên về nhà ở. Nhưng tôi nói, sống trong “nhà” ở “công viên” Đá Dựng thoải mái hơn. Ở đây, không khí trong lành, mát mẻ nên tôi chẳng bệnh hoạn gì. Đêm đêm, nghe tiếng muông thú trong rừng lên tiếng, mình như lạc vào một cõi nào đó, chẳng diễn tả được...    

 

Tạ Nguyên

 

Tin xem nhiều