Báo Đồng Nai điện tử
En

Lãng tử “bánh chưng và âm nhạc”

11:02, 05/02/2010

Hơi đậm người, đầu húi ngắn gần như... trọc, đôi mắt sáng lấp lánh, chạy nhanh như... điện giữa 2 nơi: cơ sở sản xuất bánh chưng và không gian âm nhạc của mình, có thể cảm nhận được ngay đây là tuýp người sẽ sống hết mình cho những đam mê của mình. Trần Thanh Toàn không phải là người nổi tiếng, nhưng anh có những đam mê khiến cuộc sống trở nên thi vị: xe cổ, máy bay mô hình; đặc biệt là âm nhạc và các thiết bị âm thanh.

Hơi đậm người, đầu húi ngắn gần như... trọc, đôi mắt sáng lấp lánh, chạy nhanh như... điện giữa 2 nơi: cơ sở sản xuất bánh chưng và không gian âm nhạc của mình, có thể cảm nhận được ngay đây là tuýp người sẽ sống hết mình cho những đam mê của mình. Trần Thanh Toàn không phải là người nổi tiếng, nhưng anh có những đam mê khiến cuộc sống trở nên thi vị: xe cổ, máy bay mô hình;  đặc biệt là âm nhạc và các thiết bị âm thanh.

 

* Gia tài 3.000 chiếc đĩa

 

Một khoảnh khắc hạnh phúc đặc biệt ấn tượng của Toàn là khi anh làm cho một ông già phải reo vang vì sung sướng. “Ông già người Việt đã ngoài 70 tuổi, từng sống và gắn bó với khu vực cầu sông Kwai (gần biên giới Thái Lan - Myanmar) và đặc biệt yêu thích bản nhạc có tên Cầu sông Kwai. Ông già nghe đi nghe lại một cuộn băng có bản nhạc đó đến gần hư mà chưa biết tìm mua ở đâu. Mình tình cờ biết và tặng ông đĩa nhạc đó. Và có tin được không, giữa phố, ông lão đã hét lên vì sung sướng. Và đó cũng là một trong những giây phút hạnh phúc nhất của mình ” - Toàn kể.

 

Một góc quán Nguyễn Liên - nơi “tụ tập” của Toàn và những người bạn mê thiết bị âm thanh và âm nhạc nói chung.

Niềm đam mê đầu tiên đến với Toàn khá tự nhiên, từ những buổi theo cha đi uống cà phê, nghe nhạc. Những năm 80, âm nhạc chủ yếu là nhạc ngoại với các ban nhạc bất hủ như: ABBA, The Beatles, Secret Garden... Lớn lên chút nữa, những tên tuổi như: Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Trần Tiến... trở thành niềm đam mê máu thịt. Và, Toàn sưu tập đĩa nhạc, thiết bị âm thanh từ đó.

 

Một góc trưng bày bộ sưu tập đĩa nhạc của Toàn.

Cũng là người mê nhạc, cha Toàn để lại cho anh một “gia tài” lớn với hơn 70 đĩa nhạc theo đúng nghĩa đen. Bởi thời của cha anh, mua một đĩa nhạc phải bỏ ra 1 hay 2 chỉ vàng, thậm chí cả cây vàng cũng là chuyện bình thường. Toàn sưu tập nhiều loại đĩa nhạc, quý hiếm cũng có, bình thường cũng có. Có những chiếc đĩa than giá cả lên đến cả ngàn đô, cũng có những đĩa nhạc chép rất bình thường, trong đó là những bản nhạc anh ưa thích. Toàn có nhiều nguồn: bạn bè, người thân tặng vì biết anh mê, mua ở nước ngoài, mua lại của khách hàng... Thói quen của Toàn khi có dịp đi nước ngoài là lang thang vào những tiệm bán đĩa, nghe thử, chọn lựa và... móc hầu bao mang về nước. Đến nay Toàn đã có khoảng 3.000 đĩa nhạc đủ các loại. Mê đĩa, Toàn từng có hệ thống tiệm đĩa Nguyễn Liên khá đình đám ở Biên Hòa, doanh thu rất lớn, nhưng năm 2008, anh chỉ thu về một tiệm duy nhất chuyên bán đĩa nhạc, và mở một phòng nhạc ấm cúng kế bên, dành làm nơi tiếp đãi bạn bè trong nhóm Biên Hòa Audio Club với hơn 100 thành viên, nhóm chơi xe cổ, chơi máy bay mô hình...

 

Trần Thanh Toàn và vài “món” trong bộ sưu tập thiết bị âm thanh của mình.

Thiết bị âm thanh cũng là một thú chơi của Toàn. Anh hiện có 4 dàn thiết bị âm thanh hoàn chỉnh, phù hợp với từng loại nhạc: pop, rock, jazz... Tất cả những thiết bị âm thanh của Toàn đều là đồ gỗ, được chế tác thủ công và cũng khá lâu đời, và dĩ nhiên không rẻ. Nhưng cách chơi của Toàn cũng khác, anh nói mình không mê những dàn âm thanh hiện đại, đắt tiền, có khi lên đến vài tỷ đồng. Anh chỉ mê những thiết bị âm thanh cũ kỹ nhưng “thật thà”, phản ánh chân thực âm thanh, giữ nguyên chất tiếng hát, tiếng đàn, tiếng trống... theo đúng những gì mà tác giả và người thể hiện muốn truyền đến người nghe.

 

* Lãng tử và “nghiệp bánh chưng”

 

Không chỉ có thế, Trần Thanh Toàn còn chính là người kế thừa và phát triển thương hiệu bánh chưng Trần Gia nổi tiếng ở Biên Hòa. Sinh năm 1977, trong gia đình có truyền thống làm bánh chưng, khao khát của Toàn là làm sao phát triển nghề của gia đình, xa hơn nữa là đem những tinh túy trong nghệ thuật làm bánh chưng của Việt Nam giới thiệu ra thế giới.

 

Toàn và sản phẩm bánh chưng Trần Gia nổi tiếng ở Biên Hòa.

Không quảng bá rầm rộ, nhưng bánh chưng Trần Gia đã có tiếng tăm ở Biên Hòa cả chục năm nay. Sản phẩm của gia đình anh vượt qua những tiêu chuẩn kỹ thuật và bảo quản khắt khe nhất, trở thành một trong những nhãn hiệu thực phẩm đầu tiên ở Đồng Nai có mặt trong hệ thống siêu thị: Metro, BigC, Co.op Mart... Sau này, Toàn còn xuất đi Canada, Australia, Đài Loan, Pháp... Nghề làm bánh có từ thời ông nội của Toàn rồi phát triển ngày một rộng hơn. Với nghề này, đam mê của Toàn chính là làm chủ công nghệ sản xuất mặt hàng truyền thống này một cách hiện đại để không một hàng rào kỹ thuật nào... chê được. Có lẽ Trần Gia là nơi đầu tiên đưa kỹ thuật chân không vào bảo quản bánh chưng, để chiếc bánh chưng thơm ngon có thể ngược xuôi đến nhiều châu lục. Toàn vẫn tiếp tục nghiên cứu kỹ thuật này để bảo quản bánh được lâu hơn nữa mà vẫn an toàn, thơm dẻo.

 

Trần ThanhToàn cũng... lạ, học qua 2 trường đại học, nhưng cuối cùng lại chẳng có tấm bằng nào. Anh dí dỏm nói, có lẽ mình không hợp với chuyện học hành quy củ. Đang học Bách Khoa năm thứ 3 thì bỏ ngang, về Biên Hòa học Đại học Lạc Hồng, học gần hoàn thiện chương trình rồi... thôi, không lấy bằng nữa mà chuyên tâm về lo quản lý cơ sở làm ăn của gia đình. Anh nói, nghề làm bánh chưng là nghề gia truyền rồi, đó cũng là một nét ẩm thực quý giá của dân tộc, vậy nên nhiều năm tới nữa, trong cuộc đời mình, Toàn sẽ dành tâm huyết cho việc phát triển thương hiệu gia đình và nghệ thuật làm bánh chưng với sự quyết tâm và đam mê không kém gì... sưu tập đĩa.

 

Cơ sở bánh chưng Trần Gia mùa Tết có đến hàng trăm công nhân miệt mài làm việc, cung cấp ra thị trường hàng chục tấn bánh chưng. Khối lượng công việc khổng lồ, song Toàn vẫn dành thời gian cho những đam mê âm nhạc, buổi tối vẫn thấy anh ngồi nghe nhạc, tán dóc cùng các anh em trong câu lạc bộ audio của mình. Toàn đùa rằng, anh là người may mắn khi dung hòa được 2 niềm đam mê đại diện cho cả tinh thần lẫn vật chất, và sẽ sống hết mình cho đam mê đó.

Vi Lâm

Tin xem nhiều