Báo Đồng Nai điện tử
En

Non nước Rồng Tiên nặng mến thương

02:02, 09/02/2010

Có lẽ chưa bao giờ tên tuổi Huỳnh Văn Nghệ lại được nhắc đến nhiều như hiện nay, khi thời điểm Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đang tới gần. Bởi lâu nay, mọi người đều biết hai câu thơ nổi tiếng "Từ độ mang gươm đi mở cõi / Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long", dù có lúc bị đọc sai từ này, từ khác, là của "Thi tướng" Chiến khu Xanh...

Có lẽ chưa bao giờ tên tuổi Huỳnh Văn Nghệ lại được nhắc đến nhiều như hiện nay, khi thời điểm Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đang tới gần. Bởi lâu nay, mọi người đều biết hai câu thơ nổi tiếng "Từ độ mang gươm đi mở cõi / Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long", dù có lúc bị đọc sai từ này, từ khác, là của "Thi tướng" Chiến khu Xanh. Chưa ai làm cuộc điều tra bạn đọc, nhưng chắc hẳn già một nửa sẽ trả lời đấy là những vần thơ hay nhất về Thăng Long - Hà Nội. Tuy nhiên, mọi người còn quá ít thông tin về tác giả và những vần thơ danh tiếng ấy.

"Thi tướng" Huỳnh Văn Nghệ.

Trong tay chúng tôi hiện có đến 3 bản khác nhau của chính tác giả về bài thơ có hai câu thơ trên: Một bản chép tay của tác giả, có tên Tiễn bạn về Bắc, ghi sáng tác tại "Ga Sài Gòn, 1940"; hai bản kia in ở đầu (có tên Về Bắc) và gần cuối (có tên Nhớ Bắc) tập Thơ Đồng Nai của Huỳnh Văn Nghệ, do NXB Tiếng Rừng xuất bản tại Chiến khu Đ năm 1949. Chiến khu Đ vốn do chính Huỳnh Văn Nghệ lập ra và khi tập thơ được in, Chiến khu Đ thuộc Khu VII (bao gồm các tỉnh miền Đông Nam bộ), mà ông đang lại là Khu bộ trưởng. Trên bìa lót tập Thơ Đồng Nai còn có thủ bút của Huỳnh Văn Nghệ: "Kính tặng Trung tướng Nguyễn Bình - Kỷ niệm những ngày chung sống ở Tân Uyên khói lửa - ngày 22-6-1949".

Ba bài thơ ấy ra đời trong từng hoàn cảnh khác nhau và không thể trộn lẫn một số khổ của bài này với một số khổ của bài khác để thành "một bài thơ" như nhiều người đã từng làm. Điểm độc đáo của chúng là khổ thứ nhất hoàn toàn giống nhau.

Bài Tiễn bạn về Bắc chỉ có 3 khổ thơ:

Ai đi về Bắc ta đi với, / Thăm lại non sông giống Lạc Hồng,

Từ độ mang gươm đi mở cõi, / Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long.

Ai nhớ người chăng? Ôi Nguyễn Hoàng! / Mà ta con cháu mấy đời hoang.

Vẫn nghe trong máu sầu xa xứ / Non nước Rồng Tiên nặng mến thương.

Ai đi về Bắc xin thăm hỏi / Hồn cũ anh hùng đất Cổ Loa,

Hoàn Kiếm hồ xưa Linh Quy hỡi! / Bao giờ mang trả kiếm dân ta.

Bài thơ sáng tác năm 1940, lúc Huỳnh Văn Nghệ đang là công chức của Sở Hỏa xa tại Sài Gòn và đang âm thầm sưu tập vũ khí từ Sài Gòn để chuyển về cho Đội du kích Tân Uyên, tiền thân của Vệ quốc đoàn Biên Hòa sau tháng 8 năm 1945.

Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.

Cả ba bài thơ của Huỳnh Văn Nghệ chủ yếu thể hiện niềm nhớ thương đất Bắc, tức cội nguồn của dân tộc, của tất cả những lưu dân phương Nam trong hành trình mở đất. Tuy nhiên, mỗi bài thơ, do hoàn cảnh lịch sử - cụ thể lại có thêm những "thông điệp" riêng. Ở bài thơ thứ nhất (Tiễn bạn về Bắc) là khát vọng của một người thanh niên mà cũng là của tất cả người dân nước Việt mong có được một sức mạnh diệu kỳ để đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành lấy độc lập, tự do (Hoàn Kiếm hồ xưa Linh Quy hỡi! / Bao giờ mang trả kiếm dân ta).

Bài thơ thứ hai, ghi sáng tác năm 1946, có 3 khổ, khổ đầu giống bài sáng tác năm 1940, hai khổ còn lại thật đặc biệt:

Sứ mạng ngàn thu dễ dám quên, / Nhưng nay Trời bắt nghỉ chinh yên.

Lệ hờn đành nuốt chôn gươm hận / Tận đáy lòng sâu, phiền hỡi phiền!

Ai đi về Bắc ta đi với, / Hỏi lại Hồn Linh đất Cổ Loa.

Hoàn Kiếm Hồ xưa Linh Quy hỡi / Bao giờ mang trả kiếm cho ta?

Khi Huỳnh Văn Nghệ viết bài thơ Về Bắc cũng là lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lần thứ hai ở Nam bộ vừa diễn ra được 6 tháng (từ ngày 23-9-1945). Khoảng giữa của Nam bộ kháng chiến và Toàn quốc kháng chiến (19-12-1946) có một sự kiện quan trọng. Đó là Hiệp định sơ bộ Việt - Pháp ngày 6-3-1946. Trong bản hiệp định ấy, hai bên cùng cam kết "đình chỉ ngay xung đột để mở cuộc đàm phán chính thức". Trên thực tế tại miền Đông Nam bộ, ngay sau khi liên quân Anh - Ấn tấn công lên Biên Hòa (22-10-1945), Huỳnh Văn Nghệ và các đồng chí của mình đã thành lập nên Giải phóng quân Biên Hòa và Chiến khu Đ. Từ tháng 6-1946 đến tháng 3-1948, Huỳnh Văn Nghệ kiêm giữ chức Khu bộ phó Khu VII, dưới quyền Trung tướng Nguyễn Bình) (1). Ngày 2-1-1946, ông đã trực tiếp chỉ huy trận phản công đầu tiên và lớn nhất của Vệ quốc đoàn vào tỉnh lỵ Biên Hòa; 3 tháng đầu năm 1946, Vệ quốc đoàn đã đánh bật 5 trận càn của quân Pháp vào Chiến khu Đ. Trong đó, có trận chống càn đầu tháng 3-1946 diệt một đại đội lê dương, quan năm không quân Barlier và bắn hạ chiếc máy bay của Pháp đầu tiên ở Nam bộ. Sau trận này, quân Pháp mới chấp nhận "ngồi" với Việt Minh tại miễu Bà Cô bên bờ sông Đồng Nai để bàn việc thi hành Hiệp định sơ bộ. Trung tướng Nguyễn Bình cử Huỳnh Văn Nghệ đi thay mình ở cuộc đàm phán này cùng với giáo sư Phạm Thiều. Một chuyện trở thành giai thoại là viên đại tá Pháp hỏi Huỳnh Văn Nghệ có phải là người Bắc không, ông trả lời: "Đúng, tôi là người Bắc... cách nay 300 năm". Sau đó, khi phía Pháp nêu yêu cầu: "Quân kháng chiến Nam bộ phải giải giới và chúng sẽ bằng lòng cho người miền Bắc trở về", Huỳnh Văn Nghệ trả lời bằng câu nói bất hủ của Mirabeau: Nous sommes ici par la volonté du peuple et nous n’en sortirons que par la force des baillonnettes (Chúng tôi ở đây theo ý chí của nhân dân và chúng tôi chỉ ra đi đo sức mạnh của lưỡi lê) (2). Đàm phán bất thành. Hai khổ thơ trên phản ánh đúng tâm trạng của Huỳnh Văn Nghệ - một người cầm quân ở nơi đầu sóng ngọn gió vào thời điểm lịch sử khó khăn ấy: Quân dân đang ở vào thế tiến công, nhưng phải tạm thời đình chiến (nghỉ chinh yên/ chôn gươm hận). Câu cuối của bài thơ: Bao giờ mang trả kiếm cho ta? là khát vọng được chiến đấu của không chỉ Huỳnh Văn Nghệ mà cả quân và dân Nam bộ kháng chiến thời đó.

Bài thơ thứ ba, xếp thứ tự số 18 trong tập Thơ Đồng Nai, có tên Nhớ Bắc, ghi sáng tác năm 1948. Bài thơ có 4 khổ, khổ đầu giống hoàn toàn cả hai bài trên. Khổ thơ thứ hai giống hoàn toàn bài Tiễn bạn về Bắc. Hai khổ cuối (còn lại) như sau:

Cổ Loa thành cũ ai thăm viếng?/ Hoàn Kiếm Linh Quy có trở về?

Bạch Đằng máu giặc chưa phai hận? / Ai hát giùm tôi giọng gái quê!

Sứ mạng ngàn thu dễ dám quên / Chinh Nam say bước, quá xa miền

Kinh đô nhớ lại, sầu muôn dặm / Ai trả giùm tôi đôi cánh tiên!

Nếu đã hiểu hoàn cảnh sáng tác hai bài thơ trên đến bài thơ thứ ba sẽ không có gì khó hiểu nữa. Thời điểm Huỳnh Văn Nghệ sáng tác bài Nhớ Bắc là lúc ông đã trở thành tư lệnh của cả một chiến trường rộng lớn (Khu bộ trưởng Khu bộ VII), và dưới quyền chỉ huy của ông trước đó, quân và dân miền Đông đã lập nên những chiến công vang dội: "Tổ chức bộ đội lưu động tỉnh mở cuộc viễn chinh đánh các trận Bảo Chánh, Trảng Táo, Bàu Cá, cầu Là Ngà và các sở cao su Xuân Lộc từ tháng 5 đến tháng 7-1947" (3). Riêng trận đánh Là Ngà là trận giao thông chiến đầu tiên của quân và dân ta thời chống Pháp ở Nam bộ, tiêu diệt 59 xe quân sự, 150 lính lê dương, trong đó có 25 sĩ quan (có 2 đại tá). Vì phương Nam quá xa xôi, nhưng niềm nhớ thương luôn khôn nguôi, nên Huỳnh Văn Nghệ mà cũng là tất cả những đứa con đất Việt trời Nam ao ước có "đôi cánh tiên" để trở về - trở về để thăm lại, để thỏa lòng nhớ thương, chứ không phải là "quay về", vì "Sứ mệnh ngàn thu dễ dám quên". Lâu nay, do không hiểu được hoàn cảnh sáng tác cũng như tư tưởng và tấm lòng nhà thơ Huỳnh Văn Nghệ nên không ít người đã sửa câu thơ trên thành vô nghĩa: Muốn trở về quê, mơ cảnh tiên(!).

Dù tự nhận "suốt một đời gươm chẳng ráo mồ hôi", nhưng Huỳnh Văn Nghệ vẫn biết "không lẽ thơ phải chờ kiếp khác" nên đã phong cách của ông là "trên lưng ngựa, múa gươm và ca hát". Điều lạ lùng là trong tâm hồn con người chiến sĩ, nhà quân sự tài hoa ấy không lúc nào thôi "nặng nhớ thương", đặc biệt là nhớ tới cội nguồn, nòi giống của mình. Những bài thơ Nhớ Bắc của Huỳnh Văn Nghệ quả rất xứng đáng là tiếng lòng của biết bao người con nước Việt trên dặm dài mở cõi. Trong dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, tấm lòng ấy hẳn có dịp kết nối với hàng triệu tấm lòng của những người con nước Việt ở bao khung trời khác.

BÙI QUANG HUY

(1) Từ tháng 7-1948, Trung tướng Nguyễn Bình trở thành Tư lệnh Nam bộ, Huỳnh Văn Nghệ trở thành Khu trưởng Khu bộ VII (địa bàn bao gồm hầu hết các tỉnh miền Đông Nam bộ bây giờ).

(2) Thiếu Sơn, Hồi ký Nợ bút nghiên hay nghĩa đồng bào in trong tập Nghệ thuật và nhân sinh, NXB Văn hóa thông tin, 2000, tr.501.

(3) Tự thuật chép tay của Huỳnh Văn Nghệ, có xác nhận của Bộ Tổng tham mưu (Bộ Quốc phòng).

Tin xem nhiều