Báo Đồng Nai điện tử
En

Từ bài viết của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: Phát triển vì con người, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn

03:01, 19/01/2023

Nhân dịp kỷ niệm 131 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2021), Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội (CNXH) và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam.

Nhân dịp kỷ niệm 131 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2021), Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội (CNXH) và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng các đại biểu dự Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Ảnh: TTXVN
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng các đại biểu dự Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Ảnh: TTXVN

Bài viết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, phản ánh tầm tư tưởng - lý luận và định hướng thực tiễn; có tác động to lớn, sâu rộng đến tư tưởng, tình cảm, niềm tin và hành động của mỗi tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước đối với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng như con đường đi lên CNXH mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã chọn.

* Lựa chọn đúng đắn

TS Vũ Trung Kiên, Phó trưởng khoa Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị khu vực 2 cho biết, thế giới có nhiều con đường để đi và mỗi dân tộc có quyền chọn cho mình một con đường. Vậy vì sao Việt Nam lại lựa chọn con đường đi lên CNXH? Theo Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Đi lên CNXH là khát vọng của nhân dân ta, là lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”. Việc Việt Nam lựa chọn con đường CNXH không chỉ là sự lựa chọn của lịch sử mà còn phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và thực tiễn Việt Nam.

TS Vũ Trung Kiên khẳng định: “Lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc và phát triển đất nước những năm qua đã chứng minh lựa chọn của Việt Nam là đúng đắn, phù hợp. Do đó, dù các thế lực thù địch có rêu rao rằng lựa chọn con đường CNXH của Việt Nam là sai lầm, là lỗi thời nhưng không gì có thể phủ nhận được những thành quả phát triển đất nước, nhất là sau 35 năm đổi mới đất nước, đúng như Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị trí và uy tín quốc tế như ngày nay”.

TS Phùng Ngọc Bảo, Vụ trưởng, Trưởng cơ quan thường trực Tạp chí Cộng sản tại miền Nam cho rằng, nhận định của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng về mô hình CNXH là sự quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Mô hình CNXH không phải là mô hình khép kín, cứng nhắc. Bởi đúng như Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH nhận định: “Lịch sử thế giới đang trải qua những bước quanh co, song loài người cuối cùng nhất định sẽ tiến tới CNXH vì đó là quy luật tiến hóa của lịch sử”.

PGS-TS Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực 2 tại Hội thảo khoa học về nội dung bài viết Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gắn với việc vận dụng vào thực tiễn ở Đồng Nai do Tỉnh ủy tổ chức cuối tháng 12-2022 cho rằng, bài viết của Tổng bí thư không chỉ có sức lan tỏa ở trong nước mà còn trên cả thế giới, bởi nó mang thông điệp sâu sắc về CNXH.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết,  bài viết Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là một công trình có tầm khái quát lý luận cao, tổng kết thực tiễn sâu sắc về những phát triển sáng tạo của Đảng ta về mô hình CNXH Việt Nam, trên cơ sở vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Những chỉ đạo của Tổng bí thư trên các lĩnh vực, từ những vấn đề lý luận chung đến sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với các ngành, các cấp đã có tác động hết sức to lớn, truyền cảm hứng mạnh mẽ cho cả dân tộc phấn đấu đi lên. Đó chính là sự kết tinh trí tuệ của toàn Đảng trong công cuộc đổi mới đất nước, thể hiện những vấn đề cốt lõi, cơ bản về CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta.

“CNXH ở Việt Nam được Tổng bí thư đề cập là CNXH vì con người. Điều này phản bác lại luận điệu cho rằng phát triển kinh tế thị trường là khai thác lợi nhuận tối đa. Ở Việt Nam không phải như vậy. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội chứ không phải sự gia tăng khoảng cách giàu nghèo, bất bình đẳng trong xã hội. Chúng ta cần một xã hội đoàn kết, nhân ái, tương trợ lẫn nhau chứ không phải vị kỷ, cá lớn nuốt cá bé. Chúng ta xây dựng một hệ thống chính trị mà quyền lực thuộc về nhân dân, do nhân dân, chứ không chỉ cho một thiểu số giàu có” - PGS-TS Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh.

* Xã hội phát triển thực sự vì con người

Trong bài viết Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Xã hội xã hội chủ nghĩa (XHCN) mà nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”.

Và để thực hiện được mục tiêu đó, theo Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Chúng ta phải đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH-HĐH) đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức; Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; Bảo đảm vững chắc quốc phòng và an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; Xây dựng nền dân chủ XHCN, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại; Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện”.

Quang cảnh Hội thảo khoa học về nội dung bài viết Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gắn với việc vận dụng vào thực tiễn ở Đồng Nai do Tỉnh ủy tổ chức tháng 12-2022. Ảnh: Đắc Nhân
Quang cảnh Hội thảo khoa học về nội dung bài viết Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gắn với việc vận dụng vào thực tiễn ở Đồng Nai do Tỉnh ủy tổ chức tháng 12-2022. Ảnh: Đắc Nhân

Theo Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn, nội dung mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập đã thể hiện rõ và làm sâu sắc thêm bản chất, giá trị cốt lõi của CNXH trên các bình diện chính trị, kinh tế, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại... Thực tế tại Đồng Nai cho thấy, cùng với cả nước, qua hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Nai đã luôn chủ động, sáng tạo, đoàn kết, đồng lòng, khắc phục những khó khăn, trở ngại trên con đường xây dựng và phát triển. Đến nay, Đồng Nai đã trở thành tỉnh có quy mô nền kinh tế đứng thứ 4 cả nước. Năm 2022, GRDP theo giá hiện hành đạt 430.998,3 tỷ đồng. Cơ cấu nền kinh tế năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỉ trọng 9,28%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 60,52%; khu vực dịch vụ chiếm 22,38%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 7,82%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 132,59 triệu đồng, tăng 9,9% so với năm 2021. GRDP bình quân đầu người năm 2022 theo USD đạt 5.717,2 USD, tăng 7,81% so với năm 2021. Cơ cấu lao động dịch chuyển mạnh mẽ từ khu vực nông nghiệp sang các khu vực công nghiệp và dịch vụ. Dư địa, tốc độ phát triển và quy mô nền kinh tế của Đồng Nai sẽ ảnh hưởng đến quy mô nền kinh tế của cả nước là rất lớn.

Giám đốc Sở KH-ĐT Nguyễn Hữu Nguyên thông tin, để khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn lực trong quá trình đẩy mạnh CNH-HĐH trong tình hình mới, Đồng Nai lấy con người làm trung tâm, do con người và vì con người mà trước hết là vì nhân dân trong tỉnh. Sự nghiệp CNH-HĐH phải là sự nghiệp chủ yếu của nhân dân và thành quả chủ yếu của sự nghiệp này cũng chủ yếu người dân được hưởng lợi. CNH-HĐH nhằm khai thác và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; phát huy tối đa tiềm năng và vị thế; nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Đặc biệt, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển được đặc biệt quan tâm, nhất là đội ngũ lao động có tay nghề cao cả về chất và lượng.

Theo Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Đặng Minh Nguyệt, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn khẳng định cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; công tác cán bộ là “then chốt của then chốt”. Do đó, thời gian qua, tỉnh luôn xác định xây dựng đội ngũ cán bộ ở các đơn vị, địa phương từ tỉnh xuống cơ sở có phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ; đủ về số lượng, có chất lượng và cơ cấu phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và của tỉnh Đồng Nai nói riêng; đảm bảo sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ, đủ sức lãnh đạo thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh nhằm xây dựng tỉnh ngày càng phát triển toàn diện, bền vững.

Theo đó, tỉnh thường xuyên rà soát, hoàn thiện quy chế đánh giá cán bộ, đặc biệt là tỉnh đã ban hành Bộ tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo quản lý; công tác đào tạo, bồi dưỡng gắn với quy hoạch cán bộ được chú trọng; công tác bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử được thực hiện đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ… Tuy nhiên, để xây dựng đội ngũ cán bộ của tỉnh, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển của tỉnh trong thời gian tới, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh là nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, tạo nguồn cán bộ. “Định kỳ rà soát, đánh giá công tác quy hoạch và chất lượng cán bộ trong diện quy hoạch, kịp thời bổ sung nguồn quy hoạch và đưa ra khỏi quy hoạch những cán bộ không còn đủ tiêu chuẩn, không phát huy được vai trò trách nhiệm, không hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao…” - đồng chí Đặng Minh Nguyệt nhấn mạnh.

“Cả lý luận và thực tiễn đều cho thấy, xây dựng CNXH là kiến tạo một kiểu xã hội mới về chất, hoàn toàn không hề đơn giản, dễ dàng. Đây là cả một sự nghiệp sáng tạo vĩ đại, đầy thử thách, khó khăn, một sự nghiệp tự giác, liên tục, hướng đích lâu dài, không thể nóng vội. Vì vậy, bên cạnh việc xác định chủ trương, đường lối đúng, bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, phải phát huy mạnh mẽ vai trò sáng tạo, sự ủng hộ và tham gia tích cực của nhân dân. Nhân dân tiếp nhận, ủng hộ và nhiệt tình tham gia thực hiện đường lối của Đảng vì thấy đường lối đó đáp ứng đúng yêu cầu, nguyện vọng của mình. Sức mạnh nhân dân là cội nguồn sâu xa của thắng lợi, của phát triển” - trích bài viết Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Minh Ngọc

 

Tin xem nhiều