Báo Đồng Nai điện tử
En

Chủ động ngăn ngừa bạo lực trong giới trẻ

10:12, 30/12/2020

Mới đây, cộng đồng mạng xôn xao khi xem clip 2 bạn nữ trẻ ở P.Hố Nai (TP.Biên Hòa) bị 2 đối tượng nữ khác chặn đường đánh đập dã man ngay giữa ban ngày trước sự chứng kiến của nhiều người.

Mới đây, cộng đồng mạng xôn xao khi xem clip 2 bạn nữ trẻ ở P.Hố Nai (TP.Biên Hòa) bị 2 đối tượng nữ khác chặn đường đánh đập dã man ngay giữa ban ngày trước sự chứng kiến của nhiều người. Sau đó, công an đã vào cuộc và xác định nguyên nhân vụ việc chỉ vì nhóm đối tượng nữ trên cho rằng, 2 bạn nữ trẻ này đã chạy xe nẹt pô và nhìn “đểu” mình. 

2 bạn nữ trẻ ở P.Hố Nai (TP.Biên Hòa) bị 2 người khác đánh đập gây xôn xao dư luận. Ảnh cắt từ clip
2 bạn nữ trẻ ở P.Hố Nai (TP.Biên Hòa) bị 2 người khác đánh đập gây xôn xao dư luận. Ảnh cắt từ clip

Vụ việc đã được Báo Đồng Nai phản ảnh qua bản tin Đã xác định được người đánh 2 em nữ sinh. Sau khi báo đăng đã nhận được ý kiến của nhiều bạn đọc (BĐ) bày tỏ sự lo lắng trước tình trạng bạo lực trong giới trẻ vì cả 4 người trong clip nói trên đều còn rất trẻ chỉ từ 12-14 tuổi, trong đó có một nữ tham gia chặn đánh là học sinh một trường THCS ở TP.Biên Hòa, còn lại 3 em đều đã nghỉ học.

* Lo lắng trước hành động bạo lực trong giới trẻ

Trên trang fanpage của Báo Đồng Nai, nhiều BĐ bày tỏ sự bức xúc khi xem clip đánh nhau nêu trên. Nhiều BĐ cho rằng, hành vi tấn công 2 bạn trẻ là hành vi côn đồ phải xử lý nghiêm để làm gương. BĐ Tuy Van kiến nghị cần phải xử lý cho phù hợp để tránh tình trạng “Bị thương ít và hứa không tái phạm cho về mai đánh tiếp”.

BĐ Nguyễn Thị Huệ (ngụ P.Tân Mai, TP.Biên Hòa), giáo viên nghỉ hưu cho biết: “Qua xem clip đánh nhau như phim nói trên tôi thấy rất buồn cho các bạn gái còn quá trẻ, chỉ trong độ tuổi học sinh nhưng đã có những hành động bạo lực, côn đồ. Và buồn hơn, khi không ít bạn trẻ khác chứng kiến sự việc nhưng không hề can ngăn, lại còn bình tĩnh, vui vẻ, phấn khích, hò reo cổ vũ, quay clip rồi tung lên mạng như một... chiến tích. Điều đó rất vô cảm”.

Nhiều BĐ cũng bày tỏ lo lắng, hiện nay trên internet, mạng xã hội xuất hiện tràn lan những phim ảnh, game bạo lực hoặc clip quay cảnh bạo lực của những “giang hồ” mạng. Điều đáng lo ngại là không ít học sinh còn ngưỡng mộ, học theo những hành động của những “giang hồ” mạng vì cho rằng đó là hành động nghĩa hiệp, thể hiện cá tính, bản lĩnh. Điều này có tác động không nhỏ đến hành vi bạo lực trong giới trẻ. Thực tế trong thời gian qua, trên mạng xã hội cũng xuất hiện những clip quay cảnh đánh nhau giữa các học sinh. Nhiều  em có thái độ quá hung hãn và liều lĩnh, bất chấp pháp luật, sẵn sàng tấn công gây thương tích người khác chỉ vì lời thách thức trên mạng hoặc chỉ là những vụ va chạm nhỏ trong trường học, trên đường đi hay chỉ từ một cái nhìn được cho là...  “đểu”.

* Cần có sự gắn kết hơn giữa gia đình và nhà trường

Một số ý kiến BĐ cho rằng, muốn ngăn ngừa nạn bạo lực trong giới trẻ thì cần có sự chung tay của gia đình, nhà trường và xã hội, trong đó giữa gia đình và nhà trường phải có sự phối hợp chặt chẽ để cùng nhau giáo dục, uốn nắn các em nói không với bạo lực học đường.

Trong nghiên cứu của mình, PGS-TS Trần Kiều, Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý - giáo dục Việt Nam đưa ra 6 nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực học đường, đó là: một số học sinh thiếu vắng sự yêu thương của gia đình; áp lực học tập do người lớn áp đặt; thường xuyên bị bạo lực gia đình; thích chứng tỏ bản thân; hùa theo bạn bè tham gia đánh nhau; bị kích động bởi hoàn cảnh do thiếu kỹ năng giải quyết vấn đề.

Là giáo viên tại một trường THCS ở TP.Biên Hòa, BĐ T.A.D. tâm sự, thực sự qua một số vụ việc giáo viên bị kiểm điểm do xử phạt học sinh  ở trường này, trường kia khiến không ít giáo viên rất ngại khi xử phạt học sinh. Bởi ở độ tuổi THCS, tâm lý của các em đang có những biến đổi nên hành động cũng bất thường, thích thể hiện cá tính và bản lĩnh. Đôi lúc chỉ cần thầy cô xử phạt, bạn bè nói nặng một câu là các em tự ái, phản ứng nóng giận, dễ dẫn đến hành động bạo lực. Nguy hiểm hơn khi có em tới trường còn mang theo hung khí nguy hiểm, sẵn sàng tấn công bạn khi xảy ra mâu thuẫn. Do đó, giữa nhà trường và gia đình phải có sự gắn kết để giáo dục, uốn nắn các em tránh xa và có kỹ năng đối phó với bạo lực học đường.

Trong một lần về công tác tại Đồng Nai, trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Đồng Nai về vấn đề bạo lực học đường, PGS-TS Trần Kiều, Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý - giáo dục Việt Nam nhận định, một bộ phận không nhỏ học sinh sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn là do không được giáo dục đầy đủ tính nhân văn, lòng nhân ái trong khi các em còn nhỏ, không đủ sức phân biệt cũng như suy nghĩ nông cạn nên dễ dẫn đến hành động lệch lạc.

Theo đó, gia đình đóng vai trò rất lớn trong việc hình thành nhân cách con trẻ. Một gia đình không bạo lực, các em được yêu thương, chăm sóc, được quản lý khoa học là điều cần thiết nhất. PGS-TS Trần Kiều cũng cho rằng, ngành Giáo dục cũng cần nghiêm túc xem lại cách dạy và học hiện nay trong nhà trường, có thể tăng cường thêm thời gian cho những chương trình văn hóa nghệ thuật mang tính nhân văn, học kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, ứng xử... Ngoài ra, mỗi trường học cần có tổ tư vấn tâm lý để kịp thời giúp giải tỏa bức xúc, hóa giải những mâu thuẫn ngấm ngầm trong học sinh để ngăn ngừa, không cho mâu thuẫn phát triển thành hành vi bạo lực. Ngoài xã hội, việc thực thi pháp luật phải thực sự nghiêm túc. Tất cả những giải pháp trên phải được thực hiện đồng bộ mới mong có thể ngăn ngừa được vấn nạn bạo lực trong giới trẻ đang ngày càng có xu hướng gia tăng đáng báo động hiện nay.              

Phương Liễu

Tin xem nhiều