Báo Đồng Nai điện tử
En

Tung clip đánh ghen lên mạng: Có thể bị xử lý hình sự

Kim Liễu
09:00, 11/05/2024

Gần đây, trên các mạng xã hội Facebook, TikTok…, một số clip đánh ghen được chia sẻ khá “rầm rộ”, thu hút rất nhiều lượt tương tác từ cộng đồng mạng.

Clip đánh ghen được nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội gần đây. Ảnh: nguồn  internet
Clip đánh ghen được nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội gần đây. Ảnh: nguồn internet

Trong số đó, có không ít clip đánh ghen do chính người trong cuộc đăng tải nhằm “bóc phốt” nhân tình của vợ/chồng với mục đích muốn chia sẻ để nhiều người biết về hành vi sai trái của đối phương. Theo quy định của pháp luật thì hành vi đánh ghen, quay clip đưa lên mạng bị xem là xâm phạm hình ảnh, bí mật đời tư của người khác, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Có thể bị xử lý hình sự

Việc đánh ghen và đăng tải clip đánh ghen lên mạng xã hội khi người có mặt trong đó chưa đồng ý là hoàn toàn trái pháp luật.

Luật sư Vũ Duy Nam (Đoàn Luật sư Đồng Nai) cho biết, Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, khi sử dụng hình ảnh của bất kỳ ai cũng phải được sự cho phép của cá nhân đó (trừ trường hợp sử dụng hình ảnh vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích cộng đồng; sử dụng hình ảnh từ các hoạt động công cộng như: hội nghị, hội thảo, thi đấu thể thao, biển diễn nghệ thuật… không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh).

Hiến pháp năm 2013 cũng quy định mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.

Đặc biệt, Luật An ninh mạng năm 2018 và các văn bản pháp luật có liên quan đã nghiêm cấm hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác. Việc đưa những thông tin có tính chất đồi trụy, trái với thuần phong mỹ tục, đạo đức văn hóa của người Việt Nam lên không gian mạng là hành vi vi phạm pháp luật. Do đó, khi những clip đánh ghen, khỏa thân được đăng tải lên không gian mạng thì tùy vào tính chất, mức độ của hành vi và tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Khi người bị quay clip có đơn tố cáo thì người quay và người đăng tải clip đều sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi làm nhục người khác hoặc đưa thông tin trái phép trên mạng internet, tùy vào mức độ mà xem xét xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Dù không bị tố cáo thì người đưa thông tin này lên mạng cũng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính. Nếu sự việc nghiêm trọng, có thể bị xử lý hình sự về tội “đưa thông tin trái phép trên mạng”, “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Ngoài ra, nếu lôi kéo nhiều người tham gia bằng cách lập ra các nhóm chat để lan truyền clip, hình ảnh cũng là hành vi vi phạm và có thể xử lý về tội “truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy” theo Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Hành vi người dùng mạng xã hội gửi link, gửi clip đánh ghen cho người khác, trong trường hợp chưa đến mức chịu trách nhiệm hình sự cũng sẽ bị phạt tiền từ 20-30 triệu đồng theo Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3-2-2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Còn khi đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, cá nhân thực hiện hành vi này có thể bị phạt tù lên đến 3 năm theo Điều 159 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác.

Tránh vi phạm pháp luật 

Khi bắt gặp vợ/chồng ngoại tình, việc mất bình tĩnh có thể khiến bản thân mỗi người thiếu kiểm soát dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật.

Theo luật sư Vũ Duy Nam, khi bắt gặp vợ/chồng ngoại tình, người chứng kiến cần bình tĩnh xử lý, không đánh nhau, không cố ý gây thương tích, không xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác…

Người chứng kiến vẫn có thể quay clip nhưng tuyệt đối không chia sẻ ra ngoài hoặc phát tán lên mạng xã hội. Trong clip cần thể hiện rõ nội dung, tính chất ngoại tình của vợ/chồng. Có thể không quay trực diện đối phương nhưng ngữ cảnh, âm thanh… cần được thể hiện rõ trong clip để làm bằng chứng cho việc ngoại tình.

Hành vi ngoại tình với người khác là hành vi vi phạm quy định về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng được quy định trong Điều 19 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2015. Có thể tố cáo hành vi ngoại tình đến cơ quan chức năng để xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về chế độ hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP ngày
15-7-2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, mức phạt lên đến 5 triệu đồng.

Hơn hết, căn cứ theo quy định tại Điều 182 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng, hành vi ngoại tình sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến một năm.

Trong trường hợp có khởi kiện ly hôn ra tòa, việc có clip quay về ngoại tình cũng có thể được coi là bằng chứng để chứng minh tình trạng quan hệ hôn nhân không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được. Điều này có thể là cơ sở để giải quyết khởi kiện việc ly hôn đơn phương.

Cuối cùng thì clip ngoại tình còn có thể là minh chứng quan trọng để tòa án giải quyết trong việc phân chia tài sản chung và quyền nuôi con đối với người có hành vi ngoại tình.

Kim Liễu

Tin xem nhiều