Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhiều học sinh nông thôn đến trường bằng xe máy phân khối lớn

09:10, 19/10/2015

Hiện nay, việc học sinh sử dụng xe máy phân khối lớn (50cm3 trở lên) đến trường không còn xa lạ. Ngoài những em nhà xa trường, những học sinh nhà cách trường 5-6km cũng được cha mẹ trang bị xe máy để đi lại cho tiện.

Hiện nay, việc học sinh sử dụng xe máy phân khối lớn (50cm3 trở lên) đến trường không còn xa lạ. Ngoài những em nhà xa trường, những học sinh nhà cách trường 5-6km cũng được cha mẹ trang bị xe máy để đi lại cho tiện.

Phụ huynh tạo điều kiện để con em đến trường nhanh chóng, song việc “thả nổi” này liệu có đảm bảo an toàn giao thông và tính mạng cho các em khi bản thân các em chưa đủ tuổi điều khiển xe máy? Nhiều học sinh còn thể hiện sự coi thường pháp luật giao thông khi điều khiển xe máy trên đường mà không đội mũ bảo hiểm, chở 3, phóng nhanh, lạng lách trên đường…

* Đủ kiểu vi phạm

Nhiều học sinh cho hay, điều khiển xe máy đến trường là chuyện bình thường tại các trường ở nông thôn, miền núi vì rút ngắn thời gian đến trường. Nguyên nhân là nhiều trường hợp phụ huynh học sinh THPT do không có thời gian đưa đón con em đi học nên đã giao xe máy để các em tự đi đến trường khi chưa đúng độ tuổi điều khiển.

 Học sinh THPT đi xe máy phân khối lớn ngày càng phổ biến.
Học sinh THPT đi xe máy phân khối lớn ngày càng phổ biến.

Tại Trường THPT Định Quán (huyện Định Quán), trước và sau buổi học, dọc các tuyến đường, lượng xe máy do học sinh điều khiển rất lớn. Theo thống kê từ phía nhà trường, năm học 2015-2016, toàn trường có 1.105 học sinh thuộc 3 khối lớp. Trong số này, có trên 100 em sử dụng xe máy, số còn lại đi xe đạp và do phụ huynh đưa đón. Nhưng trên thực tế, con số học sinh điều khiển xe máy lớn hơn nhiều lần, bởi các điểm giữ xe xung quanh khu vực trường mở ra có lượng xe máy đến gửi rất nhiều.

Vào mỗi buổi sáng, tại cổng Trường THPT Phước Thiền (xã Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch), nhiều học sinh đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, một số dàn hàng ngang khiến những phương tiện khác phải giảm tốc độ, hoặc dừng lại nhường đường. Tuy nhà trường đã nghiêm cấm học sinh điều khiển xe máy, nhưng các em vẫn lén sử dụng xe máy rồi gửi xe ở các bãi xe tư nhân cách đó không xa.

Tương tự, tại Trường THPT Trịnh Hoài Đức (huyện Trảng Bom), ghi nhận chỉ trong 15 phút sau khi tan học, có hàng chục chiếc xe máy do học sinh điều khiển đi lại ngang nhiên. Dù trường nằm trong con đường nhỏ, cách xa quốc lộ với nhiều phương tiện giao thông, nhưng trong quá trình di chuyển các em còn lạng lách, phóng nhanh rồi đuổi nhau trên đường gây mất trật tự, nguy hiểm cho người qua lại.

Nhiều hộ dân sống ở khu vực này rất ngán ngẩm khi ngày nào cũng bắt gặp tình trạng mất an toàn giao thông. “Nếu cha mẹ đã cho con mình đi xe máy thì cũng nên giám sát, không được buông lỏng. Đường nông thôn cũng như thành phố, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông luôn tiềm ẩn, không phải trên đường ít xe mới không xảy ra tai nạn” - ông Nguyễn Văn Sơn (ngụ ấp Quảng Lộc, xã Quảng Tiến, huyện Trảng Bom) lên tiếng.

* Giám sát việc học sinh đi xe máy

Hầu hết học sinh THPT đang ở độ tuổi thích thể hiện mình nên việc điều khiển một chiếc xe máy rất dễ đẩy học sinh đến với những hành động bộc phát, như: đua xe, phóng nhanh, lạng lách gây nguy hiểm. Ngoài ra, các em chưa có bằng lái, thiếu am hiểu pháp luật giao thông cũng như chưa đủ chín chắn trong xử lý những sự cố trên đường, nên rất dễ gây ra tai nạn giao thông.

“Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, người từ đủ 16 tuổi trở lên mới được điều khiển xe có dung tích xi lanh từ dưới 50cm3. Còn với xe có dung tích xi lanh từ 50cm3 trở lên, người điều khiển phải có giấy phép lái xe và phải từ 18 tuổi trở lên mới được cấp. Như vậy, ở độ tuổi học sinh THPT (thường chưa đủ tuổi 18), nếu chạy xe phân khối lớn là vi phạm giao thông” - Thiếu tá Trương Thành Thảo, Đội trưởng Đội Tuyên truyền điều tra giải quyết tai nạn đường bộ, đường sắt và xử lý vi phạm, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt Công an tỉnh, cho biết.

Những năm gần đây, lực lượng cảnh sát giao thông đã áp dụng hình thức gửi thông báo trường hợp học sinh vi phạm, bị xử lý vi phạm giao thông về nhà trường và phụ huynh. Nhiều trường đã tổ chức các buổi tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ trong học đường; đối với những em vi phạm có danh sách gửi về từ cơ quan công an và Sở GD-ĐT thì nhà trường sẽ nghiêm khắc xử lý bằng hình thức hạ mức hạnh kiểm.

Em B., học sinh Trường THPT Định Quán, lý giải: “Từ nhà em tới trường rất xa, nếu đi xe buýt thì quãng đường từ quốc lộ vào rẫy phải đi bộ hơn 5km, nên không thuận lợi và chủ động được thời gian. Vì vậy, ba mẹ đã mua cho em chiếc xe máy để tự điều khiển tới trường… Nếu bạn này thấy bạn khác có xe đến trường thì kiểu gì cũng đòi ba mẹ mua xe cho bằng được. Nhiều bạn trong lớp em nói phải chạy xe xịn mới chịu đi”.

Ngăn chặn cũng như giám sát chặt chẽ việc học sinh THPT điều khiển xe máy phân phối lớn đến trường là điều cần thiết. Việc làm này không chỉ bảo vệ tính mạng cho học sinh, mà còn giúp các em nâng cao ý thức chấp hành pháp luật ngay từ khi còn ngồi ghế nhà trường. Muốn đảm bảo an toàn trên đường đến trường cho con, các bậc phụ huynh cũng cần có sự hợp tác với nhà trường trong việc kiểm soát phương tiện và giờ giấc đi lại của các em; tránh để học sinh dùng các phương tiện ấy vào các hoạt động vui chơi dẫn đến vi phạm pháp luật, gây tai nạn đau lòng.

Hiệu trưởng Trường THPT Định Quán Hoắc Công Sơn cho hay dù là địa bàn nông thôn nhưng tình hình giao thông tại đây ngày càng phức tạp. Lưu lượng phương tiện ngày càng tăng lên, trong khi ý thức chấp hành pháp luật giao thông của nhiều người chưa cao, nên cần có biện pháp giáo dục tốt, thường xuyên tuyên truyền pháp luật giao thông đến với học sinh. “Nếu phát hiện những trường hợp điều khiển xe máy không đúng quy định của pháp luật, chúng tôi sẽ mời phụ huynh đến trường trao đổi và tìm hướng giải quyết hợp lý nhất trong việc trang bị phương tiện cho các em đến trường, vì rất nhiều em nhà xa trường và không thuận tiện khi sử dụng các phương tiện công cộng khác” - thầy Sơn chia sẻ.

Thanh Hải

 

Tin xem nhiều