Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyện dài xử lý vi phạm nồng độ cồn

09:10, 12/10/2015

Ai cũng biết người say rượu, bia lái xe có nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT). Cơ quan an toàn giao thông (ATGT) đã tuyên truyền bằng băng-rôn, áp phích có nội dung: "Đã uống rượu, bia không được lái xe" khắp các nẻo đường, trong mọi cuộc họp về ATGT. Nhưng trong thực tế, yêu cầu này đã được chấp hành ra sao?

Ai cũng biết người say rượu, bia lái xe có nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT). Cơ quan an toàn giao thông (ATGT) đã tuyên truyền bằng băng-rôn, áp phích có nội dung: “Đã uống rượu, bia không được lái xe” khắp các nẻo đường, trong mọi cuộc họp về ATGT. Nhưng trong thực tế, yêu cầu này đã được chấp hành ra sao?

* Thực trạng “uống rượu bia rồi lái xe”

Theo ghi nhận của một cơ quan thuộc Bộ Giao thông - vận tải: “Kết quả của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nghiên cứu trên 18 ngàn nạn nhân TNGT ở Việt Nam, có 36% người lái mô tô, xe máy và gần 67% người lái ô tô có nồng độ cồn vượt mức cho phép”. Điều này cho thấy thực trạng người lái xe vi phạm nồng độ cồn ở Việt Nam rất đáng lo ngại.

Trong ảnh: Đường Võ Thị Sáu nối dài, phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa được gọi là “phố nhậu” vì có rất nhiều hàng quán hai bên đường. Hàng ngày các nhà hàng, quán nhậu ở phố nhậu này “thả” ra biết bao người say rượu bia. Đa phần họ đều tự lái xe về nhà. Phố nhậu này rất cần có nhiều pa-nô, áp phích vận động “Đã uống rượu bia thì không lái xe”.
Trong ảnh: Đường Võ Thị Sáu nối dài, phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa được gọi là “phố nhậu” vì có rất nhiều hàng quán hai bên đường. Hàng ngày các nhà hàng, quán nhậu ở phố nhậu này “thả” ra biết bao người say rượu bia. Đa phần họ đều tự lái xe về nhà. Phố nhậu này rất cần có nhiều pa-nô, áp phích vận động “Đã uống rượu bia thì không lái xe”.

Trên thực tế, tập quán uống rượu, bia ở Đồng Nai cũng như cả nước đã rất phổ biến trong xã hội. Trên báo chí, mạng internet hàng ngày không thiếu những tin tức về người say rượu, bia đánh nhau, chống người thi hành công vụ, giết người… Trong đó, không loại trừ có những vụ người say rượu, bia gây TNGT với các hành vi bất thường, như: người lái xe 2 bánh đột ngột chuyển hướng, người lái ô tô bỗng nhiên mất lái…

Anh M., chủ một quán bia bình dân ở xã Hóa An (TP.Biên Hòa), cho biết có lần anh thấy người bạn đến quán anh uống hơn chục chai bia. Sợ bạn nhậu say lái xe về không được, anh M. khuyên người bạn đừng uống nữa thì bị người bạn mắng xối xả vì đã ngăn cản anh ta uống thêm bia, làm mất “trớn” nhậu. Để tránh bị “đụng độ” với những khách hàng đang hăng say “vô, vô 100%”, anh M. đã mạnh dạn dán xung quanh quán hàng chục áp phích của Ủy ban ATGT quốc gia với nội dung: “Đã uống rượu, bia không được lái xe”. Theo anh M., đây là cách nhắc khéo khách mỗi khi cầm ly uống thêm rượu, bia.

Có lẽ, anh M. là một trong những chủ quán hiếm hoi chấp nhận trực tiếp tuyên truyền ATGT ngay tại quán. Tâm lý các chủ quán thường muốn khách uống thật nhiều bia, rượu, vì mức lãi của thức uống có cồn này rất cao. Còn việc ra về như thế nào của khách khi đã say rượu, bia thì chủ quán ít khi quan tâm. Cũng chưa có quy định nào về việc truy cứu người say rượu, bia ở nơi nào, quán nào rồi sau đó chạy ra đường gây tai nạn. Và, “điệp khúc” uống rượu, bia rồi vẫn lái xe vẫn luôn tiếp diễn hàng ngày.

* Xử lý người nhậu lái xe

Theo ghi nhận của Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an TP.Biên Hòa, trung bình mỗi tháng đơn vị này xử lý khoảng 200 vụ vi phạm nồng độ cồn. Tính ra mỗi ngày, Đội CSGT Công an TP.Biên Hòa xử phạt gần 10 người say rượu, bia rồi lái xe.

TP.Biên Hòa là trung tâm của tỉnh, số vụ TNGT xảy ra luôn cao nhất tỉnh và thực tế lượng quán nhậu ở TP.Biên Hòa cũng nhiều nhất tỉnh. Do vậy, dù CSGT rất cố gắng trong công tác xử lý vi phạm nồng độ cồn, nhưng có lẽ số lượng người vi phạm nồng độ cồn sẽ còn tăng cao hơn nữa nếu CSGT xử lý “rát” tình trạng người say rượu, bia lái xe ra đường.

Thông tin từ Văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã được trang bị khoảng 100 máy đo nồng độ cồn, nếu sử dụng “hết công suất” thì số lượng người vi phạm nồng độ cồn bị xử lý sẽ còn tăng cao gấp nhiều lần so với hiện nay.

Những tháng cuối năm này, tình hình nhậu nhẹt trong xã hội sẽ có dịp gia tăng, nên việc tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn sẽ có tác dụng rất hiệu quả trong việc phòng ngừa TNGT.

Trong công tác tuyên truyền, nếu ban ATGT các địa phương chỉ đạo được ban ATGT các xã, phường vận động các nhà hàng, quán ăn, quán nhậu trực tiếp tuyên truyền ATGT như ở quán anh M. nói trên, có lẽ sẽ tác động mạnh vào việc chấp hành quy định nồng độ cồn của người lái xe.

Có lẽ cũng cần nâng cao trách nhiệm xã hội của người kinh doanh bia, rượu, từ nhà sản xuất đến người bán lẻ trong việc vận động người lái xe chấp hành quy định nồng độ cồn.

Mới đây, vào ngày 10-10, Ủy ban ATGT quốc gia đã thực hiện dán khẩu hiệu “Đã uống rượu, bia không được lái xe” trên các xe buýt ở thủ đô Hà Nội để tăng cường hiệu quả tuyên truyền quy định nồng độ cồn. Rất mong việc này sẽ sớm được thực hiện ở Đồng Nai.

Thanh Toàn

 

 

Tin xem nhiều