Báo Đồng Nai điện tử
En

Những cầu nối tín dụng chính sách đặc biệt

07:06, 07/06/2023

Toàn hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) chi nhánh tỉnh Đồng Nai hiện có 134 lao động. Tuy nhiên, số lượng khách hàng đang vay vốn lên đến trên 115 ngàn người với tổng số tiền hơn 4,2 ngàn tỷ đồng.

Toàn hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) chi nhánh tỉnh Đồng Nai hiện có 134 lao động. Tuy nhiên, số lượng khách hàng đang vay vốn lên đến trên 115 ngàn người với tổng số tiền hơn 4,2 ngàn tỷ đồng.

Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn KP.11, P.Tân Phong, TP.Biên Hòa (bìa phải) Phạm Thị Lơ trò chuyện cùng tổ viên Đào Thị Bình làm nghề buôn bán tạp hóa tại nhà
Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn KP.11, P.Tân Phong, TP.Biên Hòa (bìa phải) Phạm Thị Lơ trò chuyện cùng tổ viên Đào Thị Bình làm nghề buôn bán tạp hóa tại nhà. Ảnh: S. THAO

Để việc triển khai nguồn vốn tín dụng chính sách ở cơ sở đạt hiệu quả tích cực, có sự đóng góp rất lớn của từng tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn. Trong số này, có những tổ trưởng khá đặc biệt.

2 cha con cùng làm tổ trưởng tổ tiết kiệm

Năm nay mới 34 tuổi song chị Quỳnh Thị Minh Châu đã có 13 năm đảm nhận vai trò Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn KP.Long Khánh 1, P.Tam Phước (TP.Biên Hòa). Hiện chị Châu là người trẻ nhất từng tham gia vai trò này trong tỉnh.

Theo ông LÊ BÁ CHUYÊN, Giám đốc Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Đồng Nai, hiện Đồng Nai có 2.435 người đảm nhận vai trò Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn. Đây là những cánh tay nối dài của hệ thống ngân hàng CSXH len lỏi khắp các ấp, khu phố để đưa nguồn vốn nhân văn, ưu đãi đến với người dân, cũng như đảm bảo người vay hoàn thành nghĩa vụ với Nhà nước khi đã nhận vốn.

Tuy tay ngang - không được đào tạo bài bản về tín dụng khi mới bắt đầu tham gia quản lý tổ vay vốn song chị Châu là “con nhà nòi” khi kế nhiệm vai trò Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn từ cha mình. Đây cũng là trường hợp đầu tiên của tỉnh khi một gia đình có 2 cha con cùng nối tiếp nhau đảm nhận 1 vị trí. Từ khi mới vào nghề, nhờ sự kèm cặp từ cha, chị nhanh chóng bắt kịp với công việc. Thời gian qua, tổ do chị quản lý không phát sinh nợ xấu.

Theo chị Châu, những năm qua, khu phố chuyển tiếp nhanh chóng từ nông thôn sang đô thị nên người dân làm nghề chăn nuôi, trồng trọt trước kia chuyển đổi sang các nghề khác. Đồng thời, nhiều cơ hội việc làm tại địa phương đã kéo người dân các nơi về sinh sống đông đúc, người dân làm nghề buôn bán rất nhiều. Song do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 kéo dài cùng nhiều nguyên nhân khác nên các hộ này thiếu vốn.

Từ thực tế đó, bà con mong muốn được tiếp cận vốn chính sách để có vốn tiếp tục buôn bán. 59 hội viên của tổ do chị Châu phụ trách đang vay tổng số tiền trên 2,6 tỷ đồng, đa phần từ chương trình giải quyết việc làm.

Trong quá trình vay cũng không tránh khỏi một số trường hợp đôi khi trả gốc lãi không đúng thời gian. Nhưng do “quen mặt” và tin tưởng từng hộ vay nên chị Châu sẵn sàng ứng trước để giúp người vay hoàn thành đúng nghĩa vụ với Nhà nước.

Bà Nguyễn Thị Thúy Ngân, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng KP.Long Khánh 1, P.Tam Phước cho hay, thời gian qua, Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn KP.Long Khánh 1 đã trở thành cầu nối giữa người vay với Ngân hàng CSXH. Nữ Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn này đã tích cực hỗ trợ người dân tiếp cận vốn vay chính sách. Nhờ vậy, nhiều người đã có cơ hội tự tạo việc làm cho bản thân, gia đình. Đồng thời là kênh đảm bảo nguồn vốn Nhà nước triển khai ở cơ sở đúng đối tượng, kịp thời, nhanh chóng.

Tiết kiệm tiền lương trợ giúp người vay

Có 13 năm đảm nhận vai trò Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn KP.11, P.Tân Phong (TP.Biên Hòa), bà Phạm Thị Lơ cho hay, tổ có 60 người vay với số tiền trên 2 tỷ đồng. Thời gian trước, thành phố khuyến khích người dân chuyển từ chăn nuôi sang làm các ngành nghề khác. Với vai trò Chi hội trưởng Chi hội Nông dân của khu phố, bà đã đồng hành cùng mọi người chuyển đổi nghề nghiệp.

Theo Chi hội trưởng Chi hội Nông dân KP.11, điều khó nhất của bà con khi chuyển sang những ngành nghề khác là vốn. Mọi người mong ngóng làm sao có được nguồn vốn vay ưu đãi để chuyển nghề. Từ thực tế đó, bà đã hỗ trợ người dân tiếp cận với vốn vay chính sách. Những hộ chăn nuôi trước đây sau khi được vay vốn hiện đã chuyển sang buôn bán tạp hóa, giải khát, hàn tiện, làm đồ gỗ mỹ nghệ… Bà con rất phấn khởi vì trong những bước đầu chuyển đổi nghề đã được Nhà nước hỗ trợ. Dần dần, bà con có việc làm ổn định nên hoàn trả vốn vay cho Nhà nước đúng kỳ hạn. Đây chính là niềm vui của bà Lơ khi nhận công việc này.

Để việc đóng gốc, lãi hàng tháng của bà con diễn ra thuận lợi, bà Lơ lập nhóm Zalo Tổ Tiết kiệm và vay vốn. Từ nhóm chung này, bà nhắc nhở mọi người thời gian hoàn thành nghĩa vụ với Nhà nước hàng tháng thông qua hình thức chuyển khoản để bà thu hộ rồi nộp cho Ngân hàng CSXH trong phiên giao dịch định kỳ. Những người không sử dụng tài khoản ngân hàng, bà trực tiếp đến nhà thu hộ.

Riêng những hội viên mà thời điểm đóng gốc, lãi hàng tháng sớm hơn ngày nhận lương thì bà đóng trước, rồi bà con hoàn trả lại. Khi có tình huống phát sinh, người vay kịp thời trao đổi với quản lý tổ để cùng nhau giải quyết. Nhờ vậy, 15 năm qua, Tổ Tiết kiệm và vay vốn do bà quản lý không để xảy ra tình trạng nợ quá hạn.

Bà Đào Thị Bình (ngụ KP.11, P.Tân Phong) cho hay, thông qua hướng dẫn của bà Lơ, bà thực hiện thủ tục cần thiết và được vay 50 triệu đồng để buôn bán tạp hóa tại nhà. “Tôi nhận thấy nguồn vốn vay ưu đãi, dễ tiếp cận, nhất là người phụ trách nhiệt tình, quan tâm đến người vay nên tui rất phấn khởi” - bà Bình nói.

Bà Lơ còn tích cực hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn. Bằng số tiền nhận được hàng tháng khoảng 1,5 triệu đồng từ vai trò Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn, 300 ngàn đồng từ chức danh Chi hội trưởng Chi hội Nông dân khu phố cộng với thu nhập của bản thân, tiền thưởng bằng khen, giấy khen, bà Lơ tiết kiệm để tặng quà cho người vay vốn chính sách, hội viên. Với những người ở trọ, bà còn vận động các tiểu thương giúp thực phẩm cho từng hoàn cảnh mất việc làm, bị giảm giờ làm. 

Văn Truyên

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích