Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát triển tiềm lực khoa học - công nghệ

08:05, 18/05/2023

Xác định tầm quan trọng của khoa học - công nghệ (KH-CN) đối với sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương, ngành KH-CN đã và đang thực hiện nhiều giải pháp, huy động toàn thể nhân dân tiến quân vào mặt trận KH-CN.

Xác định tầm quan trọng của khoa học - công nghệ (KH-CN) đối với sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương, ngành KH-CN đã và đang thực hiện nhiều giải pháp, huy động toàn thể nhân dân tiến quân vào mặt trận KH-CN.

Nhân viên Trung tâm Khoa học - công nghệ (Sở KH-CN) thực hiện hoạt động kiểm định, đo lường. Ảnh: Lê Cảnh
Nhân viên Trung tâm Khoa học - công nghệ (Sở KH-CN) thực hiện hoạt động kiểm định, đo lường. Ảnh: Lê Cảnh

Trong đó, các hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo được đặc biệt quan tâm.

* Tăng cường phối hợp với các viện, trường, địa phương

TS Lại Thế Thông, Giám đốc Sở KH-CN cho biết, thời gian qua, ngành KH-CN đẩy mạnh thực hiện cơ chế đặt hàng nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng KH-CN. Trong đó, ưu tiên ứng dụng công nghệ tiên tiến vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.

Hiện nay, Sở KH-CN đang theo dõi, quản lý 60 nhiệm vụ KH-CN từ cấp Bộ đến cấp cơ sở đã được phê duyệt danh mục và đang triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, Sở đã tổng kết 18 nhiệm vụ, bàn giao và đưa vào ứng dụng thực tiễn 2 nhiệm vụ; hướng dẫn, cấp 27 giấy chứng nhận hợp đồng chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp. Sở cũng đã thông báo đề xuất đặt hàng các nhiệm vụ KH-CN năm 2024 để các sở, ngành, địa phương trong tỉnh nghiên cứu đặt hàng.

Tại buổi làm việc với Sở KH-CN về hoạt động KH-CN và đổi mới sáng tạo trên địa bàn TP.Biên Hòa mới đây, Phó bí thư thường trực phụ trách Thành ủy Biên Hòa, Chủ tịch HĐND TP.Biên Hòa Huỳnh Tấn Đạt chia sẻ, KH-CN là một trong những nhiệm vụ đột phá được xác định trong Nghị quyết Đại hội XII của thành phố. Thời gian qua, thành phố đã triển khai nhiều hoạt động, chương trình liên quan đến KH-CN nhưng kết quả chưa đạt mục tiêu đề ra. Biên Hòa có hơn 1,2 triệu dân nhưng diện tích nhỏ, nếu không áp dụng KH-CN, chuyển đổi số vào công tác quản lý thì thành phố sẽ tụt hậu, nhất là trong công tác cải cách hành chính, số hóa.

Các chủ đề của Ngày KH-CN Việt Nam năm nay là: Phát triển KH-CN và đổi mới sáng tạo trên nền tảng văn hóa Việt Nam; KH-CN và đổi mới sáng tạo - nâng cao tiềm lực và vị thế quốc gia; KH-CN và đổi mới sáng tạo - động lực phát triển bền vững.

TP.Biên Hòa được xác định là thành phố công nghiệp, thương mại và dịch vụ du lịch. Thành phố đặc biệt quan tâm đến vấn đề quản lý xây dựng, quản lý đất đai, quản lý môi trường. Hiện nay, phần mềm quản lý hạ tầng đô thị đã thực hiện từ lâu nhưng vấn đề là làm sao để người dân biết, sử dụng phần mềm để biết được tình trạng đất của họ như thế nào, có được xây dựng hay vướng quy hoạch gì không. Về quản lý môi trường, vừa qua thành phố triển khai phân loại rác tại nguồn nhưng quá trình thực hiện còn nhiều bất cập. Công tác đảm bảo an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, quản lý doanh nghiệp còn ít nhiều hạn chế, cần phải ứng dụng công nghệ để làm tốt hơn.

“TP.Biên Hòa đề nghị Sở KH-CN và các sở, ngành, viện, trường hỗ trợ, giúp sức cho thành phố, làm sao để có thêm nhiều sản phẩm KH-CN được áp dụng, ứng dụng trên địa bàn thành phố. Mục tiêu nhằm xây dựng thành phố thông minh, tăng cường công tác quản lý trên địa bàn, giúp người dân được thụ hưởng những thành tựu của KH-CN” - ông Huỳnh Tấn Đạt nhấn mạnh.

Trong khi đó, Phó chủ tịch UBND TP.Long Khánh Bùi Quốc Thể đề nghị Sở
KH-CN và các nhà khoa học hỗ trợ địa phương có những giải pháp về KH-CN để phát huy tốt hơn nữa dịch vụ du lịch vườn; chuyển giao ứng dụng các đề tài nghiên cứu khoa học trên địa bàn, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp…

* Thực hiện các nhiệm vụ đột phá

Theo TS Lại Thế Thông, từ năm 2021 đến nay, Sở đã tổng hợp đề xuất và tham mưu tổ chức hội đồng khoa học để xét duyệt và trình UBND tỉnh phê duyệt 93 nhiệm vụ KH-CN thuộc 6 chương trình KH-CN. Đồng thời, đề xuất 2 dự án thuộc Chương trình Nông thôn miền núi trên địa bàn tỉnh (một trong 2 dự án đã được Bộ KH-CN phê duyệt). Sở cũng đã, đang phối hợp với các viện, trường đại học, làng công nghệ hướng dẫn các sở, ngành, địa phương đề xuất các đề án, dự án, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật theo nhu cầu của địa phương, sở, ngành. Những đề án, dự án được phê duyệt phải sát thực tiễn và mang tính ứng dụng cao.

Ngoài ra, có 34 đơn đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) tiếp nhận. Các sáng chế, giải pháp hữu ích bao gồm các công nghệ mới, tiên tiến trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, được áp dụng tại các doanh nghiệp. Qua đó, đã góp phần tiết kiệm năng lượng, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và bảo vệ môi trường.

Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đồng Nai trao tặng 2 tỷ đồng cho Quỹ Đồng hành cùng các start-up Đồng Nai trong Ngày hội Techfest 2022. Ảnh: H.Dung
Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đồng Nai trao tặng 2 tỷ đồng cho Quỹ Đồng hành cùng các start-up Đồng Nai trong Ngày hội Techfest 2022. Ảnh: H.Dung

Để phát triển KH-CN cần phải có hạ tầng KH-CN đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Do vậy, Sở KH-CN tham mưu UBND tỉnh thực hiện các nhiệm vụ đột phá về KH-CN.

Cụ thể, Sở sẽ phối hợp để chuyển đổi Khu công nghệ cao công nghệ sinh học có diện tích khoảng 200ha thành khu công nghệ cao thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đến nay, Sở đã tham mưu cho lãnh đạo tỉnh để báo cáo Chính phủ, hiện đang chờ ý kiến của Trung ương.

Ngoài ra, Sở sẽ phối hợp để xây dựng công viên KH-CN và thành lập Trung tâm Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai. Mục đích nhằm giúp người dân, doanh nghiệp hiểu được tầm quan trọng của KH-CN, kích thích ý tưởng sáng tạo và ứng dụng tiến bộ của KH-CN vào thực tiễn đời sống. Đây cũng là nơi để các chuyên gia, nhà khoa học nghiên cứu, đưa ra những sản phẩm, giải pháp KH-CN mang lại nguồn lợi chung cho xã hội.

Trong xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngành KH-CN sẽ tiếp tục phối hợp để xác định các nhiệm vụ kinh tế - xã hội nói chung; tổ chức thực hiện từ nghiên cứu đến triển khai ứng dụng đối với các lĩnh vực logistics, nông nghiệp hữu cơ, nghiên cứu về cây dược liệu, hoa, cây cảnh giá trị cao; mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm hiện đại, năng suất cao. Đồng thời, đưa doanh nghiệp, công nghệ của các làng công nghệ, các thành tố của hệ sinh thái về địa phương để áp dụng, chuyển giao công nghệ.

“Chúng tôi mong lãnh đạo các cấp tiếp tục quan tâm, tham gia các hoạt động thúc đẩy KH-CN và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh. Qua đó, tạo động lực, khích lệ các chuyên gia, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp, tổ chức KH-CN, người dân tham gia nghiên cứu, ứng dụng KH-CN vào sản xuất, đời sống. Đồng thời, nâng cao giá trị bảo hộ sở hữu trí tuệ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trên nền tảng KH-CN” - TS.Lại Thế Thông cho biết.             

Hạnh Dung

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích