Báo Đồng Nai điện tử
En

Giảng viên đại học với hơn 100 đề tài chuyển giao công nghệ

08:05, 18/05/2023

Bắt đầu hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ (CGCN) từ năm 2011, đến nay TS Phạm Văn Toản, Trưởng khoa Cơ điện - điện tử Trường đại học Lạc Hồng, đã có khoảng 100 đề tài chuyển giao thành công. Đa số các dự án CGCN của TS Toản thuộc lĩnh vực tự động hóa, cải tiến kỹ thuật trong các doanh nghiệp Nhật Bản.

Bắt đầu hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ (CGCN) từ năm 2011, đến nay TS Phạm Văn Toản, Trưởng khoa Cơ điện - điện tử Trường đại học Lạc Hồng, đã có khoảng 100 đề tài chuyển giao thành công. Đa số các dự án CGCN của TS Toản thuộc lĩnh vực tự động hóa, cải tiến kỹ thuật trong các doanh nghiệp Nhật Bản.

TS Phạm Văn Toản, Trưởng khoa Cơ điện - điện tử, Trường đại học Lạc Hồng hướng dẫn sinh viên thực hiện các công việc trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ. Ảnh: H.Yến
TS Phạm Văn Toản, Trưởng khoa Cơ điện - điện tử, Trường đại học Lạc Hồng hướng dẫn sinh viên thực hiện các công việc trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ. Ảnh: H.Yến

Trường đại học Lạc Hồng có nhiều chính sách thúc đẩy hoạt động CGCN, tạo điều kiện thuận lợi tối đa để giảng viên, sinh viên của trường nghiên cứu, phát triển.

* Thu hẹp khoảng cách

Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ năm 2010, đến năm 2011, giảng viên Phạm Văn Toản được cùng với đồng nghiệp hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học (NCKH). Đề tài này sau đó được phát triển thành đề tài CGCN. Khi đó, anh nhận thấy bản thân hoàn toàn có thể tự tin tham gia lĩnh vực này. Một thời gian sau, anh đã đứng tên chủ trì một dự án CGCN cho Công ty TNHH Sản xuất toàn cầu Lixil Việt Nam. Đây cũng chính là công ty mà TS Phạm Văn Toản có nhiều hợp đồng CGCN nhất cho đến nay.

Từ một giảng viên làm công tác giảng dạy, nghiên cứu lý thuyết bước sang lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng, CGCN, TS Phạm Văn Toản đã gặp không ít khó khăn. Anh chia sẻ: “Việc nghiên cứu lý thuyết, làm mô hình khác xa so với nghiên cứu, CGCN. Vì sản phẩm chuyển giao sẽ đưa vào ứng dụng trong thực tế nên cần phải tính đến các yếu tố như: độ an toàn, năng suất, độ bền… Công việc của chúng tôi là phải làm sao xóa được khoảng cách giữa nghiên cứu lý thuyết và nghiên cứu ứng dụng. May mắn là trong quá trình làm việc tại trường, hợp tác với doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp Nhật Bản, tôi đã học được rất nhiều điều bổ ích”.

Trung bình mỗi năm, Trường đại học Lạc Hồng chuyển giao cho các doanh nghiệp khoảng 100 dự án lớn, nhỏ. Các dự án chuyển giao tập trung vào khối ngành kỹ thuật là chính, cụ thể như: công nghệ thông tin, dược, môi trường, cơ điện tử, điện - điện tử, tự động hóa…

Theo đó, đối với mỗi đề tài nghiên cứu, tính an toàn phải luôn được đặt lên hàng đầu; tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật; quan tâm tính liên kết/kết nối của sản phẩm với dây chuyền sản xuất. Đối với sinh viên, khi tham gia nghiên cứu, làm việc với doanh nghiệp cần có tác phong chuyên nghiệp, tuân thủ giờ giấc…

Nhiều đề tài CGCN thành công đã được TS Phạm Văn Toản phát triển thành các công trình NCKH. Trong đó có công trình đoạt giải thưởng Vifotec (giải thưởng Sáng tạo KH-CN Việt Nam) và nhiều công trình đoạt các giải thưởng trong các cuộc thi KHCN của tỉnh.

Với những thành công đó, ngày càng nhiều đơn vị chủ động liên hệ đặt hàng Khoa Cơ điện - điện tử CGCN. Để hoàn thành các hợp đồng này, TS Phạm Văn Toản xây dựng đội ngũ cộng tác viên gồm nhiều sinh viên với những thế mạnh khác nhau. Nhóm sinh viên làm việc với anh thường duy trì từ 10-20 người.

Trong quá trình làm việc, sinh viên được học hỏi thêm nhiều kiến thức, tích lũy kỹ năng, kinh nghiệm phục vụ hữu ích cho quá trình học và định hướng việc làm sau khi tốt nghiệp.

Sinh viên Đinh Văn Anh (năm 3, Khoa Cơ điện - điện tử) cho biết, anh tham gia làm việc cùng TS Toản từ cuối năm 2. “Môi trường làm việc với thầy khác hẳn với môi trường học tập. Từ cuối năm 2, nhờ tham gia CGCN nên tôi được đến doanh nghiệp; được tiếp xúc với hệ thống máy móc lớn, hiện đại và có thể sử dụng được những máy móc này. Những điều này giúp ích rất nhiều cho tôi khi học ở trường” - Văn Anh chia sẻ.

Tương tự, sinh viên Trần Công Minh (năm 4, Khoa Cơ điện - điện tử) đã làm việc với TS Toản được gần 2 năm. Quá trình làm việc giúp anh tích lũy nhiều kinh nghiệm và đã áp dụng tốt trong việc thực hiện đồ án tốt nghiệp. Hiện Công Minh đang học thêm tiếng Nhật để đi lao động tại Nhật Bản (diện kỹ sư) sau khi tốt nghiệp.

Ngoài việc học hỏi thêm nhiều điều bổ ích, các sinh viên làm việc trong nhóm CGCN còn được hỗ trợ chi phí trong quá trình làm việc. Sau mỗi dự án chuyển giao thành công, tùy vào năng lực và sự đóng góp mà mỗi cá nhân được bồi dưỡng thêm để trang trải cho việc học, giảm bớt gánh nặng kinh tế cho gia đình.

* Cơ chế thúc đẩy nghiên cứu khoa học, CGCN

Theo quy định, giảng viên đại học phải có ít nhất 150 tiết NCKH/năm. Trường đại học Lạc Hồng cho phép quy đổi hoạt động CGCN sang hoạt động NCKH. Theo đó, mỗi hợp đồng CGCN trị giá 100 triệu đồng được chuyển giao thành công thì giảng viên phụ trách dự án sẽ được tính bằng 200 tiết NCKH.

“Đối với những khó khăn liên quan đến việc minh chứng hồ sơ năng lực, trang thiết bị, phòng nghiên cứu và các công việc hành chính khác thì nhà trường hỗ trợ tối đa. Với mỗi dự án, nhà trường chỉ trích lại vài phần trăm phí quản lý, số tiền này sẽ được sử dụng để khen thưởng cho giảng viên có thành tích trong hoạt động NCKH, CGCN vào cuối năm” - TS Toản cho hay.

Nhờ cơ chế thoáng, chính sách động viên, khích lệ, khen thưởng kịp thời, không chỉ TS Phạm Văn Toản mà nhiều giảng viên trong trường cũng rất tích cực tham gia hoạt động CGCN. Chỉ tính riêng Khoa Cơ điện - điện tử đã có 3 nhóm giảng viên thường xuyên có đề tài chuyển giao như: ThS Lê Hoàng Anh, ThS Đoàn Dương Quý, ThS La Khải Khải…

Mặt khác, hoạt động CGCN của giảng viên Khoa Cơ điện - điện tử Trường đại học Lạc Hồng còn có nhiều thuận lợi khác như: lực lượng làm công tác nghiên cứu đông với nhiều thế mạnh khác nhau: điện, điện tử, cơ khí, lập trình… Bên cạnh đó, sinh viên của trường cũng thường xuyên tham gia NCKH, CGCN cùng với giảng viên nên khi có hợp đồng thì chủ nhiệm dự án có thể huy động được lực lượng, tham khảo ý kiến để cùng nhau lên ý tưởng, thực hiện.

PGS-TS Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng cho biết: “Nhà trường đã tạo ra một môi trường làm việc có nhiều động lực cho các giảng viên và sinh viên bằng cách cung cấp cơ sở hạ tầng, tài nguyên và trang thiết bị hiện đại. Các giảng viên và sinh viên luôn có nhiều sân chơi và không gian để thảo luận, hợp tác, chia sẻ ý tưởng”.

Trường có 12 chương trình đào tạo đã được kiểm định chất lượng quốc tế (AUN-QA và ABET). Các chương trình giáo dục và đào tạo chất lượng cao đã đào tạo nhân lực có năng lực nghiên cứu và CGCN. Đặc biệt, nhà trường luôn chú trọng tăng cường đào tạo về quản lý dự án, kỹ năng kinh doanh và tư duy sáng tạo.

Hải Yến

Tin xem nhiều