Báo Đồng Nai điện tử
En

Khởi nghiệp từ lối sống thuận tự nhiên

07:05, 10/05/2023

Với mong muốn làm ra những sản phẩm sạch để tăng cường sức khỏe cho người tiêu dùng, gia đình chị Nguyễn Thị Yến - anh Trần Văn Tuấn (ngụ ấp 6, xã Thanh Sơn, H.Định Quán) đang có những bước đi vững chắc trên con đường khởi nghiệp của mình.

Với mong muốn làm ra những sản phẩm sạch để tăng cường sức khỏe cho người tiêu dùng, gia đình chị Nguyễn Thị Yến - anh Trần Văn Tuấn (ngụ ấp 6, xã Thanh Sơn, H.Định Quán) đang có những bước đi vững chắc trên con đường khởi nghiệp của mình.

Chị Nguyễn Thị Yến được tôn vinh tại lễ kỷ niệm Ngày Sở hữu trí tuệ năm 2023
Chị Nguyễn Thị Yến được tôn vinh tại lễ kỷ niệm Ngày Sở hữu trí tuệ năm 2023. Ảnh: H.DUNG

Nhiều nông dân ở xã Thanh Sơn đang cùng vợ chồng chị Yến thực hiện mô hình canh tác theo phương pháp hữu cơ vườn rừng.

Bỏ phố về quê

Chị Yến chia sẻ, trước đây chị làm giảng viên công nghệ thông tin, giảng dạy tại một số trường cao đẳng, trung cấp ở TP.Biên Hòa. Cuộc sống ở thành phố đang ổn định thì vợ chồng chị Yến lại muốn rẽ hướng sang nghề chăn nuôi. Vì thế, sau một thời gian tìm hiểu, năm 2013, gia đình chị Yến chuyển hẳn từ TP.Biên Hòa về xã Thanh Sơn sinh sống và thực hiện mong muốn sống hòa mình cùng thiên nhiên.

Để giữ được chất lượng sản phẩm ổn định qua thời gian, chị Yến thường xuyên kiểm tra chất lượng sản phẩm. Đồng thời, giám sát quy trình trồng, chăm sóc cây của nông dân, tuyên truyền, giải thích để nông dân hiểu được lợi ích của sản xuất nông nghiệp hữu cơ, hợp đồng cụ thể, bao tiêu đầu ra sản phẩm cho nông dân với giá thành cao để họ an tâm chăm sóc cây trồng. Hiện nay, mỗi tháng thu nhập từ cây sương sâm của gia đình chị Yến khoảng 30 triệu đồng.

“Chúng tôi đã tìm và mua 3ha đất ở khu vực ấp 6, xã Thanh Sơn, nơi chưa bị tác động nhiều bởi con người để làm trang trại chăn nuôi. Nhưng chăn nuôi không thuận lợi nên cả 2 vợ chồng lại chuyển sang làm vườn. Tháng 9-2021, sản phẩm khởi nghiệp đầu tiên của chúng tôi ra đời với tên gọi bột đậu ngũ hành” - chị Yến nói.

Để tạo ra sản phẩm chất lượng cao, chị Yến đặt mua nguyên liệu đầu vào là đậu tươi của chị em phụ nữ tại địa phương trồng. Tuy nhiên, do trước đây người dân có thói quen phun thuốc trừ sâu và sử dụng phân hóa học cho cây trồng nên chị Yến bắt đầu giúp nông dân thay đổi quy trình trồng, chăm sóc cây đậu theo hướng hữu cơ.

Trải qua nhiều công đoạn, từ thu hoạch đậu đến ngâm ủ, chọn lựa đậu, rang, xay…, sản phẩm bột đậu ngũ hành đã ra đời. Tuy nhiên, do còn hạn chế về mặt kinh phí nên hiện nay, hầu hết các công đoạn trong chế biến sản phẩm bột đậu ngũ hành vẫn được gia đình chị Yến làm theo cách thủ công. Để nâng cao hơn nữa năng suất, chất lượng sản phẩm, chị Yến dự định sẽ đầu tư mua sắm máy móc để phục vụ công đoạn lựa đậu, vốn tốn nhiều thời gian nhất.

Bột sương sâm ra mắt thị trường

Sau thành công của sản phẩm bột đậu ngũ hành, cuối tháng 4 vừa qua, chị Yến đã cho ra đời sản phẩm bột sương sâm Lamoi Pro. Sản phẩm dù mới “ra lò” nhưng đã “cháy hàng”  do lượng khách hàng thân thiết đặt mua sản phẩm với số lượng lớn.

Khách du lịch tham quan vườn cây sương sâm hữu cơ của gia đình chị Nguyễn Thị Yến
Khách du lịch tham quan vườn cây sương sâm hữu cơ của gia đình chị Nguyễn Thị Yến

Anh Tuấn cho hay, để cho ra đời sản phẩm bột sương sâm với chất lượng như ý, gia đình anh thực hiện quy trình 1 vòng khép kín với mô hình vườn rừng hữu cơ.

Theo anh Tuấn, khâu quan trọng nhất trong sản xuất bột sương sâm là cải tạo đất. Trước đây, khu vườn nhà anh được người dân địa phương trồng quýt, sử dụng phân hóa học để bón cây và phun thuốc trừ sâu khiến đất bị chai. Gần 10 năm qua, anh Tuấn không xịt thuốc trừ sâu, trừ cỏ hay bón phân hóa học lên khu vườn mà thực hiện trồng cỏ, trồng cây rồi tỉa cảnh, tạo phân hữu cơ cho khu vườn, thi thoảng bổ sung phân dê. Nhờ vậy mà giờ đây, đất trong khu vườn của gia đình anh Tuấn tơi xốp, có nhiều vi sinh vật có lợi.

Anh Tuấn cũng lên mạng tìm hiểu về giống cây sương sâm. Cuối cùng, anh chọn mua giống củ sương sâm ở tỉnh Bình Phước để ươm giống và trồng xen kẽ với một số loại cây trồng khác.

Khâu làm giàn cho cây sương sâm leo thẳng cũng tốn khá nhiều thời gian. Do vườn sương sâm không phun xịt thuốc, phân hóa học nên vẫn có sâu, nhưng không nhiều. 5 tháng sau khi chăm sóc, vợ chồng chị Yến bắt đầu thu hoạch lá sương sâm và cứ 20-30 ngày lại thu hoạch một lứa lá, những lứa sau năng suất hơn lứa trước.

Chị Yến tâm sự, so với vườn sương sâm canh tác theo phương pháp hóa học, năng suất vườn sương sâm nhà chị chỉ bằng 1/3. Tuy nhiên, điểm khác biệt là chất lượng, sản lượng thạch từ vườn lá sương sâm của gia đình chị lại cao hơn nhiều. Cụ thể, 1kg lá sương sâm tươi canh tác theo phương pháp hóa học chỉ làm được 20 lít thạch, còn 1kg lá sương sâm của gia đình chị Yến cho từ 30-35 lít thạch.

Ngoài làm thạch sương sâm, bột sương sâm còn có nhiều công dụng khác như: đắp mặt nạ làm đẹp, uống trực tiếp kèm đường đỏ để bổ sung năng lượng, hỗ trợ người bệnh tiểu đường, cao huyết áp…

“Do là sản phẩm sạch nên đầu ra cho sản phẩm bột sương sâm khá ổn định. Khách hàng mua chủ yếu qua kênh online. Có những thời điểm nắng nóng như những ngày qua, gia đình không có đủ hàng để bán. Nhiều spa trên địa bàn cũng đặt mua sương sâm để đắp mặt nạ cho khách” - chị Yến tâm sự.

Nói về những khó khăn trong quá trình khởi nghiệp, chị Yến bộc bạch, lúc đầu cả 2 vợ chồng đều khá lo, sợ khởi nghiệp sẽ không thành công, khó khăn về tài chính. Nhưng sau này, khi cả 2 vợ chồng đồng tâm hiệp lực, các khó khăn lần lượt được giải quyết.

Theo chị Yến, để có thể đứng vững trên thị trường, chất lượng sản phẩm phải được ưu tiên hàng đầu. Chỉ khi chất lượng được đảm bảo, khách hàng mới có niềm tin với mình, mới tin tưởng, mua và mua lại, giới thiệu cho thêm nhiều khách hàng tiềm năng khác.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều