Báo Đồng Nai điện tử
En

Gắn kết người dân nơi đồi đá

07:12, 05/12/2022

Ông Vắn A Sáng, Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp Hòa Hiệp (xã Ngọc Định, H.Định Quán) là người dân tộc thiểu số duy nhất của Đồng Nai vừa được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tặng bằng khen tại hội nghị biểu dương chủ tịch ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã và trưởng ban công tác Mặt trận tiêu biểu toàn quốc, giai đoạn 2017-2022.

Ông Vắn A Sáng, Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp Hòa Hiệp (xã Ngọc Định, H.Định Quán) là người dân tộc thiểu số duy nhất của Đồng Nai vừa được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tặng bằng khen tại hội nghị biểu dương chủ tịch ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã và trưởng ban công tác Mặt trận tiêu biểu toàn quốc, giai đoạn 2017-2022.

Ông Vắn A Sáng chia vui cùng bà Nguyễn Thị Thanh Thủy khi khởi công xây dựng căn nhà tình thương. Ảnh: S.Thao
Ông Vắn A Sáng chia vui cùng bà Nguyễn Thị Thanh Thủy khi khởi công xây dựng căn nhà tình thương. Ảnh: S.Thao

Để có được sự ghi nhận này, ông Sáng đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ Mặt trận ở địa phương.

* 17 năm gắn bó với công tác Mặt trận

Đến thời điểm này, ông Sáng đã có 17 năm gắn bó với vai trò Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp. Ông Sáng cho hay, ấp có 336 hộ, trong số này 91 gia đình người dân tộc thiểu số. Hầu hết bà con sống bằng nghề làm nông nghiệp và nơi sản xuất cũng chính là nơi ở. Nên ngoài một vài khu vực mặt tiền đường nhựa tập trung số ít cụm gia đình, còn lại bà con sống rất thưa thớt. Từ đó, việc đi lại khá vất vả, nhất là với những hộ nằm sâu trong khu rẫy xa, đường bê tông chưa đến nơi.

Theo ông Sáng, ở ấp Hòa Hiệp, điều kiện lao động của bà con không được thuận tiện vì đất sản xuất có rất nhiều đá mồ côi, nhiều dốc cao. Để cây tiếp xúc được với đất thịt, người dân phải bỏ rất nhiều công sức thu gom đá rồi sử dụng đá này làm bồn cây, hàng rào, đắp móng chuồng dê, móng nhà. Do vậy, để làm ra đồng tiền với bà con không hề dễ dàng và mỗi người rất quý những khu vực đất được cải tạo có cây lên xanh tốt.

Thế nhưng nhiều năm qua, ấp Hòa Hiệp có tiếng là khu vực làm tốt công tác vận động nhân dân chung tay tham gia thực hiện công trình giao thông và công cộng bằng hiến đất, đóng góp kinh phí và ngày công lao động.

Cụ thể, ấp có 6 tổ nhân dân thì 5 tổ đường bê tông đã chạy dọc theo khu dân cư. Ở mỗi tuyến đường, người dân đều lùi hàng rào, chặt hạ cây trồng để nhường đất mở rộng đường. Rồi căn cứ vào chỉ tiêu được giao về số tiền đóng góp theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm để bà còn góp tiền làm đường. Như mới đây, bà con tổ 6 phấn khởi khi Nhà nước có chủ trương làm tuyến đường bê tông dài 1,2km, rộng 6m chạy dọc theo khu dân cư trong tổ. Mức đóng góp, Nhà nước hỗ trợ 80% và nhân dân chịu trách nhiệm phần còn lại.

 “Khi nghe thông tin này ai cũng vui. Vậy là căn cứ vào sự đồng thuận, mỗi gia đình nhất trí đóng 200 ngàn đồng/m chiều ngang. Đến nay, bà con đã đóng được 337 triệu đồng trong tổng số tiền phải thu là 478 triệu đồng. Đồng thời, nhà nào cũng tranh thủ tháo hàng rào, đốn hạ cây trồng để nhường đất cho con đường sắp khởi công” - ông Sáng nói.  

Không chỉ vậy, nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số còn hiến diện tích đất lớn để xây dựng công trình công cộng phục vụ sinh hoạt chung. Như ông Chềnh Cún Pẩu đã hiến phần diện tích đất 25mx35m nằm trên trục đường chính để xây dựng xây nhà văn hóa ấp. Nhờ đó mà bà con ấp Hòa Hiệp đã có nơi sinh hoạt tươm tất.

Ông Pẩu cho hay, thông qua các buổi sinh hoạt ấp, tổ nhân dân, ông được biết chủ trương làm đường giao thông, xây nhà văn hóa. Lúc đó, ông muốn tham gia song còn e ngại. Rồi thông qua những buổi gặp gỡ trong sinh hoạt cộng đồng, được ông Sáng tìm tới vận động vậy là ông Pẩu cùng gia đình thống nhất hiến đất làm nhà văn hóa.

Về phần mình, ông Sáng chia sẻ: “Ai không quý đất, quý tiền mình làm ra. Nhưng có những thứ quý hơn là con em được đi trên đường bằng phẳng thay vì phải chịu cảnh chạy xe gập ghềnh trên đường đá, rồi không may té ngã. Khi hình thành đường rộng rãi, nhiều cơ hội làm ăn đến với mọi người. Muốn được như vậy, mỗi gia đình phải có sự đóng góp cùng chính quyền. Khi trò chuyện với bà con tôi chỉ nói những điều thực tế, dễ hiểu và những chủ trương của Nhà nước được người dân hưởng ứng tích cực”.

* Gắn kết tình làng nghĩa xóm

Cùng với vận động người dân chung tay xây dựng đường giao thông, công trình công cộng, ông Sáng còn kết nối thực hiện an sinh xã hội ở khu dân cư.

Theo ông Sáng, ấp hiện còn 1 hộ nghèo B cùng 8 hộ cận nghèo. Ngoài ra, nhiều gia đình đã vượt ngưỡng nghèo song vẫn còn những khó khăn nhất định trong cuộc sống. Điều này được thể hiện qua việc mỗi khi có người thân đau ốm, cần số tiền điều trị lớn, xây dựng nhà kiên cố…

Để kịp thời trợ giúp bà con, căn cứ vào tình hình thực tế và sự thống nhất của cộng đồng, mỗi năm những trường hợp cần trợ giúp nhà ở đều được ban ấp đề xuất sớm đến chính quyền địa phương. Qua đó, mỗi năm có từ 2-3 gia đình được giúp xây nhà ở. Để căn nhà thêm khang trang, ngoài số tiền ban đầu được MTTQ cùng các đoàn thể vận động từ nhà tài trợ, ban ấp cố gắng thực hiện 3 tại chỗ trong xây nhà tình thương: cộng đồng, người thân và gia đình.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy (ngụ ấp Hòa Hiệp) cho hay: “Cách đây mấy ngày, căn nhà tình thương của gia đình vừa khởi công phần móng. Ngoài số tiền ban đầu từ nhà tài trợ do địa phương vận động, ông Sáng cùng ban ấp còn vận động thêm cho gia đình để đến khi hoàn thành căn nhà sẽ tốt hơn. Những khi gia đình gặp điều gì trở ngại, ông Sáng lại nhiệt tình hỗ trợ”.

Cùng với đó, để kịp thời trợ giúp cuộc sống cho người khó khăn, thông qua kết nối của ban ấp đã có 5 trường hợp được nhận trợ cấp gạo hằng tháng. Ngoài ra, mỗi khi người dân trong ấp cần giúp đỡ làm thủ tục giấy tờ, ông Sáng lại là người tư vấn, ghi nội dung bởi nhiều người dân tộc thiểu số lớn tuổi không thể tự viết được.

Đặc biệt, để đáp ứng mong mỏi của bà con có lực lượng hỗ trợ bảo vệ tài sản, nhất là ở khu vực rẫy thưa vắng và kịp thời giải quyết mẫu thuẫn phát sinh trong cộng đồng, ông Sáng cùng ban ấp đã thành lập tổ tự quản và tổ hòa giải. Ông Sáng cho hay, trước đây 2 chủ đất giáp ranh nhau chỉ phân định ranh đất bằng một đường bờ đá, hàng cây hay tự nhớ vị trí với nhau. Nhưng khi mua bán qua nhiều lượt chủ, sự đồng thuận giữa những người chủ cũ - mới với nhau không còn. Từ đó phát sinh mâu thuẫn và nhất là trong thời điểm đất đai tăng giá, điều này xảy ra thường xuyên hơn. Mỗi khi gặp vấn đề, ban ấp tìm đến nắm thông tin và hòa giải. Vì những người trong tổ đều có thời gian gắn bó lâu dài với khu vực dân cư nên ai cũng hiểu rõ về vị trí từng thửa đất, chuyện thỏa thuận trước đây của các bên nên người tranh chấp đều đồng thuận cách giải quyết được tổ đưa ra. Riêng việc tuần tra quanh ấp được thực hiện thường xuyên hằng ngày với sự tham gia từ 8-10 người được chia làm nhiều ca trực. Điều này góp phần hạn chế tình trạng trộm cắp trong ấp.

Cùng với ông Sáng, Đồng Nai còn có 3 cá nhân khác được nhận tuyên dương tại hội nghị biểu dương chủ tịch ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã và trưởng ban công tác Mặt trận tiêu biểu toàn quốc, giai đoạn 2017-2022 gồm: bà Lương Thị Bảo Thùy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Bảo Quang (TP.Long Khánh) được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; ông Gia Cát Thành Long, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Phước Thái (H.Long Thành) và ông Nguyễn Hữu Mạnh, Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp Phú Lâm 1, xã Phú Sơn (H.Tân Phú) nhận bằng khen của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Văn Truyên

Tin xem nhiều