Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngăn ngừa sỏi kẹt niệu đạo ở nữ giới

03:12, 05/12/2022

Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai vừa tiếp nhận và điều trị thành công cho một bệnh nhân nữ 48 tuổi bị sỏi kẹt ở niệu đạo hiếm gặp.

Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai vừa tiếp nhận và điều trị thành công cho một bệnh nhân nữ 48 tuổi bị sỏi kẹt ở niệu đạo hiếm gặp.

Các bác sĩ Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai thực hiện ca phẫu thuật tán sỏi kẹt ở niệu đạo cho bệnh nhân
Các bác sĩ Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai thực hiện ca phẫu thuật tán sỏi kẹt ở niệu đạo cho bệnh nhân

Bà V.M.P. cho biết, 3 ngày trước khi nhập viện, khi ở nhà đi vệ sinh, bà nhận thấy có vật cứng ở niệu đạo. Bà P. sờ bằng tay và cảm nhận được có vật cứng nghi sỏi nhưng không đến bệnh viện do hoàn cảnh khó khăn. Những ngày sau đó, mỗi lần đi vệ sinh ở nhà, bà P. phải dùng tay nắn sỏi qua một bên mới có thể đi được, tình trạng gắt buốt khó chịu. Đến khi không thể chịu được nữa, bà P. mới nhập viện.

Qua thăm khám, BS CKII Nguyễn Văn Truyện, Khoa Ngoại, sản, liên chuyên khoa phát hiện bà P. bị sỏi lớn ở vị trí niệu đạo gây bít tắc đường ra của nước tiểu, gây nên tình trạng tiểu khó, tiểu đau.

Sau 20 phút phẫu thuật tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser, toàn bộ sỏi trong niệu đạo của bệnh nhân đã được lấy ra hết. Đây là kỹ thuật cao được thực hiện bởi bác sĩ có tay nghề nên niệu đạo của nữ bệnh nhân không bị tổn thương, không gây biến chứng về sau so với những trường hợp dùng kẹp bóp sỏi lấy sỏi ra khỏi niệu đạo.

Theo BS Truyện, sỏi niệu thường được hình thành ở thận, theo dòng nước tiểu qua niệu quản, xuống bàng quang rồi đào thải ra ngoài qua đường niệu đạo khi đi tiểu. Sỏi kẹt niệu đạo thường gặp ở nam giới. Ở nữ giới, niệu đạo ngắn, thẳng, chỉ từ 3-5cm nên sỏi chỉ kẹt lại khi có kích thước lớn như trường hợp của bà P.

Những năm gần đây, số bệnh nhân nhập viện điều trị bệnh sỏi niệu ngày càng tăng. “Thủ phạm” chính là do chế độ ăn nhiều thức ăn nhanh, có nhiều muối, uống ít nước, ít vận động. Triệu chứng thường gặp của sỏi đường tiết niệu là đau vùng hông, lưng, tiểu ít, tiểu buốt, nhỏ giọt, tiểu máu, bí tiểu, thận ứ nước, nhiễm khuẩn niệu…

Để ngăn ngừa sỏi niệu nói chung, trong đó có sỏi niệu đạo, BS Truyện khuyến cáo người dân cần có chế độ ăn uống lành mạnh, nhiều rau xanh, trái cây, hạn chế ăn các loại thịt đỏ, chất béo. Uống đủ nước, khoảng 2 lít/ngày. Nếu làm việc trong môi trường nóng, đổ mồ hôi nhiều, cần uống nhiều nước hơn và không nhịn tiểu. Không tự ý bổ sung canxi, viên sủi; hạn chế thực phẩm như: trà đen, cà phê, chocolate, đậu phộng, nội tạng động vật, hải sản, tập thể dục mỗi ngày…

An Yên

Tin xem nhiều