Theo đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, phấn đấu đến năm 2025 có 90% học sinh, sinh viên và người học tại các cơ sở giáo dục được tiếp cận, sử dụng nguồn tài nguyên thông tin tại các thư viện công cộng, thư viện của các cơ sở giáo dục, khoa học.
Theo đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, phấn đấu đến năm 2025 có 90% học sinh, sinh viên và người học tại các cơ sở giáo dục được tiếp cận, sử dụng nguồn tài nguyên thông tin tại các thư viện công cộng, thư viện của các cơ sở giáo dục, khoa học.
Để thực hiện mục tiêu này, UBND tỉnh giao trách nhiệm cụ thể cho các sở, ngành có liên quan. Trong đó, Sở GD-ĐT có trách nhiệm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát triển văn hóa đọc trong hệ thống các trường học; xây dựng, phát triển thói quen đọc, hướng dẫn kỹ năng và phương pháp đọc phù hợp với từng nhóm đối tượng, chú trọng đối tượng học sinh, sinh viên; định hướng và thúc đẩy xu hướng, thị hiếu đọc lành mạnh trong xã hội. Bên cạnh đó, chú trọng phát triển thư viện trường học, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT; nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống thư viện trường học, đáp ứng nhu cầu đọc của học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh. Ngành Giáo dục tích cực hưởng ứng và nhân rộng các mô hình phát triển văn hóa đọc trong trường học, triển khai cho học sinh, sinh viên tham gia các hoạt động, cuộc thi về phát triển văn hóa đọc do tỉnh và Trung ương tổ chức; triển khai tổ chức các hoạt động, hội thi thúc đẩy phát triển văn hóa đọc trong hệ thống trường học các cấp.
Như vậy, theo kế hoạch này, vai trò của hệ thống thư viện trường học khá quan trọng trong việc thúc đẩy văn hóa đọc đối với học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dù hầu hết các cơ sở giáo dục đều xây dựng được thư viện nhưng hiệu quả hoạt động chưa cao. Nguyên nhân chủ yếu là do thư viện trường học còn thiếu hấp dẫn đối với học sinh, sinh viên, nhất là trong hệ thống các trường phổ thông do số đầu sách chưa phong phú, đa dạng; thiếu các hoạt động sôi động để thu hút học sinh. Vì thế, nhiều thư viện hoạt động gần như cho có, chưa mấy quan tâm đến nhu cầu của học sinh.
Đổi mới hoạt động thư viện trường học đã và đang là vấn đề cấp bách đặt ra nếu muốn thu hút đông đảo học sinh, sinh viên đến đọc sách, góp phần thúc đẩy văn hóa đọc phát triển.
Minh Ngọc