Báo Đồng Nai điện tử
En

Dù bại liệt vẫn tạo việc làm cho người khuyết tật

07:09, 24/09/2022

Đó là câu chuyện có thật được bà Huỳnh Ngọc Yến (40 tuổi, ngụ TT.Long Thành, H.Long Thành) thực hiện nhiều năm qua.

Đó là câu chuyện có thật được bà Huỳnh Ngọc Yến (40 tuổi, ngụ TT.Long Thành, H.Long Thành) thực hiện nhiều năm qua.

Bà Huỳnh Ngọc Yến (trái) trao vé số cho người khuyết tật để đi bán. Ảnh: S.Thao
Bà Huỳnh Ngọc Yến (trái) trao vé số cho người khuyết tật để đi bán. Ảnh: S.Thao

Dù bị khuyết tật vận động song 11 năm qua, bà Yến đã lo chỗ ở miễn phí cho người khuyết tật (NKT) từ các nơi đến Long Thành sinh sống. Đồng thời, dùng vốn của gia đình, mỗi ngày lấy vé số để chia cho NKT bán kiếm lời.

* Giúp chỗ ở cho NKT

Trong số những NKT được bà Yến giúp đỡ có bà Nguyễn Thị Ngọc (quê tỉnh Thái Bình) bị khuyết tật chân. Bà Ngọc cho hay, cách đây 4 năm, bà rời quê đến tỉnh Đồng Nai. Khi xuống xe khách trong túi chỉ còn 65 ngàn đồng. Suốt 3 tháng đầu xa quê, bà được gia đình bà Yến lo cho ăn ở rồi giao vé số đi bán để tự kiếm tiền. Sau đó, bà Ngọc được đưa đến ngôi nhà từ thiện dành cho NKT ở miễn phí do bà Yến quản lý.

“Từ người không có việc làm, phải phụ thuộc hoàn toàn vào cha mẹ, nay tôi có tiền gửi về nhà để lo cho gia đình dù con số còn khiêm tốn” - bà Ngọc chia sẻ.

Còn bà Phạm Thị Quỳnh Nga (quê tỉnh Bến Tre) bị khuyết tật 2 chân, tay cũng đã được bà Yến giúp chỗ ở miễn phí hơn 3 năm qua; đồng thời, nhận vé số đi bán hằng ngày. Theo bà Nga, vì được ở miễn phí nên hằng tháng mỗi NKT chỉ góp vài chục ngàn đồng để cùng nhau trả tiền điện, nước, thu gom rác thải sinh hoạt. Nhờ vậy mà ai cũng có khoản dư để phòng khi đau ốm, gửi về phụ giúp gia đình ở quê.

Bà HUỲNH NGỌC YẾN chia sẻ: “Ước mơ của tôi rất nhiều nhưng lớn nhất vẫn là mong sao có thể giúp được những NKT có việc làm, được hỗ trợ miễn phí chỗ ở”.

Để bà Yến có thể giúp đỡ được những NKT từ nhiều nơi khi tìm đến tỉnh Đồng Nai có sự đóng góp không nhỏ của các thành viên trong gia đình.

Bà Đào Thị Một (mẹ bà Yến) cho hay, bà luôn ủng hộ con gái làm việc tốt giúp người. Vậy nên, khi NKT tìm đến với con gái mình, bà Một cùng những người con khác của bà đều đón tiếp lo cho họ ăn ở ngay tại nhà rồi sau đó đưa đến nhà ở miễn phí cách đó vài trăm mét. Hằng tháng, gia đình bà Yến còn tổ chức sinh nhật cho các thành viên tham gia bán vé số…

Đặc biệt, khi biết được việc làm của bà Yến cùng gia đình, nhiều mạnh thường quân ở địa phương đã trực tiếp giao nhà chưa sử dụng cho bà Yến quản lý để làm nơi ở cho những NKT khó khăn chưa có khả năng thuê mướn nhà trọ. Không ít cá nhân còn chuyển đến những chiếc xe lăn, xe lắc để giúp NKT di chuyển trong sinh hoạt hằng ngày, cũng như bán vé số thuận lợi hơn.

* Giúp NKT có việc làm

Bà Yến kể, dù phải nằm một chỗ song bà muốn được làm gì đó theo khả năng để có thể kiếm tiền như bao người. Vì vậy, hằng ngày, bà nhờ anh chị em cùng mẹ thay phiên đẩy mình trên xe lăn bán vé số ở những con đường quanh thị trấn.

“Được ra bên ngoài, tiếp xúc với nhiều NKT mình mới thấy họ còn khổ hơn mình rất nhiều. Bên cạnh mình còn có người thân lo lắng từ miếng ăn, giấc ngủ, mọi sinh hoạt đều được dìu đỡ, còn họ phải mang thân khuyết tật bôn ba xa nhà, rồi biết bao gánh nặng cuộc sống chỉ mình họ chịu. Quá thương NKT giống mình nên tôi tìm cách giúp” - bà Yến kể về ý định của mình cách đây 11 năm.

Theo Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin H.Long Thành NGUYỄN VĂN ĐIỂN, bà Huỳnh Ngọc Yến là nạn nhân chất độc da với tình trạng bại liệt. Hiện bà Yến đang nhận mức trợ cấp hằng tháng 800 ngàn đồng. Ngoài ra, mẹ bà Yến là người chăm sóc nạn nhân chất độc da cam cũng hưởng mức trợ cấp của Nhà nước với số tiền khoảng 400 ngàn đồng/tháng. Để có vé số cho những NKT bán, nhiều năm qua bà cùng gia đình sử dụng tiền tích góp để lấy từ 7-8 ngàn tờ vé số/ngày. Số vé này được bà phân chia theo nhu cầu, khả năng có thể bán của mỗi NKT. Đến cuối ngày, mỗi NKT trả tiền vốn vé số đã lấy ngày trước đó và nhận vé mới tiếp tục đi bán.

Thông qua các ứng dụng mạng xã hội, bà Yến đã kết nối những người cùng hoàn cảnh, chia sẻ mong muốn của mình trong việc giúp NKT với cộng đồng mạng. Qua đó, ngày càng nhiều NKT từ các nơi với mong muốn tìm được việc làm chân chính tạo ra thu nhập đã tìm đến với bà Yến.

Sau một tai nạn, anh Phạm Minh Nghĩa bị khuyết tật chân. Từ tỉnh Bình Thuận, anh Nghĩa vào Đồng Nai tìm việc làm nhưng không có kết quả. Được những NKT khác giới thiệu, anh Nghĩa tìm đến gia đình bà Yến và được trợ giúp bằng cách giao vé số đi bán dạo.

“Sau khi nhận vé số, tôi đi bán trên các tuyến đường. Chiều thì đem tiền vốn về giao lại cho bà Yến, còn lời mình giữ lại. Có những ngày, ai còn nhiều vé số ế quá, những anh chị em trong nhóm khuyết tật lại chia nhau bán phụ. Cứ như vậy đã 3 năm nay, đây là chỗ dựa của tôi” - anh Nghĩa nói.

Ông Nguyễn Ngọc Thạch cũng bị khuyết tật chân. Ông từ H.Nhơn Trạch sang H.Long Thành tìm đến nhà bà Yến để được trợ giúp. Do có đến 3 con nhỏ cùng vợ phải chăm sóc nên người đàn ông này mỗi ngày cố gắng bán được từ 700-800 tờ vé số.

Ông Thạch chia sẻ: “Mình còn nhiều người để lo nên phải nỗ lực nhiều hơn. May mắn là mọi người thấy hoàn cảnh mình khó khăn lại khiếm khuyết thân thể nên hay ủng hộ”.

Nói về việc làm của bà Yến, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin H.Long Thành Nguyễn Văn Điển cho hay, thông qua các hoạt động kêu gọi sự chung tay của cộng đồng, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện đã dành nhiều sự quan tâm, hỗ trợ bà Yến cũng như người NKT khác trên địa bàn bằng trợ cấp hằng tháng, tặng quà vào các dịp lễ, Tết cũng như hướng dẫn, hỗ trợ NKT, nạn nhân chất độc da cam/dioxin thực hiện các thủ tục liên quan để được hưởng chế độ bảo trợ xã hội của Nhà nước.

Sông Thao

Tin xem nhiều