Báo Đồng Nai điện tử
En

Giữ bàn tay sạch để phòng ngừa dịch bệnh

08:07, 13/07/2021

Theo Tổ chức Y tế thế giới, chỉ một động tác rửa tay sạch đã làm giảm tới 35% khả năng lây truyền vi khuẩn. Do đó, việc giữ gìn bàn tay sạch, trong đó duy trì thói quen rửa tay với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn có chứa cồn sẽ góp phần giảm nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm như: Covid-19, tiêu chảy, tay chân miệng, thủy đậu, nhiễm khuẩn đường hô hấp...

Theo Tổ chức Y tế thế giới, chỉ một động tác rửa tay sạch đã làm giảm tới 35% khả năng lây truyền vi khuẩn. Do đó, việc giữ gìn bàn tay sạch, trong đó duy trì thói quen rửa tay với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn có chứa cồn sẽ góp phần giảm nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm như: Covid-19, tiêu chảy, tay chân miệng, thủy đậu, nhiễm khuẩn đường hô hấp...

Quy trình 6 bước rửa tay đúng cách theo hướng dẫn của Bộ Y tế
Quy trình 6 bước rửa tay đúng cách theo hướng dẫn của Bộ Y tế

BS Nguyễn Văn Tú, Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, việc rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước sạch hoặc sát khuẩn tay bằng dung dịch chứa cồn (chứa ít nhất 60% cồn) là biện pháp đơn giản, rẻ tiền và hiệu quả nhất để bảo vệ sức khỏe. Bởi lẽ, bệnh Covid-19 lây lan khi dịch nhầy hay dịch tiết đường hô hấp chứa virus xâm nhập vào cơ thể từ mắt, mũi, họng qua giọt bắn khi tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc thông qua bàn tay chạm vào những vật dụng trung gian chứa virus rồi đưa lên mặt.

Ngoài ra, những bệnh truyền nhiễm như: cảm cúm, tiêu chảy, thủy đậu, tay chân miệng... có thể lây qua đường gián tiếp từ vật trung gian. Bàn tay là trung gian truyền vi khuẩn, virus phổ biến. Việc rửa tay với xà phòng có thể giúp giảm gần 50% trường hợp tiêu chảy, 25% ca nhiễm khuẩn đường hô hấp ở trẻ em dưới 5 tuổi; giảm nguy cơ mắc các bệnh tay chân miệng, cúm, thủy đậu...

Các thời điểm quan trọng nên rửa tay như: trước và sau khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi bỏ rác vào thùng, sau khi từ nơi công cộng về, sau khi tiếp xúc người bệnh, sau khi ho, hắt hơi hoặc sổ mũi, sau khi chạm, cầm, nắm vào nhiều vật dụng chung, vào bề mặt ở môi trường bên ngoài; rửa tay trước, trong và sau khi chăm sóc người ốm, sau khi vệ sinh cho trẻ nhỏ, sau khi mua sắm, cầm tiền, chăm sóc vật nuôi; rửa tay bất cứ khi nào tay bẩn...

Để việc rửa tay đạt hiệu quả cao, ngoài việc rửa tay thường xuyên thì cần phải rửa tay đúng cách. Nên rửa tay bằng nước sạch, tốt nhất là sử dụng vòi nước đang chảy để rửa tay. 

“Chúng ta nên tạo thói quen tốt rửa tay hằng ngày, khi cần thiết phải đi công việc nên chủ động chuẩn bị chai dung dịch sát khuẩn mang theo để có thể rửa tay ngay sau khi đụng chạm bất cứ vào vật gì, môi trường bề mặt xung quanh… Bên cạnh đó, tại gia đình, nơi làm việc nên thường xuyên vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, vệ sinh bề mặt các vật dụng thường xuyên tiếp xúc và để nhà cửa thông thoáng” - BS Tú khuyến cáo.

Gia Nhi

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích