Báo Đồng Nai điện tử
En

Trung tâm y tế chuyên khoa: Hoạt động cầm chừng, chờ sáp nhập

11:03, 13/03/2016

Từ những cơ sở khám, chữa bệnh thu hút khá đông bệnh nhân, hiện nay các trung tâm y tế chuyên khoa thuộc Sở Y tế, gồm: Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường Đồng Nai, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản Đồng Nai, Trung tâm Răng hàm mặt đang phải hoạt động cầm chừng, có nơi ngưng hẳn công tác điều trị, tập trung làm công tác dự phòng.

Từ những cơ sở khám, chữa bệnh thu hút khá đông bệnh nhân, hiện nay các trung tâm y tế chuyên khoa thuộc Sở Y tế, gồm: Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường Đồng Nai, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản Đồng Nai, Trung tâm Răng hàm mặt đang phải hoạt động cầm chừng, có nơi ngưng hẳn công tác điều trị, tập trung làm công tác dự phòng.

Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường tỉnh đìu hiu do không còn tổ chức khám, chữa bệnh cho người dân.   Ảnh: Đ.Ngọc
Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường tỉnh đìu hiu do không còn tổ chức khám, chữa bệnh cho người dân. Ảnh: Đ.Ngọc

Một trong những nguyên nhân chính là qua nhiều lần trì hoãn, đến ngày 1-1-2016, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã chính thức ngừng ký hợp đồng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) cho các trung tâm chuyên khoa nói trên. Trong khi phần lớn bệnh nhân của các trung tâm này đều khám, chữa bệnh bằng thẻ BHYT.

* Vắng bóng bệnh nhân

Trước đây, Sở Y tế cho phép các trung tâm y tế chuyên khoa được khám chữa bệnh để giải quyết nhu cầu của người dân, cũng như nhằm giảm tải cho các bệnh viện tuyến tỉnh. Tuy nhiên, theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh và các quy định trong Thông tư 41 của Bộ Y tế năm 2012 hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề và cấp giấy phép hoạt động, không có quy định nào hướng dẫn cấp phép hoạt động cho loại hình trung tâm y tế chuyên khoa, mà chỉ cấp giấy phép hoạt động đối với các bệnh viện, phòng khám đa khoa hay phòng khám chuyên khoa... Mặt khác, trong quy định chức năng, nhiệm vụ các trung tâm y tế chuyên khoa này không có mảng khám, chữa bệnh, chỉ làm công tác dự phòng. Do đó, về nguyên tắc nếu không được cấp giấy phép hoạt động thì sẽ không được Bảo hiểm xã hội ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT ban đầu.


Sẽ không có bệnh viện tuyến huyện

Theo Thông tư liên tịch 51 của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ, không chỉ trung tâm tuyến tỉnh, ở các huyện cũng sẽ thành lập trung tâm y tế tuyến huyện trên cơ sở sáp nhập 2 cơ quan là trung tâm y tế huyện và bệnh viện đa khoa tuyến huyện, thực hiện chức năng về y tế dự phòng, khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng. Các phòng khám đa khoa khu vực và trạm y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn huyện là đơn vị y tế thuộc trung tâm y tế huyện.

Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Thanh, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản Đồng Nai, cho biết hiện trung tâm đã ngưng hoạt động 20 giường bệnh nội trú, còn khám, chữa bệnh nhưng bệnh nhân chỉ vài chục người khám/ngày. Sắp tới, số bệnh nhân sẽ còn giảm mạnh vì đa phần bệnh nhân là công nhân sẽ thiệt thòi khi khám, chữa bệnh tại trung tâm vừa không được hưởng BHYT vừa không được cấp giấy nghỉ bệnh hưởng bảo hiểm xã hội.

Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Thế Kiên, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường Đồng Nai, cho biết từ ngày 1-1-2016, Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường Đồng Nai chính thức dừng khám, chữa bệnh và sơ cấp cứu cho người có thẻ BHYT và nhân dân trong khu vực.

* Sẽ sáp nhập

Theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh và các quy định trong Thông tư 41 của Bộ Y tế năm 2012 hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề và cấp giấy phép hoạt động, các trung tâm nếu muốn duy trì hoạt động khám chữa bệnh thì phải thành lập phòng khám đa khoa trực thuộc trung tâm. Tuy nhiên, theo lãnh đạo các trung tâm, nếu thành lập phòng khám yêu cầu phải có 3 chuyên khoa, trong đó phải có khoa nội hoặc ngoại. Trong khi đó, việc mở thêm khoa nội, khoa ngoại là thừa vì bệnh nhân khi đến các trung tâm này chủ yếu để được khám chuyên khoa.

Vẫn giữ nguyên nhân sự các trung tâm

Theo ông Hà Đức Minh, Trưởng phòng Tổ chức Sở Y tế, cho biết dự kiến trong năm 2016 ngành y tế sẽ hoàn chỉnh tờ trình UBND tỉnh đề xuất thực hiện cơ cấu lại tổ chức ngành y tế theo Thông tư liên tịch 51 của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ để sang năm 2017 triển khai thực hiện trong toàn tỉnh. Việc giải thể và sáp nhập các trung tâm y tế nhằm tinh gọn, sắp xếp bộ máy, biên chế hợp lý, giảm khá lớn kinh phí ngân sách tỉnh chi cho bộ máy hành chính hoạt động, đồng thời nâng cao công tác dự phòng cũng như chất lượng khám chữa bệnh cho người dân trên địa bàn. Trước mắt, việc cơ cấu lại chức năng, nhiệm vụ sẽ không ảnh hưởng đến số lượng cán bộ, viên chức của các đơn vị.

Về hoạt động của trung tâm chuyên khoa, Phó giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung cho biết hiện chưa có kế hoạch cụ thể, tuy nhiên Sở Y tế đang trong quá trình lấy ý kiến của các sở, ngành liên quan để hoàn chỉnh tờ trình xin chủ trương của tỉnh về việc cơ cấu lại tổ chức ngành y tế theo Thông tư liên tịch số 51 ngày 11-12-2015 của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Y tế thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và phòng y tế thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Theo đó, dự kiến sẽ giải thể hoạt động của các trung tâm y tế chuyên khoa. Hệ điều trị của các trung tâm y tế chuyên khoa, như: khám sản phụ khoa và răng hàm mặt sẽ sáp nhập vào các chuyên khoa thuộc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Riêng hệ dự phòng của các trung tâm y tế chuyên khoa, như: chăm sóc sức khỏe sinh sản, nha học đường, vệ sinh lao động sẽ sáp nhập với trung tâm y tế dự phòng tỉnh để thành lập trung tâm kiểm soát bệnh tật ở tuyến tỉnh (trên cơ sở sáp nhập hệ dự phòng của các trung tâm có cùng chức năng, các trung tâm y tế chuyên khoa).

Đặng Ngọc

 

 
 

 

 

 

Tin xem nhiều