Báo Đồng Nai điện tử
En

Hòa nhập cộng đồng cho người khuyết tật

09:11, 07/11/2011

Từ ngày 1 đến 3-11, tại Đồng Nai đã diễn ra chương trình hội thảo và tập huấn “Tìm hiểu về đối phó với kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến người khuyết tật”.

Từ ngày 1 đến 3-11, tại Đồng Nai đã diễn ra chương trình hội thảo và tập huấn “Tìm hiểu về đối phó với kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến người khuyết tật”.

Chương trình do Viện Nghiên cứu dư luận xã hội (thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương), Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (thuộc Liên hiệp các Hội khoa học - kỹ thuật Việt Nam), Ủy ban MTTQ Việt Nam phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai tổ chức. 40 cán bộ, nhân viên trong tỉnh sau khi tham gia chương trình này sẽ trở thành những báo cáo viên để giúp cộng đồng thay đổi cách nhìn về người khuyết tật (NKT).

* Tuyên truyền thay đổi nhận thức của cộng đồng

Anh Phạm Văn Sơn (35 tuổi), là một NKT của TP.Hà Nội vào Đồng Nai tham dự chương trình với tư cách là tình nguyện viên dư luận xã hội tuyên truyền thay đổi nhận thức của cộng đồng về NKT. “Tôi sinh ra trong gia đình có 3 anh em đều bị mù. Quá trình vượt lên chính mình để thành công trong học tập, tìm kiếm việc làm và xây dựng hạnh phúc gia đình của tôi đã gặp phải rất nhiều sự phân biệt đối xử và kỳ thị của cộng đồng” - anh Sơn cho biết. Hiện anh đã tốt nghiệp 2 trường đại học, trở thành chuyên gia dạy xoa bóp, bấm huyệt cho NKT, dạy chữ nổi và dịch nhiều sách nước ngoài cho NKT Việt Nam.

TS.Khuất Thu Hồng (giữa) thảo luận với các học viên trong chương trình hội thảo.     Ảnh: C.NGHĨA
TS.Khuất Thu Hồng (giữa) thảo luận với các học viên trong chương trình hội thảo. Ảnh: C.NGHĨA

Theo TS.Khuất Thu Hồng, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội, viện đã chọn Đồng Nai là một trong 4 địa phương trong cả nước để khảo sát về thực trạng NKT. Theo thống kê của cuộc khảo sát, Đồng Nai hiện có khoảng 22 ngàn NKT ở các dạng khác nhau, trong đó nam giới chiếm trên 11 ngàn người, nữ giới chiếm trên 7 ngàn người và trẻ em chiếm trên 4 ngàn người. Ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin của Mỹ trong chiến tranh là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ NKT tại Đồng Nai cao. “Đồng Nai đã có nhiều hoạt động chăm sóc NKT, nhất là trong việc tạo công ăn việc làm. Tuy nhiên, địa phương vẫn còn cần có sự quan tâm nhiều hơn nữa để NKT thực sự được hòa nhập với cộng đồng” - TS.Khuất Thu Hồng nhận định.

Đồng chí Huỳnh Văn Tới, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy khẳng định, thời gian qua Đồng Nai rất quan tâm tới chính sách dành cho NKT. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX đã nêu rõ, phát triển kinh tế phải đảm bảo an sinh xã hội, trong đó có đối tượng NKT. “Sau khi tham gia chương trình hội thảo, tập huấn này, được ban tổ chức cung cấp kiến thức, kỹ năng và tài liệu, các học viên cần nghiên cứu và có thêm sáng kiến nhiều hơn nữa, sẵn sàng trở thành những báo cáo viên tại các phường, xã trong tỉnh để làm thay đổi nhận thức của xã hội, cộng động đối với NKT, để NKT thực sự hòa nhập cộng đồng như những người không bị khuyết tật” - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nhấn mạnh.

Trong chương trình, nhiều ý kiến cho rằng, xã hội vẫn còn có những cái nhìn chưa đúng, thậm chí là miệt thị đối với NKT. Bà Nguyễn Thị Ba (Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Đồng Nai) cho biết, nhiều trẻ em khuyết tật vẫn còn khả năng học tập nhưng chưa được tới trường. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hồng Lương, Phó ban Tuyên giáo, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh cho rằng: “Đối tượng NKT là phụ nữ và trẻ em gái luôn là những người thiệt thòi nhất. Họ rất cần sự giúp đỡ để không bị kỳ thị, phân biệt đối xử, đặc biệt là tình trạng xâm hại tình dục do NKT không có khả năng chống đỡ lại các nguy cơ này”.

* Làm thế nào để chống lại kỳ thị?

Theo TS.Khuất Thu Hồng, muốn đối phó với tình trạng phân biệt đối xử và kỳ thị với NKT thì phải làm thay đổi nhận thức của cộng đồng, làm cho cộng đồng có cái nhìn đúng hơn, thân thiện hơn đối với NKT. Cán bộ địa phương có vai trò rất quan trọng trong việc giúp đỡ, tạo điều kiện cho những NKT hòa nhập cộng đồng một cách công bằng như những người không bị khuyết tật. Để làm thay đổi nhận thức của cộng đồng đối với NKT không phải là việc có thể làm được ngay, mà cần có sự kiên trì, bền bỉ của người tham gia làm công tác tuyên truyền.

Theo TS.Nguyễn Mai Chung, Viện phó Viện Nghiên cứu dư luận xã hội, nhiều NKT rất cần vốn để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống và khẳng định bản thân hoàn toàn có khả năng tự nuôi sống mình. “Tuy nhiên, hiện chưa có quỹ dành cho NKT. Hơn nữa, nếu NKT muốn vay tiền của các tổ chức quỹ tín dụng hay các ngân hàng thì nhất định phải có tài sản thế chấp… Do đó, địa phương cần có chính sách quan tâm, tạo điều kiện để NKT được tiếp cận với các nguồn vốn phi lãi suất, hướng dẫn cách làm ăn phù hợp để NKT khẳng định chính mình” - TS. Chung cho biết.

Hiện Đồng Nai đang xúc tiến thủ tục thành lập Hội Người khuyết tật để tập hợp những NKT trong tỉnh lại với nhau, tổ chức nhiều hoạt động xã hội nhằm giúp đỡ và hỗ trợ cho NKT. Nhiều NKT của Đồng Nai đã có được việc làm trong các doanh nghiệp trong và ngoài nước như những người không bị khuyết tật, chế độ làm việc được ưu tiên hơn về thời gian. NKT chỉ phải làm việc 6 tiếng mỗi ngày mà vẫn được hưởng lương bằng người bình thường.

Theo bà Hoàng Ngọc Điệp, Trưởng phòng Gia đình (Sở Văn hóa - thể thao và du lịch), hiện nay đội ngũ làm công tác chăm sóc NKT tại các địa phương vẫn chưa có, do đó cần tăng cường công tác tạo nguồn, bồi dưỡng nghiệp vụ thường xuyên cho đội ngũ này. Bà Điệp đề xuất: “Làm sao cho cán bộ địa phương không chỉ có kỹ năng tiếp xúc với NKT mà còn phải góp phần làm thay đổi nhận thức của cộng đồng xung quanh NKT, chăm sóc NKT bằng cả cái tâm và cái tình”. Trong khi đó, bà Hoàng Thị Xuân, Ban Tuyên giáo Huyện ủy Trảng Bom đề xuất ý kiến, ngành giáo dục - đào tạo cần tăng cường giáo dục đạo đức cho học sinh ngay từ khi cắp sách đến trường về hành vi ứng xử, giúp đỡ, chống phân biệt và kỳ thị đối với NKT.

Công Nghĩa


 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều