Báo Đồng Nai điện tử
En

Chăm sóc sức khỏe tâm thần

08:10, 11/10/2011

Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên thế giới cứ 4 người thì 1 người có một hay nhiều rối loạn tâm thần, hoặc hành vi trong suốt cuộc đời. Hiện thế giới có khoảng 450 triệu người có các rối loạn tâm thần, trong đó 120 triệu bệnh nhân trầm cảm, 50 triệu bệnh nhân động kinh, 40 triệu bệnh nhân tâm thần phân liệt…

Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên thế giới cứ 4 người thì 1 người có một hay nhiều rối loạn tâm thần, hoặc hành vi trong suốt cuộc đời. Hiện thế giới có khoảng 450 triệu người có các rối loạn tâm thần, trong đó 120 triệu bệnh nhân trầm cảm, 50 triệu bệnh nhân động kinh, 40 triệu bệnh nhân tâm thần phân liệt…

Ở nước ta, với sự phát triển của nền kinh tế thị trường và sự phát triển nhanh của tiến bộ kỹ thuật đã tác động mạnh mẽ đến sức khỏe tâm thần. Chỉ tính riêng 10 bệnh tâm thần thường gặp, là: tâm thần phân liệt, trầm cảm, động kinh, rối loạn lo âu, sa sút trí tuệ ở người già, loạn tâm thần sau chấn thương sọ não, chậm phát triển tâm thần, rối loạn hành vi ở thanh thiếu niên, rối loạn tâm thần do rượu, ma túy thì có khoảng 15% dân số, tương đương với khoảng 13 triệu người.

* Xã hội còn ít quan tâm đến người bị các rối loạn tâm thần

Gần đây, một số nghiên cứu có quy mô nhỏ hơn cho thấy tỷ lệ các rối loạn tâm thần khoảng 20-30%. Hiện sức khỏe tâm thần được WHO xếp thứ 4 trong các vấn đề sức khỏe. Dự kiến đến năm 2020, sức khỏe tâm thần sẽ được xếp hạng thứ 2 sau các bệnh về tim mạch. Nguyên nhân theo WHO là do những yếu tố: điều kiện cuộc sống (nghèo khổ kéo dài), thiếu điều kiện giáo dục, ăn ở, triển vọng công ăn việc làm; công việc quá tải; các thay đổi nhanh chóng về kinh tế - xã hội, xung đột chính trị; và ảnh hưởng của thiên nhiên, đặc biệt là sau các thảm họa.

Các bệnh nhân tâm thần ở Bệnh viện tâm thần Trung ương 2.
Các bệnh nhân tâm thần ở Bệnh viện tâm thần Trung ương 2.

Sức khỏe tâm thần được xem như gánh nặng không xác định và giấu mặt, bởi nó gây tổn thất về kinh tế và xã hội với gia đình, cộng đồng và đất nước. Gần đây chúng ta thường xem trên phương tiện thông tin có những bệnh nhân tâm thần gây án khá nhiều cho gia đình, cộng đồng. Bệnh nhân có rối loạn tâm thần sẽ ảnh hưởng đến hiệu suất công việc. Với những rối loạn tâm thần nặng như tâm thần phân liệt thì hầu như người bệnh chỉ có thể làm được những việc giản đơn. Ngoài ra, những bệnh nhân rối loạn tâm thần tùy mức độ còn gây tốn kém khá nhiều cho gia đình và xã hội.

Thêm nữa, bệnh nhân rối loạn tâm thần ít được quan tâm, thậm chí còn bị miệt thị với các từ như điên, tâm thần... Theo WHO thì tại nhiều cộng đồng, bệnh tâm thần không được coi là một bệnh lý tâm thần mà được xem như là một khiếm khuyết trong tính cách.

* Nỗ lực trong chăm sóc sức khỏe tâm thần

Nước ta đã có những nỗ lực đáng kể trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần. Với chương trình mục tiêu quốc gia về sức khỏe tâm thần, tập trung xây dựng  mô hình chăm sóc sức khỏe dựa vào cộng đồng đã bao phủ 63 tỉnh, thành với gần 7.700 xã, phường (đạt 49% ) đã lồng ghép chăm sóc sức khỏe tâm thần vào chăm sóc sức khỏe ban đầu. Mạng lưới chăm sóc sức khỏe tâm thần trong cả nước với 33 bệnh viện chuyên khoa tâm thần (trong đó có 2 bệnh viện chuyên khoa khu vực), hàng chục khoa tâm thần trong các bệnh viện đa khoa,trung tâm phòng chống bệnh xã hội...

Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sức khỏe là một trạng thái thoải mái hoàn toàn về thể chất, tâm thần và xã hội. Ba thành phần đó quan hệ mật thiết và luôn tác động qua lại với nhau. Bị một bệnh cơ thể nặng, kéo dài thường có các rối loạn tâm thần kèm theo (như lo âu, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ…), ngược lại trong các rối loạn tâm thần đều có các rối loạn cơ thể.

Để bệnh nhân không còn là gánh nặng cho mỗi gia đình và toàn xã hội, dự án bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng cần tiếp tục triển khai ở các xã, phường còn lại nhằm phát hiện, quản lý và chăm sóc số bệnh nhân chưa được đưa vào quản lý, quản lý tốt số bệnh nhân cũ, lồng ghép hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần vào các chương trình mục tiêu quốc gia khác. Thường xuyên mở các lớp đào tạo, tập huấn kiến thức tâm thần và chương trình tâm thần cộng đồng cấp quốc gia ở các trạm y tế phường, xã. Nhiều khóa huấn luyện chuyên môn từ 3-6 tháng được mở dành cho các y, bác sĩ tuyến cơ sở, các cơ sở y tế có nhu cầu. Tăng cường sử dụng thuốc chống loạn thần thế hệ mới với nhiều ưu việt hơn so với thuốc chống loạn thần thế hệ cũ (hiện ước tính có khoảng 38% số bệnh nhân rối loạn tâm thần được xử dụng thuốc chống loạn thần thế hệ mới). Cần đặc biệt lưu ý đào tạo nguồn nhân lực nhằm khắc phục tình trạng thiếu trầm trọng (ước tính khoảng 900 bác sĩ chuyên khoa tâm thần).

Trong công tác bảo vệ sức khỏe tâm thần, cần quan tâm nhiều hơn đến hoạt động giáo dục truyền thông về sức khỏe tâm thần, tránh tư tưởng phân biệt đối xử, coi thường và miệt thị người bệnh. Cần định hướng cụ thể là 100%  tỉnh, thành phố có bệnh viện chuyên khoa tâm thần. Việc xây dựng bệnh viện tâm thần cần dựa vào quy mô dân số, địa lý và quy hoạch rõ ràng. Với các tỉnh đồng bằng dưới 1 triệu dân cần có 1 bệnh viện chuyên khoa tâm thần có quy mô từ 70-150 giường, những tỉnh trên 3 triệu dân cần có bệnh viện quy mô 150-300 giường. Các tỉnh miền núi có dân số dưới 1 triệu dân cần xây 1 bệnh viện từ 50-100 giường, và trên 1 triệu dân thì từ 100-150 giường bệnh. Chúng ta cũng cần xây dựng luật hoặc pháp lệnh về sức khỏe tâm thần.

Bên cạnh các nỗ lực của ngành y tế  cũng cần sự quan tâm nhiều hơn nữa của Nhà nước, Bộ Y tế và các tổ chức có liên quan thì công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần của nhân dân chắc chắn sẽ có những tiến bộ trong công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần của mỗi cá nhân và của toàn xã hội.

BS.CK2. Nguyễn Văn Cầu


 

 

 

 

Tin xem nhiều