Báo Đồng Nai điện tử
En

Xây dựng ngân hàng tên đường, công trình công cộng

08:06, 03/06/2023

Để tạo sự thống nhất, khoa học, làm cơ sở lưu trữ lâu dài, nhiều địa phương trong tỉnh đã xây dựng các đề án, ngân hàng tên đường và công trình công cộng.

Để tạo sự thống nhất, khoa học, làm cơ sở lưu trữ lâu dài, nhiều địa phương trong tỉnh đã xây dựng các đề án, ngân hàng tên đường và công trình công cộng.

Tuyến đường Nguyễn Ái Quốc giao với đường Nguyễn Văn Trỗi (TP.Biên Hòa) có lắp đặt bảng tóm tắt nội dung dưới tên đường. Ảnh: L.NA
Tuyến đường Nguyễn Ái Quốc giao với đường Nguyễn Văn Trỗi (TP.Biên Hòa) có lắp đặt bảng tóm tắt nội dung dưới tên đường. Ảnh: L.NA

Đây không chỉ là cơ sở dữ liệu khoa học giúp các huyện, thành phố thuận tiện hơn khi đặt, đổi tên đường và công trình công cộng mà còn góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, phát triển du lịch ở địa phương.

* Từ đề án đặt, đổi tên đường ở địa phương

Xuất phát từ thực trạng, nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay, TP.Long Khánh, H.Thống Nhất, H.Cẩm Mỹ đã xây dựng đề án đặt, đổi tên đường và công trình công cộng trên địa bàn. Trong đó, danh mục tên đường và các công trình công cộng tại các địa phương được chia làm 5 nhóm: Danh nhân thời phong kiến (đặt cho 88 tên đường và các công trình công cộng); nhà yêu nước, thủ lĩnh kháng Pháp (20); danh nhân cách mạng Việt Nam (98); danh nhân, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Đồng Nai (67); địa danh, sự kiện lịch sử (24).

Phó chủ tịch UBND P.Long Khánh Tăng Quốc Lập cho biết, đề án đặt tên đường và công trình công cộng trên địa bàn thành phố (giai đoạn 2) đã được địa phương triển khai lấy ý kiến hội đồng tư vấn, các ban, ngành, đoàn thể, các phường, xã, ấp, khu phố. Trên cơ sở đó, TP.Long Khánh đề xuất đặt tên mới cho nhiều tuyến đường, cầu đường bộ, công viên...

Để có cơ sở tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt danh mục tên đường và công trình công cộng, Sở VH-TTDL đã xây dựng dự thảo ngân hàng dữ liệu để đặt, đổi tên đường và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh. Dự thảo danh mục có 449 tên đường và công trình công cộng với 4 nhóm: Danh nhân Việt Nam; danh nhân, anh hùng lực lượng vũ trang Đồng Nai; sự kiện lịch sử; địa danh truyền thống, lâu đời của địa phương.

“Bên cạnh đặt tên mới, TP.Long Khánh cũng đề xuất thay đổi hiện trạng 2 tuyến đường Lê A (nối dài đường Lê A cũ đến giáp cầu ấp 3, xã Bình Lộc, tăng chiều dài thành 3.800m) và Điểu Xiển (nối dài đường Điểu Xiển cũ đến ấp Bàu Trâm, tăng chiều dài thành 1.429m). Đổi tên tuyến đường Hồng Thập Tự thành đường Võ Chí Công và đường Khổng Tử thành đường Võ Nguyên Giáp. Việc đề xuất thay đổi này được các tầng lớp nhân dân đồng tình” - ông Lập nói.

Tại TT.Dầu Giây (H.Thống Nhất), ngoài đặt tên mới cho các tuyến đường khu vực trung tâm hành chính của huyện, các trục đường chính ở thị trấn và tuyến đường ở các khu phố như: Lập Thành, Trần Hưng Đạo, Phan Bội Châu, Trần Cao Vân, địa phương còn đề xuất đặt tên các công trình công cộng. Trong đó có công viên Độc Lập (công viên giữa trung tâm hành chính huyện) và cầu Dầu Giây (cầu vượt ngã ba Dầu Giây, nằm trên trục quốc lộ 1).

Riêng TT.Long Giao (H.Cẩm Mỹ) đề xuất đặt tên mới cho các tuyến đường khu trung tâm hành chính của thị trấn.

Theo Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Đồng Nai, các đề án đặt tên đường, công trình công cộng của TP.Long Khánh, TT.Dầu Giây và TT.Long Giao đã lưu ý cụ thể đến không gian, đặc điểm địa phương gắn với lịch sử chung của dân tộc. Việc gắn biển tên đường khi triển khai gắn liền với việc gắn biển số nhà, có tác động đến việc thay đổi về hành chính đối với các loại văn bản, giấy tờ có liên quan đến nhân thân, hộ gia đình, đơn vị. Do vậy, khi thực hiện cần có kế hoạch, làm theo kiểu “cuốn chiếu” từng phường, xã hoặc khu vực để ít gây xáo trộn trong quản lý hành chính.

* Đến mở rộng ngân hàng tên đường

Phó giám đốc Sở VH-TTDL Nguyễn Hồng Ân cho hay, sau khi hoàn thiện dự thảo nghị quyết đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng tại các địa phương trình HĐND tỉnh thông qua, trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục rà soát, tham mưu cho UBND tỉnh mở rộng ngân hàng tên đường, công trình công cộng. Căn cứ theo các quy định để hoàn chỉnh dự thảo quyết định và danh mục tên đường, công trình công cộng để đặt, đổi tên đường và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh.

Nhà báo Đỗ Trung Tiến, nguyên Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo tỉnh cho biết, sau khi nghe thông tin Đồng Nai có chủ trương xây dựng danh mục tên đường và công trình công cộng để đặt, đổi tên đường trên địa bàn tỉnh, ông đã có đề xuất bổ sung tên đường mới vào danh mục. Trong đó, cần bổ sung tên đường Hà Nam (do tỉnh Đồng Nai kết nghĩa với tỉnh Hà Nam Ninh, nay là các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình và Nam Định) từ những năm 1960. Ở Hà Nam hiện có 1 ngôi trường và 2 con đường mang tên Biên Hòa.

“Việc bổ sung tên đường Hà Nam trong danh mục tên đường và đặt tên mới Hà Nam cho tuyến đường ở TP.Biên Hòa không chỉ ghi nhớ công ơn của các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trên mảnh đất Biên Hòa - Đồng Nai mà còn tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Qua đó, giáo dục truyền thống cho mọi người, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân” - nhà báo Đỗ Trung Tiến bộc bạch.

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Văn Quyết, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản tỉnh Đồng Nai cho biết, việc đặt tên đường là truyền thống vốn có của dân tộc. Đồng Nai xây dựng danh mục tên đường là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, việc đặt tên đường không phải đặt mãi mãi mà nó có sự biến đổi theo thời gian, qua lịch sử, văn hóa. Bên cạnh đó, khi lắp đặt tên đường mới, cần thiết phải gắn bảng chú thích, tóm tắt nội dung, tiểu sử…

Ly Na

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích