Bước đầu nghiên cứu khảo cổ học Thành Biên Hòa đã khám phá được ba khối nguồn liệu liên quan trực tiếp đến đời sống cư dân cổ chính “trên mảnh đất này”, dàn trải trong khung niên biểu khá lớn từ thời kỳ truyền thống văn hóa Óc Eo ở Biên Hòa và Đông Nam bộ hiện hữu thịnh đạt nhất (thế kỷ VI-VII AD) cho đến các thời kỳ hậu Óc Eo, Trung và Cận đại.
Bước đầu nghiên cứu khảo cổ học Thành Biên Hòa đã khám phá được ba khối nguồn liệu liên quan trực tiếp đến đời sống cư dân cổ chính “trên mảnh đất này”, dàn trải trong khung niên biểu khá lớn từ thời kỳ truyền thống văn hóa Óc Eo ở Biên Hòa và Đông Nam bộ hiện hữu thịnh đạt nhất (thế kỷ VI-VII AD) cho đến các thời kỳ hậu Óc Eo, Trung và Cận đại.
* Thành cổ Biên Hòa qua các nguồn tài liệu
Di tích lịch sử cấp tỉnh Thành cổ Biên Hòa (tên gọi khác Thành Cựu, Thành Kèn, Thành Soldat...) hiện còn lại các kiến trúc dương phần như tường bao, lô cốt, dinh thự... một phần mang dáng dấp cấu trúc thành Vauban gần vuông thời Pháp thuộc tính từ năm 1861; quy mô tòa thành hiện nay (khoảng gần 1,1 hecta = 10.816,5m²) chỉ còn khoảng 1/7-1/8 công trình cổ thành thời Nguyễn. Theo nhiều nguồn tài liệu, “Tỉnh thành này ở địa phận thôn Tân Lân, huyện Phước Chánh. Khi đầu bản triều dựng đặt ở thôn Phước Lư, năm Gia Long 15 (1816) dời qua chỗ này. Năm Minh Mạng 15 (1834), đắp thành đất, năm 18 (1837) xây lại bằng đá ong” (Quốc sử quán, Đại Nam Nhất Thống Chí, tỉnh Biên Hòa, Lục tỉnh Nam kỳ).
Sinh viên Khoa Lịch sử Trường Đại học Đà Lạt tham gia mở hố thám sát và nghiên cứu di tồn văn hóa cổ tại Thành Biên Hòa. Ảnh: H.ÂN |
Tháng 6-1834, quan Khâm sai Đoàn Văn Phú chọn 1.000 dân trong hạt đắp thành bằng đất, với bốn mặt thành đều dài 70 trượng, cao 4 thước, 3 tấc, dày 1 trượng; mở 4 cửa, có hào rộng 2 trượng, sâu 6 thước. Tháng 1-1838, Vệ úy Vệ tả bảo nhi Nguyễn Văn Của và Thư phó Vệ úy Tiền Doanh Long Võ Phan Văn Lăng, Vệ úy Tả thủy Gia Định Lê Văn Tư, Vệ úy Bình Thuận Tôn Thất Mậu chỉ đạo 4.000 binh dân đắp thành bằng đá ong, chu vi dài 388 trượng, cao 8 thước, 5 tấc, dày 1 trượng, hào rộng 4 trượng, sâu 6 thước, có 1 kỳ đài, 4 cửa và cầu đá qua hào.
Theo cách quy đổi hệ mét của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu (1 trượng = 4,24m; 1 thước = 0,424m), thì Thành cổ Biên Hòa đời Minh Mạng chu vi tới 1.645,12m, tường thành cao 3,604m, dày tới 4,24m, hào rộng 16,96m, sâu 2,544m, với diện tích khuôn viên bốn tường bao tới gần 17 hecta (411,28m x 411,28m = 169.151,2384m²) và diện tích Thành Biên Hòa tính cả hào nước xung quanh tới hơn 18 hecta (428,24m x 428,24m = 183.389,4976m²).
* Những phát hiện mới về thành cổ Biên Hòa
Khảo sát khảo cổ nhằm nghiên cứu, cung cấp các dữ liệu góp phần xác định phạm vi dấu tích của Thành Biên Hòa xưa với những di sản văn hóa còn tiềm ẩn trong lòng đất, qua đó đề ra những giải pháp cụ thể về bảo vệ và phát huy giá trị của di tích này. Trong tháng 2-2012, Đoàn thăm dò khảo cổ đã mở 14 hố thám sát (10 hố trong khu vực dự án Sonpart và 4 hố trong nội Thành). Tất cả các hố thám sát phải đạt độ sâu ±2m (độ sâu địa tầng đảm bảo phát giác đầy đủ tầng văn hóa nguyên thủy nhất ở Biên Hòa nếu có; bởi theo kinh nghiệm điền dã hàng chục năm của chúng tôi ở Đồng Nai, các trầm tích xưa nhất hiện biết ở Biên Hòa và vùng ven chỉ phát lộ ở độ sâu trung bình từ 50-160cm; ví như Bình Đa = 140-160cm, Gò Me = 50-60cm, Cái Vạn = 50-60cm, Gò Dưa = 80-90cm, Bưng Bạc = 90-100cm, Cầu Sắt = 70-75cm, Đồi Mít = 120-140cm…).
Mảnh ngói móc hình Phật - đặc trưng văn hóa Óc Eo ở Nam Bộ được phát hiện tại Thành cổ Biên Hòa. |
Lớp văn hóa ghi nhận được ở đây có độ dày từ 0,9m tới 1,4m, hiện vật đa số thu được là đồ gốm, sành dân dụng và một số hiện vật khác như mảnh ngói, vòng đồng… Các nền móng kiến trúc được phát lộ có liên quan trực tiếp tới di tích Thành Biên Hòa giai đoạn Pháp sử dụng như móng gạch đá ong, gạch vồ, gạch thẻ, đá, đường ống nước bằng sắt... Bước đầu nghiên cứu khảo cổ học Thành Biên Hòa đã khám phá được ba khối nguồn liệu liên quan trực tiếp đến đời sống cư dân cổ chính “trên mảnh đất này”, dàn trải trong khung niên biểu khá lớn từ thời kỳ truyền thống văn hóa Óc Eo ở Biên Hòa và Đông Nam bộ hiện hữu thịnh đạt nhất (thế kỷ VI-VII AD) cho đến các thời kỳ hậu Óc Eo, Trung và Cận đại. Đợt thăm dò khảo cổ học Thành Biên Hòa đã đạt được yêu cầu khoa học quan trọng nhất đó là thu thập toàn bộ dữ liệu khảo cổ học quan trọng liên hệ đến di tích lịch sử - văn hóa - kiến trúc quân sự này.
Khối di tồn vật thể thứ nhất ở đây chính là các dấu vết cư trú thời Cổ sử thuộc truyền thống văn hóa Óc Eo - hậu Óc Eo với những mảnh ngói móc mang hình Phật, các mảnh hỏa lò “kiểu cà ràng” và các sưu tập gốm mịn trắng cùng các loại hình gốm dân dụng tiêu biểu của thời này mà bước đầu theo nhận đoán của chúng tôi thuộc thời phát triển của truyền thống văn hóa Óc Eo (từ thế kỷ VI-VII AD trở đi) trên đất Biên Hòa xưa. Phát hiện này đã củng cố thêm về sự hiện diện của các chứng tích vốn có ở chính Thành cổ Biên Hòa và vùng ven từ nhiều năm trước.
Khối di tồn vật thể thứ hai chính là các sưu tập mảnh thuộc đồ sành các loại; chủ yếu là đồ gia dụng từ nhiều nguồn lò Việt vùng Biên Hòa và cả ở miền Nam Trung bộ (Việt Nam), có cả gốm Gò Sành và gốm Champa, có cả gốm Khmer…; cùng các sưu tập lớn hơn của nhiều đồ gốm tráng men từ đồ dân dụng đến đồ kiểu, chủ yếu gốm hoa lam các lò gốm tỉnh ở miền Nam Trung Quốc (khối lượng mảnh lớn tới vài ngàn đồ sứ cần nhiều thời gian chỉnh lý và đối sánh hơn). Những tư liệu khảo cổ học này chứng thực quá trình tụ cư sinh sống của làng xưa Tân Lân thời Trung và Cận đại hiển nhiên cũng từ trước khi định cả cương vực này thành tỉnh.
Xử lý di vật gốm, sành tại Hố thám sát 5. |
Khối di tồn vật thể thứ ba được chúng tôi ghi nhận liên quan trực tiếp đến các đường móng nhà bằng đá ong, các sàn bê tông và căn hầm dưới lô cốt của Thành cổ Biên Hòa xuất lộ trong các hố đào ở nội thành hiện tại. Những nhận thức chân xác hơn về tuổi của các móng kiến trúc này và công năng căn hầm dưới lô cốt Thành Biên Hòa cần kiểm chứng thêm ở các chương trình tôn tạo di tích. Trước mắt, toàn bộ hiện vật ở các phân lớp địa tầng trên cùng di tích Thành Biên Hòa và vùng ven có thể liên quan đến công trình phòng thủ này (gạch kiến trúc bằng đá ong, gạch đinh nung đặc, nguyên liệu ngói lợp, gốm - sành - sứ cận, hiện đại, các vật dụng sinh hoạt các thời như đồ sứ trắng cao cấp châu Âu, vỏ chai rượu Tây, các đồ quân dụng sản xuất từ Pháp và Mỹ, đầu đạn các loại…)
Di tích “làng cổ Tân Lân dưới chân Thành Biên Hòa” vừa được khám phá, đào thám sát hệ thống lớn theo các trầm tích cư trú dày đặc và liên tục nhiều thế kỷ chính là “Di chỉ khảo cổ học Lịch sử” có khả năng cung ứng cho chúng ta nhiều tài liệu “phục sử” quý báu ở chính Biên Hòa nói riêng và cả Nam bộ nói chung. Bởi vì, “Khảo cổ học lịch sử phải lấy việc khôi phục toàn diện đời sống của cư dân trên các miền đất nước trong lịch sử làm mục tiêu. Đặc biệt, phải chú trọng những mặt mà nguồn sử liệu viết không thể giúp chúng ta được… Không thể chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu các đình chùa đền tháp trên mặt đất hay dưới đất, cần khai quật phân tích các loại hình mộ khác nhau mà chúng ta đều biết rằng thế giới người chết phản ánh thế giới người sống. Nhưng quan trọng hơn - mà điều này từ trước chúng ta chưa làm được - là phải khai quật các di chỉ cư trú thời kỳ lịch sử. Chỉ có khai quật các di chỉ cư trú chúng ta mới nhận thức được một cách toàn diện đời sống dân cư qua các thời kỳ lịch sử” (Hà Văn Tấn, 1991).
Nguyễn Hồng Ân