Báo Đồng Nai điện tử
En

Triển lãm chuyên đề gốm nhân dịp kỷ niệm Biên Hòa – Đồng Nai 310 năm: Gốm cũ, hồn xưa...

11:10, 27/10/2008

Sáng nay 28-10, Bảo tàng Đồng Nai khai mạc triển lãm chuyên đề gốm Biên Hòa (1903-1975). Những hiện vật được trưng bày như nhắc người xem nhớ về những giai đoạn "vàng son một thuở" của nghề gốm Biên Hòa...

Sáng nay 28-10, Bảo tàng Đồng Nai khai mạc triển lãm chuyên đề gốm Biên Hòa (1903-1975). Những hiện vật được trưng bày như nhắc người xem nhớ về những giai đoạn "vàng son một thuở" của nghề gốm Biên Hòa...

 

* Một thời được vinh danh

 

Ông Trần Quang Toại, Giám đốc Bảo tàng Đồng Nai cho biết, sở dĩ cuộc triển lãm chọn mốc từ năm 1903, vì đây là thời điểm ra đời Trường mỹ nghệ thực hành Biên Hòa (nay là Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai) - ngôi trường đầu tiên dạy các nghề tiểu thủ công nghệ, trong đó có nghề gốm. Chính nhờ những đóng góp của ngôi trường này như cải tiến cách sử dụng men, chất liệu đất, cách nung gốm, các kỹ thuật khắc vạch, khoét thủng, chạm lộng, vẽ bằng men nhiều màu, các kiểu hoa văn trang trí... mà gốm Biên Hòa đã một thời được vinh danh, đoạt nhiều giải thưởng, huy chương, bằng khen tại các hội chợ triển lãm trong nước. Và đỉnh cao là gốm Biên Hòa đã đoạt các huy chương vàng trong những cuộc đấu xảo tại Pháp. Đây là niềm tự hào và là cái nôi góp phần lan tỏa gốm Biên Hòa.

 

Để có được 160 sản phẩm gốm truyền thống trưng bày trong cuộc triển lãm này là nhờ công rất lớn của 13 nhà sưu tập thuộc Câu lạc bộ cổ vật Nam bộ tại TP. Hồ Chí Minh.

Những hiện vật được chọn trưng bày trong triển lãm đều là hiện vật gốc, tạm xếp vào 3 dòng: đồ thờ cúng, dụng cụ sinh hoạt và đồ trang trí. Nhưng dù thuộc thể loại nào, các sản phẩm gốm ở đây đều toát ra nét riêng, rất đặc trưng, tiêu biểu và đầy tính thẩm mỹ. Thuộc nhóm dụng cụ sinh hoạt, có thể nhìn thấy những chiếc đĩa gốm men lam vẽ hình mô tả cảnh sinh hoạt vừa đơn sơ mà lại rất sinh động, bộ chén tay sen sắp hình cánh hoa hay đĩa chén tay sen mang màu men xanh đồng trổ bông đặc biệt của riêng dòng gốm Biên Hòa. Sự sáng tạo của nghệ nhân càng phong phú, độc đáo hơn với chiếc bầu đèn được chạm lộng vô cùng tinh xảo, chiếc bình vôi có quai xách là thân con rồng cuộn khúc, bình hoa có hai quai đầu rồng, chiếc bình cổ cao mặt bợm, chiếc nhạo rượu có hình dáng của chú gà... Ở thể loại đồ trang trí, những bức phù điêu mô tả cảnh chọi gà, Lê Lợi khởi nghĩa, vua Quang Trung, Trưng Vương khải hoàn khiến người xem không thể rời mắt bởi sự công phu, tỉ mỉ lẫn nét thẩm mỹ của chúng. Nhưng bắt mắt nhất có lẽ vẫn là các tượng gốm, như tượng Avaloketvara, tượng Thái Thượng lão quân, tượng đào giỏ dâu, mà nét tài hoa của người thợ thể hiện trên từng nếp áo, dải lụa, chòm râu, nét mặt..., tạo cho tượng vừa có vẻ tôn nghiêm thoát tục mà cũng rất gần gũi, phóng khoáng. 

 Ông Phạm Minh Quang, Phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch cho rằng, bộ sưu tập các sản phẩm gốm Biên Hòa được trưng bày thể hiện rõ nét sinh hoạt của cư dân nông nghiệp Đồng Nai thuở ấy. Độc đáo hơn, với chất liệu men, kiểu trang trí đặc thù, gốm Biên Hòa đã tạo ra một phong cách riêng không lẫn với các dòng gốm khác trong thời ấy. Như các bức tượng gốm hình cô gái, là vẻ mặt chất phác của thiếu nữ Nam bộ, nhưng là kiểu khuôn mặt và dáng vẻ rất đặc trưng của cô gái vùng nửa nông thôn, nửa thành thị của Đồng Nai.

 

* Hiểu hơn về nghệ nhân và dòng gốm Biên Hòa 

 

 Ông Nguyễn Anh Kiệt, thành viên câu lạc bộ cổ vật Nam bộ tại TP.Hồ Chí Minh là người đam mê sưu tập về gốm, đặc biệt là gốm Biên Hòa, cho biết ông mê dòng gốm này vì màu men xanh đồng trổ bông độc đáo. Bên cạnh đó, kỹ thuật trang trí hoa văn, họa tiết của dòng gốm này cũng rất đẹp, là sự dung hợp của nhiều dòng gốm từ bản địa đến phương Tây, lạ mà vô cùng  mỹ thuật, tiêu biểu là các bức phù điêu do thầy Lê Văn Mậu thực hiện. Để có được những hiện vật gốm này, ông Kiệt và các thành viên trong câu lạc bộ phải rất vất vả vì những sản phẩm gốm đúng gốc như thế hiện nay trên thị trường không có nhiều, mà những người được sở hữu chúng thì hầu như không ai muốn bán. Ông Kiệt khẳng định thêm: "Nếu đúng là gốm do các giáo viên - nghệ nhân của Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí chế tác thì một miếng miểng cũng quý!".

 

Ngoài ra, triển lãm còn trưng bày khoảng 40 tấm ảnh và một số văn bản mang tính lịch sử về trường mỹ nghệ 105 năm tuổi, như ảnh ông bà hiệu trưởng Balick - người có công tìm ra màu men xanh đồng trổ bông nổi tiếng với tập thể giáo viên trường; phòng học của trường mỹ nghệ thời kỳ đầu; các lớp dạy xoay gốm, chấm men, in khôn, chạm khắc gốm; ảnh một số giáo viên, nghệ nhân tiêu biểu của trường như thầy Đặng Văn Quới, Bạch Văn Trinh, Nguyễn Văn Hai; các quyết định bổ nhiệm giáo viên, hiệu trưởng, bằng khen... Đa số hiện vật này thuộc về công sưu tầm của Nguyễn Minh Anh, một cựu sinh viên khoa gốm của trường, người có  có lòng đam mê mãnh liệt với lịch sử của trường mình.

 

Theo ông Trần Quang Toại, vẫn còn một số sản phẩm gốm Biên Hòa xưa rất nổi tiếng nhưng không thể đưa về trưng bày trong cuộc triển lãm này, như bức tượng Đức Mẹ ở Nhà thờ Đức Bà (TP. Hồ Chí Minh), các tượng gốm đang được bảo quản ở Dinh Thống Nhất (TP.Hồ Chí Minh). Một số công trình gốm cũng không thể đưa vào trưng bày, nhưng người dân vẫn có thể chiêm ngưỡng như: gốm trang trí tại Đài Kỷ niệm (gần Bảo tàng Đồng Nai), tượng gốm cá hóa long ở Công trường Sông Phố (trước trụ sở khối nhà nước tỉnh), trải qua hàng chục năm vẫn còn nguyên vẹn, chứng tỏ được sức bền của gốm Biên Hòa trước những tác động của thời gian.

Xem và hiểu về gốm Biên Hòa qua triển lãm chuyên đề lần này, mọi người có thể cảm nhận được người thợ gốm Biên Hòa đã tài hoa và dòng gốm Biên Hòa đã một thời lừng lẫy như thế nào..

Thanh Thúy

 

 

Tin xem nhiều