Báo Đồng Nai điện tử
En

"Má" Mai... ok!

10:10, 10/10/2008

Chúng tôi theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, 50 tuổi, đồng đẳng viên phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS của xã An Hòa (huyện Long Thành) đến bãi gắp kim bẩn vào một ngày đầu tháng 10. Cơn mưa chiều hôm trước khiến nghĩa trang An Hòa lầy lội nhưng bà Mai vẫn băng băng đi đến từng lùm cây, bụi cỏ nhặt bơm kim tiêm bị đối tượng vứt bỏ.

Chúng tôi theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, 50 tuổi, đồng đẳng viên phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS của xã An Hòa (huyện Long Thành) đến bãi gắp kim bẩn vào một ngày đầu tháng 10. Cơn mưa chiều hôm trước khiến nghĩa trang An Hòa lầy lội nhưng bà Mai vẫn băng băng đi đến từng lùm cây, bụi cỏ nhặt bơm kim tiêm bị đối tượng vứt bỏ.

 

"Má" Mai nhận "hàng" từ Trạm y tế xã.
 

 

 

Cứ hai ngày một lần, bà lại xách dụng cụ gắp để vào khu nghĩa trang và 5 khu vực khác để nhặt kim bẩn, đồng thời tiếp thêm bơm kim tiêm mới, nước cất và bao cao su cho những đối tượng nghiện ma túy với hy vọng tránh được tình trạng dùng chung kim tiêm.

 

Các đồng đẳng viên thường là người trong giới tiêm chích, mại dâm... Còn "má" Mai ok (những đối tượng tiêm chích ma túy và gái mại dâm vẫn thường gọi bà Mai bằng cái tên đặc biệt ấy) đến với chương trình từ tấm lòng của một người mẹ. Bà cho biết từ năm 2005, thấy trong địa phương có một số thanh thiếu niên bằng tuổi con mình sớm sa vào con đường nghiện ngập, tiêm chích ma túy, làm gái mại dâm rồi cuối cùng chết vì AIDS..., bà thấy rất thương cảm. Năm 2006, khi Dự án can thiệp lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng triển khai về xã, bà đã tình nguyện tham gia vào đội đồng đẳng.

 

Để tiếp cận được với những đối tượng nhạy cảm này, cứ khoảng 9-10 giờ đêm bà lại lân la đến những quán cà phê, những điểm đông thanh thiếu niên tụ tập... giả vờ tìm con mình. Thời gian đầu thật gian nan khi những đối tượng nghiện ma túy và gái mại dâm thường lảng tránh vì sợ bà "chỉ điểm" cho công  an đến thu gom họ. Nhưng qua trò chuyện, bà Mai đã khơi dậy tình cảm gia đình với những đối tượng này, nói về mối nguy HIV/AIDS rình rập nếu "mấy đứa" cứ lấn sâu vào con đường nghiện ngập, mại dâm. Như mưa dầm thấm lâu, những lời chân thành của "má" Mai khiến các đối tượng bảo nhau đến gặp "má" để nhận những gói bao cao su, bơm kim tiêm sạch...

 

Hai người con của bà Mai lấy làm lạ vì  mẹ mình cứ tối đến lại ăn mặc đẹp và đến các quán đèn mờ (!?). Thoạt đầu, khi được giải thích, gia đình không đồng ý cho bà tham gia việc này vì quá nguy hiểm và... tai tiếng. Nhưng khi thấy việc làm của mẹ là cần thiết để giúp những đối tượng xã hội phòng tránh được căn bệnh thế kỷ, hai con của bà đã ủng hộ và tiếp sức cho mẹ ít tiền xăng để chạy tới lui. Có khi chính các con đích thân chở bà đi phát bơm kim tiêm và bao cao su tại các điểm trao đổi.

3 năm qua, bà Mai đã góp phần rất lớn trong việc giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV/AIDS của xã. Trong số gần 90 đối tượng nghiện ma túy và 64 đối tượng mại dâm trên địa bàn, có khoảng 48 đối tượng nhiễm HIV/AIDS, nhưng phần lớn là người nhiễm trước năm 2006. Số nhiễm mới hầu như rất ít vì được "má" Mai ok cung cấp đầy đủ bơm tiêm, bao cao su và những kiến thức phòng tránh HIV/AIDS cùng các bệnh xã hội. Trong đó, có không ít gái mại dâm qua khuyên bảo của "má" Mai đã bỏ nghề, tìm việc làm khác và sống lương thiện.

 

Điều đáng nói là bà Mai đã xây dựng cho mình được 5 điểm "hợp tác" trao đổi kim, bao cao su sạch tại các quán cà phê trên địa bàn. Bà Mai chở chúng tôi vào một quán cà phê không tên trên quốc lộ 51. Qua câu chuyện giữa "má" Mai và mấy cô tiếp viên, chúng tôi thấy giữa họ rất thân tình. Cô chủ quán trẻ vui vẻ, tự nhiên khi nói: "Má Mai! Chỗ con hết tờ bướm rồi, "má" lấy thêm cho con ít nghen! Dạo này, bọn họ nói thích "ok" mùi dâu, chứ không thích mùi hoa lan, "má" đổi cho con một hộp. Nước cất chỗ con cũng gần hết rồi, đầu tuần "má"... "thảy" đây một hộp nghen!". Ở điểm "hợp tác" thứ hai mà chúng tôi ghé, một nữ tiếp viên vỗ vai "má" Mai: "Tụi nó muốn đi khám phụ khoa, bữa nào "má" đưa đến trạm xá nghe. Có đứa muốn làm xét nghiệm nữa đó, qua tuần "má" chở nó đi được không?!". Bà Mai nhanh nhảu: "Má Mai này thì lúc nào cũng... ok mà!".

 

Cứ thế, bà Mai bận rộn cả ngày với công việc của mình: lúc thì đi lãnh bơm, bao ở trạm xá về phát cho các điểm hoặc lặn lội đưa vào khu nghĩa địa,  khi lại đi nhặt bơm kim tiêm bẩn, lúc lại chở đối tượng đi khám bệnh, xét nghiệm... Chừng ấy công việc chiếm hết thời gian trong ngày của "má" Mai. Khoản chi phí hỗ trợ từ dự án là 590 ngàn đồng/tháng chỉ đủ cho "má" Mai chi tiền xăng để chạy đi chạy lại.

 

Bây giờ, cứ 6 tháng "má" Mai ok lại được xét nghiệm HIV một lần. "Má" Mai nói vui: "Xét nghiệm 5 lần rồi, trời thương người làm việc xã hội nên tôi đều có kết quả âm tính. Không biết lỡ khi nhận được kết quả dương tính, sẽ thế nào... Tôi không dám nghĩ đến vì nếu nghĩ thì mình lại không dám tiếp tục công việc này nữa...".

Phương Liễu

 

Tin xem nhiều