Các di tích cấp quốc gia ở Đồng Nai, vì đâu nên nỗi?
Kỳ cuối: Những người trong cuộc nói gì?

09:10, 24/10/2008

Sau khi đăng các bài viết về thực trạng của các di tích quốc gia ở địa bàn tỉnh, Báo Đồng Nai đã ghi nhận một số ý kiến của người trong cuộc.

Sau khi đăng các bài viết về thực trạng của các di tích quốc gia ở địa bàn tỉnh, Báo Đồng Nai đã ghi nhận một số ý kiến của người trong cuộc.

Kỳ 1: Mộ Đoàn Văn Cự và 16 nghĩa binh: Trùng tu, chờ đến bao giờ?

Kỳ 2: Quần thể lăng mộ Trịnh Hoài Đức: Bao giờ trở lại dáng xưa?

 * Ông HUỲNH VĂN TỚI, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy: Tỉnh đã làm được nhiều việc

Trong quá trình định hướng xây dựng những công trình mới, mục tiêu của Đồng Nai là vẫn dựa trên cơ sở phải tôn tạo, phát triển và phát huy giá trị của những cái đã có. Hiện trên địa bàn tỉnh có 32 di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh. Ngoài ra, còn có những di chỉ khảo cổ trong lòng đất, hệ thống các nhà cổ, tượng đài, các công trình văn hóa lịch sử cách mạng, những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể...

Phải nói rằng, trong thời gian qua, tỉnh đã làm được rất nhiều việc so với mục tiêu chung và so với các tỉnh, thành khác, như: sớm quy hoạch, khảo sát, đánh giá; khảo cứu, biên soạn, sưu tầm các giá trị vật thể và phi vật thể; tôn vinh và làm giàu thêm các giá trị di sản văn hóa xưa và nay.

Về di tích lăng mộ Trịnh Hoài Đức, dịp kỷ niệm 300 năm hình thành và phát triển Biên Hòa - Đồng Nai, tỉnh đã tiến hành trùng tu, khôi phục lại các văn bia, xây dựng tường rào khoanh vùng bảo vệ di tích. Còn việc khôi phục lại không gian quần thể của lăng mộ, tỉnh đã có kế hoạch cụ thể, dự án cũng đã phê duyệt, nhưng đây là dự án lớn, liên quan đến việc giải tỏa di dời và tái định cư cho các hộ nằm trong khu vực quy hoạch nên việc thực hiện còn chậm trễ chứ không phải là không muốn làm.

Riêng về di tích mộ Đoàn Văn Cự và 16 nghĩa binh, như đã nói, gồm 2 phần mộ và đình, trong đó, đình là phần hồn. Phải nói rõ rằng, trước kia mộ nằm trong vùng rừng Suối Linh nên có một không gian thiêng liêng, còn hiện nay, mộ nằm ngay giữa khu đô thị lại có nguy cơ bị sạt lở rất cao. Nếu muốn bảo vệ ngôi mộ trước thiên nhiên khắc nghiệt, ngân sách tỉnh phải chi ra một khoản tiền rất lớn, trong khi đó vẫn còn rất nhiều các giá trị văn hóa khác cũng cần phải quan tâm, nên việc trùng tu, xây dựng theo phương án của địa phương đề xuất là việc làm cần phải được cân nhắc trong khi việc giữ nguyên vị trí mộ vẫn chưa nhận được sự đồng thuận cao trong người dân. Tất cả các giá trị văn hóa đều là vốn quý chung, nhưng Nhà nước không thể có khả năng bao biện hết mà các địa phương nên áp dụng theo phương thức xã hội hóa, vận động sự hỗ trợ của các tầng lớp nhân dân.

Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh sẽ được tu bổ, sửa chữa nhỏ trong dịp kỷ niệm 310 năm Biên Hòa - Đồng Nai.

* Ông PHẠM MINH QUANG, Phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch: Kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa

Về ngôi mộ Đoàn Văn Cự và 16 nghĩa binh (phường Long Bình), do tình trạng ngày càng xuống cấp nghiêm trọng nên trước đây đã có nhiều ý kiến đề nghị di dời mộ về chung khu vực đình thờ (phường Tam Hiệp). Lúc ấy, Sở đã làm hết chức năng, nhiệm vụ của mình là tổ chức lấy ý kiến của các tầng lớp nhân dân, tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các nhà chuyên môn, các nhà khoa học, các cơ quan thẩm quyền. Sau khi có ý kiến chính thức của Cục Di sản văn hóa (thuộc Bộ Văn hóa - thông tin trước đây) không cho phép di dời, để bảo vệ và phát huy giá trị của di tích, địa phương đã đưa ra phương án trùng tu tôn tạo lại di tích gắn với xây dựng công viên cây xanh.

Nếu phương án này được thực hiện, không những giá trị văn hóa - lịch sử của di tích được tôn lên rất nhiều, mà về mặt cảnh quan đứng từ xa lộ Hà Nội hay từ cầu Suối Linh nhìn vào cũng sẽ rất đẹp. Các hộ nằm trong diện giải tỏa di dời, phần lớn là lấn chiếm đất công một cách tự phát, nên việc trả lại hiện trạng ban đầu cho di tích là điều đương nhiên. UBND phường Long Bình trong phương án xây dựng cũng đã giới thiệu khu vực tái định cư cho bà con trong diện giải tỏa phục vụ cho mục đích của cộng đồng. Do còn vướng mắc một số vấn đề trong việc đo đạc đất đai và điều chỉnh quy hoạch chung nên phương án này còn bị chậm trễ. Theo tôi, di tích Đoàn Văn Cự về mặt tâm linh rất được nhân dân tín ngưỡng, nên nếu cần thiết, chuyện vận động xã hội hóa để trùng tu, xây dựng không phải là khó.

Riêng ở lăng mộ Trịnh Hoài Đức, dịp kỷ niệm 300 năm hình thành và phát triển Biên Hòa - Đồng Nai, Sở đã tham mưu cho công tác trùng tu, khôi phục lại các văn bia, lập bia tiểu sử, xây dựng tường rào khoanh vùng bảo vệ di tích. Do lúc ấy kinh phí còn hạn hẹp nên chỉ dừng lại ở đó. Theo dự án bảo tồn tôn tạo lăng mộ Trịnh Hoài Đức, để tôn vinh giá trị của di tích, ngoài việc khôi phục lại không gian quần thể của lăng mộ, sẽ dựng thêm các nhà bia, nhà tưởng niệm, cổng vào, lối đi, thảm cỏ, các biển hướng dẫn tại các mộ thuộc dòng thế thứ... Tỉnh đã có kế hoạch cụ thể, dự án cũng đã phê duyệt. Đây là dự án lớn, phải giải tỏa di dời và tái định cư cho các hộ nằm trong khu vực quy hoạch, cần phải tính toán lại việc bồi thường, đền bù nên việc thực hiện còn chậm trễ.

Với trách nhiệm tham mưu cho UBND tỉnh trên lĩnh vực văn hóa, quan điểm của Sở là với những di tích đã được công nhận dù là ở cấp quốc gia hay cấp tỉnh, đều là niềm tự hào, vinh dự chung của địa phương và nhân dân. Trên cơ sở đó, chúng ta - những thế hệ kế thừa - phải phát huy hơn nữa những giá trị mà cha ông đã để lại và chuyển giao trọn vẹn lại cho thế hệ sau.

Lan can ở khu vực dọc bờ kè đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh đã bị hư hỏng nhiều.

* Ông LƯƠNG TOÀN THẮNG, Ban Quản lý di tích - danh thắng Đồng Nai: Sẽ tiến hành tu bổ các di tích

Hầu hết các di tích trên địa bàn hiện nay, kể cả di tích cấp quốc gia, đều do các địa phương quản lý. Việc trùng tu, xây dựng di tích mộ Đoàn Văn Cự là thuộc thẩm quyền của UBND phường Long Bình, cũng như dự án trùng tu tôn tạo quần thể lăng mộ Trịnh Hoài Đức là do UBND TP. Biên Hòa tiến hành từ năm 2006. Ban Quản lý di tích - danh thắng tỉnh chỉ tham gia góp ý phần chuyên môn và quản lý về mặt nhà nước.

Tiến tới dịp kỷ niệm 310 năm hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai, trước thực trạng xuống cấp của một số di tích hiện nay, trong phạm vi chức năng của mình, Ban Quản lý di tích - danh thắng tỉnh đã đề xuất và lên kế hoạch tu bổ, sửa chữa nhỏ, trong đó có đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh và lăng mộ Trịnh Hoài Đức. Đối với lăng mộ Trịnh Hoài Đức, sắp tới chúng tôi sẽ tiến hành gắn biển hướng dẫn, quét sơn hàng rào, dặm vá lại các lan can, bình phong... cho tăng thêm vẻ tôn nghiêm. Nhưng khoản kinh phí tu bổ này dự toán cũng hạn hẹp, chỉ ở mức vài chục triệu đồng.

* Ông TỐNG THANH ĐA, Chủ tịch UBND phường Long Bình: Mong được trùng tu, tôn tạo cho xứng tầm

Từ người dân cho tới chính quyền địa phương đều rất quan tâm đến di tích mộ Đoàn Văn Cự và 16 nghĩa binh. Sau khi có quyết định của Bộ Văn hóa - thông tin lúc bấy giờ là giữ nguyên di tích, không di dời về đình như đề xuất trước đó, địa phương cũng đã tiến hành tu bổ, nâng cấp nên đã đỡ nhếch nhác, bớt bị ngập lụt, tránh hư hại, xuống cấp. Về lâu dài, người dân và chính quyền địa phương vẫn mong được trùng tu, tôn tạo lại mộ cụ cho chỉn chu, xứng tầm.

Có một khó khăn, là ngôi mộ nằm quá gần dòng suối Linh (cách suối chỉ có 1,8m), ngay trong phần hành lang suối. Vì vậy, có một số ý kiến đề nghị để bảo vệ mộ tốt hơn, cần phải kè đá hoặc đổ bê tông đoạn suối ở khu vực mộ cụ. Chúng tôi sẽ xem xét cụ thể và xin ý kiến của các cơ quan chức năng về vấn đề này.

Cho đến nay vẫn chưa có văn bản, quyết định nào chính thức giao cho địa phương hay một đơn vị cụ thể thực hiện dự án trùng tu tôn tạo mộ gắn liền với xây dựng công viên. Trước mắt, chúng tôi chỉ có thể trích từ ngân sách phường để sửa chữa nhỏ.

 

 Đình Đoàn Văn Cự cũng bị chiếm dụng

Đình thờ Đoàn Văn Cự (phường Tam Hiệp, TP. Biên Hòa) nằm ngay mặt tiền đường Phạm Văn Thuận, có khuôn viên rộng đến 3.000m². Khi mới được xây dựng, đình là một tổng thể cùng với mộ Đoàn Văn Cự và 16 nghĩa binh (phường Long Bình). Đình có Ban quý tế chăm lo việc quét dọn, thờ cúng dưới sự quản lý của địa phương.

Thế nhưng, từ nhiều năm qua, tình trạng chiếm dụng đình để làm nơi buôn bán, sử dụng với mục đích riêng vẫn liên tục xảy ra. Ngay trong sân đình, chiếm một góc khá mát mẻ, rộng rãi là một quán cà phê. Phía bên hông trái là những chậu cây kiểng do một cơ sở kinh doanh cây kiểng "gởi tạm". Sâu vào bên trong đình là ga-ra với 5 - 7 chiếc ô tô nằm thường trực. Ngay khoảng sân giữa tiền điện và hậu điện là những bàn bán vé số, xe ba gác. 

Nam Hà

 

 

Tin xem nhiều