Bạo hành không chỉ làm gia đình mất hạnh phúc, dập tắt tình yêu giữa vợ chồng mà còn tạo nên sự khủng hoảng tinh thần cho những đứa con...
Bạo hành không chỉ làm gia đình mất hạnh phúc, dập tắt tình yêu giữa vợ chồng mà còn tạo nên sự khủng hoảng tinh thần cho những đứa con...
* Khi mái ấm thành... mái nóng
Đến "kêu cứu" với phóng viên Báo Đồng Nai, chị T.(40 tuổi), ở phường Tân Hòa (TP. Biên Hòa) cho chúng tôi xem những vết bầm tím trên người và một ngón tay đã bị gãy. Chị nói: "Tôi chịu đựng hết xiết. Mỗi lần bị đánh, tôi lại "gõ cửa" Hội Liên hiệp phụ nữ, rồi trình báo với Công an phường. Trước mặt chính quyền, anh ta thề thốt và hứa hẹn, nhưng rồi đâu lại vào đấy!". Chị T. cho biết, hơn mười năm chung sống với chồng là anh Th., (42 tuổi), mặc dù sức khỏe không tốt, hai con còn nhỏ, nhưng chị vẫn bươn chải hàng ngày để kiếm sống, còn chồng chị cũng đi làm, nhưng được bao nhiêu lại đem đi uống rượu. Mỗi lần say, về nhà Th. lại đánh vợ vì cho rằng vợ đi với trai. Ban đầu chị T. còn thanh minh, riết rồi chỉ im lặng chịu đựng. Để tránh những trận đòn oan uổng, chị T. đã đưa hai con ra mướn nhà ở riêng nhưng vẫn bị chồng đến quấy rầy. Theo nguyện vọng, chị T. chỉ muốn sớm ly hôn với chồng để được yên tâm làm ăn nuôi con...
Còn chị L., một giáo viên mầm non, lại đau khổ vì chồng trong hoàn cảnh khác. Nhìn vào gia đình chị L., ai cũng cho rằng chị hạnh phúc vì có một người chồng chăm chỉ làm ăn, không vướng vào bất cứ thói xấu nào. Nhưng chị L. tâm sự: "Dù có con trai, con gái đầy đủ, kinh tế gia đình cũng khá giả nhưng tôi chẳng thấy hạnh phúc khi ông xã cứ ghen bóng ghen gió với người bạn trai của mình ngày xưa. Thời tuổi trẻ đã đi qua hơn 30 năm, giờ ai cũng có gia đình riêng. Chỉ lâu lâu bạn bè cũ gọi điện hỏi thăm, thế là anh ấy ghen lồng lên và tự dựng chuyện này, chuyện kia để quy chụp mình vẫn còn "tương tư" người cũ. Trước đây mình vẫn nghĩ chọn ông xã bây giờ là đúng đắn nên mình sống hết lòng vì chồng con, nhưng có lẽ do mình đi làm việc ngoài xã hội, còn anh ấy chỉ làm việc tại nhà, thấy bị "lép vế" mà sinh sự chăng?!".
* Cần sự vào cuộc từ nhiều phía
Trên thực tế, nạn bạo hành trong gia đình vẫn thường xuyên xảy ra và đối tượng bị bạo hành không chỉ là phụ nữ. Có những trường hợp chồng đánh vợ đến nỗi phải đi cấp cứu và mang thương tật suốt đời. Có trẻ bị cha mẹ bạo hành tinh thần kéo dài đã bị chứng trầm cảm, thần kinh không bình thường. Thậm chí, có trường hợp vợ cầm dao gí chồng, "phạt" chồng bằng cách bắt quỳ gối hoặc cấm bước ra khỏi vòng phấn vẽ.
Theo bà Lê Ngọc Sương, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, dù đối tượng bạo hành có thể là vợ, là chồng, là con, là cha mẹ..., nhưng phổ biến nhất vẫn là chồng bạo hành vợ. Một trong những nguyên nhân dẫn đến bạo hành gia đình là do sự thiếu hiểu biết, tâm lý cam chịu của người phụ nữ, nhất là những phụ nữ sống ở nông thôn. Họ không dám phản kháng để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình khi bị xâm hại.
Phần lớn chị em khi bị bạo hành đã cam chịu, không muốn "vạch áo cho người xem lưng" vì sợ "xấu chàng hổ thiếp". Chỉ đến khi bị đánh đập dã man, gây thương tích nặng nề, chị em mới nhờ đến pháp luật can thiệp. Lúc đó, nhiều trường hợp chị em đã bị ảnh hưởng, thiệt thòi quá nặng nề về tinh thần và thể chất.
Nếu như bạo hành thể xác, bạo hành tình dục thường gặp ở những gia đình học vấn thấp, gia đình nghèo, ở vùng sâu, vùng xa thì bạo hành tinh thần - tuy không gây đau đớn về thể xác nhưng lại khiến cho đối tượng bị ức chế, tổn thương sâu sắc về tình cảm - lại hay xảy ra ở những gia đình trí thức, viên chức sống ở thành thị. Đó là tình trạng người chồng mắng chửi, sỉ nhục, cấm đoán, thờ ơ, vô trách nhiệm, để vợ một mình gánh vác công việc gia đình, ngang nhiên quan hệ tình cảm với người khác... làm cho người vợ u uất, trầm cảm, sống mòn. Điều đó còn nghiêm trọng hơn bạo hành thân thể.
Bà Sương cho biết: Hiện Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp thông qua các buổi sinh hoạt chuyên đề đã giúp phụ nữ có nhận thức đúng đắn, đầy đủ về Luật Hôn nhân - gia đình, Luật Bình đẳng giới, về những quyền và nghĩa vụ của người vợ, người chồng trong gia đình và xã hội. Trong thời gian tới, khi Luật Phòng chống bạo lực gia đình có hiệu lực, Hội sẽ tổ chức phổ biến Luật đến các hội viên. Gia đình có hoàn thiện, xã hội mới thịnh vượng. Và, để ngăn ngừa nạn bạo hành gia đình, cần có sự phối hợp đồng bộ từ nhiều phía...
Phương Liễu