Báo Đồng Nai điện tử
En

Chiến khu Đ - một thời lừng lẫy
"Thần đèn rừng" Lâm Quốc Đăng

10:12, 12/12/2006

Theo một số cán bộ kỳ cựu ở Chiến khu Đ thì trong phái đoàn quân dân chính miền Đông ra Bắc vào năm 1952 có một nhân vật khá đặc biệt. Đó là Tư Thược - một chỉ huy quân sự có tài "cắt rừng", "xoi rừng" thuộc vào hàng vô địch ở miền Đông. Qua nghe báo cáo thành tích và tài năng đặc biệt của Tư Thược, Bác Hồ đã đặt cho ông cái tên rất hay là Lâm Quốc Đăng với ngụ ý khen cái tài... "sáng rừng" như đèn thần của ông.

Theo một số cán bộ kỳ cựu ở Chiến khu Đ thì trong phái đoàn quân dân chính miền Đông ra Bắc vào năm 1952 có một nhân vật khá đặc biệt. Đó là Tư Thược - một chỉ huy quân sự có tài "cắt rừng", "xoi rừng" thuộc vào hàng vô địch ở miền Đông. Qua nghe báo cáo thành tích và tài năng đặc biệt của Tư Thược, Bác Hồ đã đặt cho ông cái tên rất hay là Lâm Quốc Đăng với ngụ ý khen cái tài... "sáng rừng" như đèn thần của ông. Từ đó không mấy ai còn nhớ đến cái tên Tư Thược nữa mà nể phục gọi ông bằng cái tên Lâm Quốc Đăng. Ông trưởng ban căn cứ Chiến khu Đ đầu tiên này rất tự hào với tên Lâm Quốc Đăng. Và sau này khi được thăng hàm Đại tá Phó tư lệnh Phân khu I ông cũng lấy cái tên Lâm Quốc Đăng.


* 16 tuổi đã "ngồi" khám lớn Sài Gòn


Tư Thược có tên đầy đủ là Nguyễn Văn Thược. Tên trong giấy tờ đi học là Nguyễn Tấn Hưng, sinh năm 1924 tại làng Phú Thọ Hòa, quận Hốc Môn. Năm 1930, cha là ông Bảy Kỉnh, một nhà cách mạng có tên tuổi trong vùng bị giặc Pháp bắt giết. 16 tuổi, Thược bỏ học để xin theo các bác, các chú đi làm... "quốc sự" thay cha. Thược và các đồng chí của cha lại rơi vào tay giặc. Chúng tống giam Nguyễn Văn Thược vào khám lớn Sài Gòn để chờ đủ 18 tuổi mới kêu án rồi đày lên căng Bà Rá. Tại ngục tù khắc nghiệt này, Thược gặp được người đồng hương Hốc Môn là Tô Ký nên hai người nhanh chóng thân thiết với nhau. Ngày Nhật đảo chính Pháp, Tô Ký và Tư Thược tước vũ khí bọn lính gác rồi tập họp tù binh lại thành lập đơn vị vũ trang kéo về Phú Thọ Hòa. Đơn vị này đã cùng với lực lượng tại chỗ được Tô Ký đứng ra sáp nhập lại thành liên quân Hốc Môn - Bà Điểm. Sau đó khi Nguyễn Bình thống nhất lực lượng vũ trang toàn miền Nam để cùng ra sức chống Pháp, liên quân Hốc Môn - Bà Điểm (còn gọi là bộ đội ông Tô Ký) được phiên chế trở thành chi đội 12. Tô Ký là chi đội trưởng, còn Tư Thược là chính trị viên.


* Trở thành "Thần đèn rừng"


Thực hiện Hiệp định Genève hầu hết cán bộ, bộ đội xuống tàu ra miền Bắc. Lâm Quốc Đăng được lệnh tập kết ở Cao Lãnh, nhưng ông không xuống tàu mà tìm cách ở lại. Loay hoay ở Cao Lãnh một thời gian, thấy thị trấn này lại rơi vào vòng kiểm soát của chính quyền Sài Gòn do Mỹ làm đạo diễn, Lâm Quốc Đăng vọt xuống Cà Mau. Thế nhưng ở vùng đất tận cùng của Tổ quốc này, địch cũng ra sức kiểm soát một cách rất gắt gao, Lâm Quốc Đăng liền quyết định cắt đường về lại miền Đông. Vào vùng rừng núi Chiến khu Đ, Lâm Quốc Đăng lại cùng Tám Lê Thanh (sau này là Trung tướng Phó tư lệnh bộ đội Biên phòng) vận động một số thanh niên trốn lính vào rừng sản xuất chuẩn bị cơ sở vật chất và nhân sự cho lực lượng vũ trang cách mạng, đón chờ thời cơ.
Vào cuối năm 1956, khi đồng chí Tám Kiến Quốc (Nguyễn Hữu Xuyến) nhận mệnh lệnh của Xứ ủy về miền Đông để : "Tích cực xây dựng lực lượng vũ trang tuyên truyền, lập các đơn vị võ trang bí mật, xây dựng căn cứ miền núi..." thì Lâm Quốc Đăng được giao phụ trách việc xây dựng căn cứ trên địa bàn miền Đông Nam bộ. Trong đó với Chiến khu Đ, ông là trưởng ban căn cứ.
Để bảo đảm đời sống cho lực lượng vũ trang, Lâm Quốc Đăng đã triển khai được 4 khu vực sản xuất ở vùng suối Linh thuộc Chiến khu Đ. Và đến đầu năm 1957, ở miền Đông Nam bộ đã hình thành 2 vùng căn cứ lớn. Căn cứ Đông Bắc gần Chiến khu Đ cũ được mở rộng lên giáp biên giới Việt Nam - Campuchia (sau gọi là Chiến khu A). Vùng căn cứ Tây Bắc gồm căn cứ Dương Minh Châu và vùng rừng núi Tây Ninh (sau gọi là khu B). Cùng lúc, Đảng ủy trong lực lượng vũ trang Bình Xuyên được thành lập. Lâm Quốc Đăng được cử làm Phó bí thư Đảng ủy - phụ trách quân sự.
Với danh nghĩa "quân giáo phái ly khai",  lực lượng Bình Xuyên với khoảng 200 người được trang bị 2 đại liên Maxim, 8 trung liên Mas, 70 tiểu liên, 10 súng trường, 1 súng Moócchê và vài khẩu ĐKZ do Trung tá Bình Xuyên Võ Văn Môn trực tiếp chỉ huy đã trở thành lực lượng vũ trang cách mạng đầu tiên ở miền Đông sau ngày đình chiến. Đây vốn là Tiểu đoàn 3 của lực lượng Bình Xuyên do Bảy Viễn cầm đầu bị đại tá ngụy Dương Văn Minh - Chỉ huy trưởng chiến dịch Hoàng Diệu đánh tháo chạy về rừng Sác được Bảy BK (sau này là anh hùng LLVT Nguyễn Trọng Tâm) một cán bộ binh vận móc nối gặp "Việt Minh" để nhờ giúp đỡ. Thay mặt cho Xứ ủy, đồng chí Bảy Khánh (Võ Văn Khánh), Phó bí thư liên Tỉnh ủy miền Đông đã đồng ý cử Ba Thu (Phạm Văn Thuận - nguyên bí thư Tỉnh ủy Biên Hòa) vào rừng Sác làm chính trị viên cho tham mưu trưởng Bình Xuyên Võ Văn Môn. Đồng thời cử Lâm Quốc Đăng làm liên lạc với lời hứa: "Khi cần anh Lâm Quốc Đăng sẽ giúp các anh mở đường rừng lên chiến khu với chúng tôi. Anh Lâm Quốc Đăng là một tay "sáng rừng", có bịt mắt bỏ vào giữa rừng già anh cũng tìm đường về "cứ" được"!
Và quả thật, khi Ngô Đình Diệm huy động cả lực lượng hải lục không quân xiết chặt vòng vây rừng Sác, Lâm Quốc Đăng đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ được giao là cắt rừng, mở đường máu đưa được tiểu đoàn 3 Bình Xuyên luồn lách vào rừng Hắc Dịch, Xuyên Mộc, qua Phú Mỹ, vượt sông Đồng Nai về đến Mã Đà, Bàu Phụng an toàn!
Với tư cách là Phó bí thư Đảng ủy lực lượng Bình Xuyên, Lâm Quốc Đăng vừa phải liên lạc với các cấp ủy địa phương để vận động cung cấp lương thực nuôi quân, vừa phải tiến hành công tác giáo dục chính trị tư tưởng để chuyển hóa lực lượng Bình Xuyên.
Khi tình hình đã tạm ổn, ngày 10-8-1957, Lâm Quốc Đăng huy động lực lượng đánh đồn cao su Minh Thanh, thu được nhiều lương thực, tiền mặt... Tiếp đó là cùng đại đội C250 tập kích đại đội bảo an cho trại be Biên Hòa. Trại be này do bọn đàn em của Trần Lệ Xuân (vợ cố vấn Ngô Đình Nhu) đứng ra ủi đường, khai thác lâm sản vừa làm kinh tế vừa thực hiện âm mưu chia cắt, kiểm soát Chiến khu Đ. Trận đánh trại be Biên Hòa ngày 18-9-1957 do Lâm Quốc Đăng chỉ huy ngoài tiêu diệt đại đội bảo an, đã thu 80 xe cơ giới cùng rất nhiều vũ khí, quân trang...


* Tổ chức trận đánh Mỹ đầu tiên ở miền Nam


Tháng 3-1958, Xứ ủy quyết định thành lập chính thức ban quân sự và Đảng ủy lực lượng vũ trang miền Đông Nam bộ. Lâm Quốc Đăng được cử làm phó ban.
Tại cánh rừng xã Thái Hòa (thuộc huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương ngày nay) vào đầu tháng 5-1959 một cuộc họp bí mật đã diễn ra. Được sự ủy quyền của Trưởng ban quân sự Tám Kiến Quốc, Phó ban Lâm Quốc Đăng trình bày kế hoạch và phương án "đánh" cư xá cố vấn Mỹ MAAG ở Biên Hòa (thường được gọi là Nhà Xanh, nằm trong khu vực nhà máy của BIF).
Sau khi nghị quyết... miệng được thông qua (sau này các nhà nghiên cứu lịch sử đều cho đây là "nghị quyết đặc biệt" vì không có văn bản) ông Sáu FM (Nguyễn Văn Chí - Phó bí thư liên Tỉnh ủy miền Đông) cười với Năm Chữ (Lê Quang Chữ - Phó bí thư Tỉnh ủy Biên Hòa) rồi vỗ vai Lâm Quốc Đăng nhắc nhở: "Nói với anh Tám Kiến Quốc, ta đánh phải có tiếng và có miếng. Và nhớ phải bảo toàn lực lượng sau trận đánh".
Chiều 5-7-1959, tại căn cứ Chiến khu Đ, Lâm Quốc Đăng thay mặt ban quân sự Miền ra lệnh xuất phát. Đồng chí Năm Hoa (Nguyễn Văn Hoa) chỉ huy phó C250 với phương châm "tuyệt đối bí mật, an toàn, chắc thắng" đã đưa phân đội đặc công áp sát Nhà Xanh đánh đúng vào ngày lễ song thất (7-7) của Mỹ ngụy, báo hiệu sự chuyển hướng của cách mạng miền Nam.
Tại phiên tòa quân sự đặc biệt mở ngày 29-12-1959 ở Biên Hòa để xử vụ tập kích vào phái bộ cố vấn quân sự đồng minh làm chết 2 sĩ quan Mỹ đầu tiên ở Nam Việt Nam, bản cáo trạng còn nêu rõ: "Lâm Quốc Đăng là tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn võ trang tập trung Miền - tiểu đoàn 3 Bảy Môn".


* Nối Chiến khu Đ với đường mòn Hồ Chí Minh


Sau Đồng Khởi, tháng 5-1959 Bộ Chính trị và Trung ương Đảng quyết định mở tuyến đường xuyên Trường Sơn vào Nam (nên còn gọi là đường dây 559). Nhận được điện, Xứ ủy và Khu ủy miền Đông liền cử 2 đại đội vũ trang từ Chiến khu Đ cắt rừng đi đón các đoàn cán bộ từ miền Bắc xoi đường vào. Đoàn mở đường hướng Bắc do Lâm Quốc Đăng chỉ huy từ Mã Đà vượt đường 14 lên ĐaKia - Bù Đốp vừa hành quân vừa tuyên truyền xây dựng cơ sở trong đồng bào dân tộc và đến tháng 12-1960 bắt được liên lạc với đoàn xoi đường của Trung ương tại Km5 đường 14B, góp phần cùng đoàn Đông Bắc khai thông con đường chiến lược Trung ương - Nam bộ từ Trường Sơn vào miền Đông Nam bộ. Đầu năm 1961, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam thay cho Xứ ủy Nam bộ cũ. Căn cứ Trung ương Cục đóng tại Suối Nhung. Đồng chí Nguyễn Văn Linh - Bí thư Trung ương Cục giao T1 (Khu ủy miền Đông) nhiệm vụ xây dựng căn cứ khu A, bao gồm Chiến khu Đ mở rộng đến đông quốc lộ 13. Căn cứ khu A được mang phiên hiệu C150. Lâm Quốc Đăng được chỉ định làm Bí thư Đảng ủy đầu tiên của C150.


Bùi Thuận

Tin xem nhiều