Báo Đồng Nai điện tử
En

Chiến khu Đ – một thời lừng lẫy
Tám Kiến Quốc với "khúc dạo đầu" cho Nghị quyết 15

10:12, 04/12/2006

Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Trọng Tâm (Bảy BK) nhớ lại: "Sau khi tổ chức nổi dậy phá khám Tân Hiệp thành công, đưa hàng trăm chiến sĩ Cộng sản trung kiên về Chiến khu Đ, tôi được phân công làm chính trị viên đại đội Bình Xuyên. Một thời gian sau đó thì nhận được quyết định về làm trợ lý cho Trưởng ban quân sự Miền. Sáng 30-4-1958, tôi được gặp thủ trưởng đơn vị là anh Tám Kiến Quốc". Ông Bảy BK còn nhớ như in lần đầu tiên gặp thủ trưởng Tám Kiến Quốc: "Anh Tám hơn tôi 12 tuổi. Trước mặt tôi là con người mập mạp phúc hậu, có má lúm đồng tiền, giống như một nhà tư sản hơn là một vị tướng".

Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Trọng Tâm

Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Trọng Tâm (Bảy BK) nhớ lại: "Sau khi tổ chức nổi dậy phá khám Tân Hiệp thành công, đưa hàng trăm chiến sĩ Cộng  sản trung kiên về Chiến khu Đ, tôi được phân công làm chính trị viên đại đội Bình Xuyên. Một thời gian sau đó thì nhận được quyết định về  làm trợ lý cho Trưởng ban quân sự Miền. Sáng 30-4-1958, tôi được gặp thủ trưởng đơn vị là anh Tám Kiến Quốc". Ông Bảy BK còn nhớ như in lần đầu tiên gặp thủ trưởng Tám Kiến Quốc: "Anh Tám hơn tôi 12 tuổi. Trước mặt tôi là con người mập mạp phúc hậu, có má lúm đồng tiền, giống như một nhà tư sản hơn là một vị tướng".

 

* Nhận lệnh ở lại

 

Trung tướng Nguyễn Hữu Xuyến với bí danh là Tám Xuyến thời đánh Pháp ở miền Tây Nam bộ đã trở thành Tám Kiến Quốc trên chiến trường miền Đông thời đánh Mỹ sinh vào tháng 10-1915, tại làng Đình Bảng, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Gia đình ông rất nghèo, cha mẹ ngoài làm ruộng còn làm thêm nghề thủ công, nhưng vẫn không đủ sống nên phải  dắt nhau vào Nam tìm kế mưu sinh. Nguyễn Hữu Xuyến được gởi lại ở quê sống với người anh con ông bác họ.

Năm 1940, nghe tin mẹ mất, ông vội vã lên tàu vào Sài Gòn. 15 tuổi, ông bắt đầu cuộc đời lang bạt kỳ hồ,  khi thì ở Sài Gòn, lúc qua Phnôm Pênh rồi  Sa Đéc, Cần Thơ với đủ thứ nghề kiếm sống... Đầu năm 1941, đang sống ở Sa Đéc  Nguyễn Hữu Xuyến được giác ngộ cách mạng  và được kết nạp vào Đảng. Đến cuối năm thì thực dân Pháp phát hiện và bắt ông đem về bót Catinat Sài Gòn. Bị đánh đập, tra tấn đến 6 tháng ròng, ông vẫn không khai báo gì về tổ chức cả. Sau cùng bọn thực dân bèn quyết định đày ra Côn Đảo.

Cách mạng tháng Tám thành công, toàn thể tù chính trị được rước về đất liền. Biết ông có tài tổ chức đấu tranh ở Côn Đảo, các bạn tù là Phạm Văn Lầu - Chủ tịch tỉnh Sa Đéc; Sáu Ngài - Bí thư Tỉnh ủy liền đề nghị ông quay về Sa Đéc phụ trách công tác quân sự. Thế là từ Chi đội trưởng Chi đội 18, Chỉ huy trưởng Liên trung đoàn 109-111, Tham mưu trưởng phân liên khu miền Tây Nam bộ ... suốt 9 năm kháng Pháp, ông Tám Xuyến đã cầm quân, tham gia đánh nhiều trận lẫy lừng ở miền Tây Nam bộ.

Trung tướng Nguyễn Hữu Xuyến nhớ lại: "Sau hiệp định Genève, ngay từ lúc đầu ngừng chiến, địch đã lo ổn định tình hình, khẩn trương tổ chức chính quyền ở những vùng giải phóng... Trước tình hình ấy, ta vừa chuyển quân tập kết ra Bắc, đồng thời chuyển một số cán bộ vào hoạt  động  bí mật để lãnh đạo, chỉ huy phong trào chiến đấu trong lòng địch. Tôi đang phụ trách chuyển quân tập kết, đến chuyến cuối cùng, thì bất ngờ nhận lệnh ở lại. Vừa ngậm ngùi, vừa tự hào. Bước chân xuống ghe, nhìn cảnh vợ con đứng trên bờ chuẩn bị ra Bắc lòng làm sao không bùi ngùi cho được ... Biết ở lại phải đối mặt với vô vàn khó khăn, nguy hiểm nhưng tôi cảm thấy toại nguyện. Vì tình cảm của mình đối với  dân bấy giờ thật khó tả, có lúc nghĩ đến cảnh dân phải ở lại trong lòng địch, tôi  rơi cả nước mắt".

Tháng 12-1956, căn cứ vào "Đề cương cách mạng miền Nam" của đồng  chí Lê Duẩn, Xứ ủy Nam bộ họp thống nhất chủ trương: "Do nhu cầu của cách mạng miền Nam, trong một chừng mực nào đó cần phải có lực lượng tự vệ vũ trang tuyên truyền hỗ trợ cho đấu tranh chính trị và tiến tới sau này dùng lực lượng vũ trang đó để làm cách mạng đánh đổ Mỹ Diệm". Và Nguyễn Hữu Xuyến được Xứ ủy cử về miền Đông để thực hiện nhiệm vụ thống nhất các lực lượng vũ trang.

 

* Từ chiến khu Đ – mở màn những trận đánh

 

Tháng 8-1958, Xứ ủy thành lập Ban Quân sự và Đảng ủy lực lượng vũ trang miền Đông Nam bộ. Ủy viên quân sự của Xứ ủy là Tám Kiến Quốc được phân công kiêm nhiệm vụ Trưởng ban quân sự miền Đông. Để hỗ trợ phong trào đấu tranh chính trị, đồng thời giải quyết vấn đề tài chính, lương thực cho lực lượng vũ trang đang phát triển, trưởng ban quân sự Tám Kiến Quốc đã làm chỉ huy trưởng điều động lực lượng vũ trang thành 3 mũi tập kích chi khu quân sự Dầu Tiếng. Sau 30 phút nổ súng, ta hoàn toàn làm chủ trận địa, diệt 300 tên, bắt 200 tên giáo dục rồi thả tại chỗ; thu 650 súng các loại, 12 tấn đạn, 5 xe cùng rất nhiều quân trang, quân dụng.

Chiến thắng Dầu Tiếng gây tiếng vang lớn trên toàn miền Nam. Lần đầu tiên sau năm 1954, lực lượng vũ trang miền Đông tiêu diệt một căn cứ quân sự cấp quận của địch. Chiến thắng Dầu Tiếng đã khai thông liên lạc giữa căn cứ Đông và Tây, đồng thời tạo điều kiện cho Xứ ủy về đứng chân ở vùng căn cứ miền Đông để chỉ đạo phong trào cách mạng.

Và tiếp đó, cần phải làm một đòn trừng trị tội ác Mỹ - ngụy đang lê máy chém đi khắp nơi giết hại cán bộ,  đảng viên và đồng bào yêu nước, Ban quân sự Miền quyết định tấn công vào bọn cố vấn Mỹ trong phái đoàn viện trợ quân sự Mỹ đang đóng trụ sở tại Nhà Xanh khu vực nhà máy cưa BIF (Biên Hòa).

Từ Chiến khu Đ, một  phân đội đặc công do đồng chí Năm Hoa chỉ huy đã vượt sông Đồng Nai được Thị ủy Biên Hòa  phối hợp chặt chẽ, bố trí đột nhập vào Nhà Xanh bất ngờ nổ súng diệt 2 tên và làm bị thương 11 tên cố vấn Mỹ. Đây là trận diệt Mỹ đầu tiên ở miền Nam.

Vào đầu năm 1960, Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết 15 chỉ rõ: "Con đường phát triển cơ bản của Cách mạng Việt Nam ở miền  Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân". Nghị quyết 15 ra đời như một luồng gió mới đối với cách mạng miền Nam. Nhà quân sự Tám Kiến Quốc quyết định chọn Tua Hai (Tour 2) làm mục tiêu cho trận đánh lớn mở màn. Chỉ huy trưởng Tám Kiến Quốc lại trực tiếp ra quân. Trận đánh thắng lợi giòn giã, ta mang về Chiến khu Đ  đến 1.500 khẩu súng.

Các nhà bình luận quân sự cho rằng: Chiến thắng Tua hai  như sấm sét mở đầu phá tan đêm tối ở miền Nam - là sự kiện nổi bật có ý nghĩa về quân sự và chính trị trong toàn miền, làm  dấy lên phong trào đồng khởi long trời lở đất ở miền Nam, mở đầu một giai đoạn mới của cuộc đấu tranh chống Mỹ - ngụy.

Nhưng không dừng lại ở đó vào tháng 9-1961, chỉ huy trưởng Tám Kiến Quốc lại cùng các chỉ huy Nguyễn Việt Hồng, Đặng Ngọc  Sĩ, Đặng Hữu Thuấn, mở 3 mũi tiến công vào tỉnh lỵ Phước Thành tiêu diệt 40 tên địch, thu 322 súng, giải thoát 272 tù  chính trị.

Chiến thắng Phước Thành làm nức lòng quân,  dân miền Nam, đồng  thời đánh dấu bước trưởng thành  của bộ đội chủ lực Quân khu cũng như của địa phương trong việc phối hợp tác chiến, Tướng Westmoreland - Tổng chỉ huy quân đội Mỹ ở Việt Nam đã phải thú nhận: "Mùa thu 1961 đã chứng kiến một bước ngoặt rõ rệt trong cuộc tiến công của Việt Cộng, lần đầu tiên họ tạm thời  chiếm được tỉnh lỵ Phước Thành" (Trích  hồi ký "Tường trình của một quân nhân").

Ngũ Giác đài của Mỹ cũng xác định trong một tài liệu mật: Trận tiến công lớn nhất đã có tác dụng làm cho Sài Gòn nhốn nháo là trận đánh chiếm Phước Thành - một tỉnh lỵ cách Sài Gòn 55km...

Bùi Thuận

Tin xem nhiều