Báo Đồng Nai điện tử
En

Điểm hẹn của phụ nữ yêu áo dài

Nga Sơn
09:01, 17/10/2023

Sau cuộc thi ảnh đẹp online Tự hào áo dài Việt Nam được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2020 thu hút trên 1,7 ngàn cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia, năm 2023, Hội LHPN tỉnh tiếp tục tổ chức cuộc thi ảnh đẹp online Tự hào áo dài Việt Nam lần thứ 2.

Phần trình diễn của các thí sinh tại vòng chung kết xếp hạng diễn ra vào tối 12-10. Ảnh: N.SƠN
Phần trình diễn của các thí sinh tại vòng chung kết xếp hạng diễn ra vào tối 12-10. Ảnh: N.SƠN

Với số lượng gần 1,1 ngàn thí sinh đăng ký dự thi ở vòng loại, cuộc thi năm nay tiếp tục khẳng định được sức hút và trở thành sân chơi chung cho cán bộ, hội viên phụ nữ yêu thích áo dài.

* Quảng bá hình ảnh áo dài

Bà Nguyễn Thị Kiều Trang (ngụ xã Thanh Sơn, H.Định Quán) cho biết, bà sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo, gia đình không có đủ điều kiện để sắm cho bản thân một bộ áo dài truyền thống mặc vào các dịp lễ, Tết. Vì vậy, mỗi khi nhìn thấy ai đó mặc áo dài truyền thống, bà cũng thầm ước một ngày nào đó sẽ sở hữu một chiếc áo dài.

Hiện tại, kinh tế gia đình bà Trang ngày càng khấm khá. Bản thân bà lại tham gia công tác hội phụ nữ nên không chỉ có 1, mà bà đã có nhiều bộ áo dài. Mỗi lần lễ, Tết hoặc tham dự các sự kiện do tổ chức hội cấp trên tổ chức, áo dài luôn là lựa chọn số 1 của bà. Năm nay, bà mạnh dạn đăng ký tham gia cuộc thi ảnh đẹp online Tự hào áo dài Việt Nam với mong muốn quảng bá hình ảnh đẹp về chiếc áo dài truyền thống Việt Nam đến cộng đồng.

Phó chủ tịch thường trực Hội LHPN tỉnh BÙI THỊ HẠNH cho biết, ngoài tổ chức cuộc thi, trong thời gian tới, Hội LHPN tỉnh sẽ tiếp tục phát động cán bộ, hội viên phụ nữ mặc áo dài tại nơi làm việc, vào ngày lễ; đồng diễn trang phục áo dài vào các thời điểm đặc biệt trong năm.

Cũng với suy nghĩ ấy, bà Phạm Thị Bắc (ngụ P.Tam Phước, TP.Biên Hòa) là một trong những thí sinh lớn tuổi nhất của cuộc thi. Với bà, mỗi khi được khoác trên mình bộ áo dài truyền thống, bao ký ức xa xưa lại ùa về. Theo lời kể của bà Bắc, từ khi còn nhỏ, thấy chiếc áo dài của các cô thôn nữ trên tivi, bà thích thú ngắm nhìn. Cho đến khi đi học ở trường sư phạm, nhìn thấy chiếc áo dài trong buổi biểu diễn văn nghệ, bà đã ước được khoác chiếc áo dài thướt tha, mềm mại đó lên người. Nhưng mãi đến khi bà chuyển về công tác tại Trường Sĩ quan lục quân 2, thỉnh thoảng dẫn chương trình, biểu diễn văn nghệ, bà mới có cơ hội mặc áo dài.

Hiện tại, cuộc sống có nhiều thay đổi, tủ quần áo của bà Bắc ngày càng đa dạng các bộ trang phục, song bà vẫn chọn mặc áo dài vào những ngày đặc biệt. Bởi trong suy nghĩ của bà, áo dài là trang phục truyền thống, là nét văn hóa đặc trưng, chứa đựng những tinh hoa của người Việt. Người phụ nữ sẽ đẹp, dịu dàng, duyên dáng hơn khi khoác lên mình chiếc áo dài Việt Nam. 

* Sẽ tổ chức định kỳ 2 năm/lần

Từ năm 2020 đến nay, năm nào Trung ương Hội LHPN Việt Nam cũng phát động sự kiện Tuần lễ áo dài trong toàn quốc. Trong đó, Trung ương Hội LHPN Việt Nam yêu cầu hội LHPN các tỉnh, thành phố, các đơn vị trực thuộc vận động hội viên phụ nữ, nữ cán bộ, công chức, viên chức hưởng ứng Tuần lễ áo dài bằng những hoạt động cụ thể, thiết thực, sáng tạo.

Hưởng ứng Tuần lễ áo dài Việt Nam do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động, hàng năm cán bộ, hội viên hội LHPN trong tỉnh đã tham gia bằng việc mặc trang phục áo dài truyền thống trong các ngày làm việc, học tập, tham gia các sự kiện quan trọng… Bên cạnh đó, để tạo sự lan tỏa trong cộng đồng về hình ảnh áo dài Việt Nam, từ năm 2020, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức cuộc thi ảnh đẹp online Tự hào áo dài Việt Nam dành cho cán bộ, hội viên, người lao động, nữ sinh viên đang sinh sống, lao động, học tập trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Người thân, bạn bè cổ vũ cho thí sinh tại vòng chung kết xếp hạng
Người thân, bạn bè cổ vũ cho thí sinh tại vòng chung kết xếp hạng

Đồng tình với cách làm này, bà Âu Thanh Vàng (ngụ P.An Bình, TP.Biên Hòa) cho rằng, đây là một trong những hoạt động nhằm tôn vinh nét đẹp, giá trị của áo dài trong đời sống xã hội, khơi dậy niềm tự hào, trách nhiệm giữ gìn và phát huy di sản văn hóa Việt Nam trong mỗi cán bộ, đoàn viên, công chức, viên chức và người lao động, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của trang phục dân tộc.

Phó chủ tịch thường trực Hội LHPN tỉnh Bùi Thị Hạnh nhận định, qua 2 lần tổ chức, Hội LHPN tỉnh nhận thấy đây là sân chơi thực sự có sức hút đối với cán bộ, hội viên phụ nữ. Các thí sinh đăng ký tham gia cuộc thi đã có sự quan tâm đầu tư về mặt hình ảnh, bài cảm nhận cũng như kêu gọi bình chọn. Những người được chọn vào vòng chung kết xếp hạng có sự đầu tư về trang phục, phong cách trình diễn áo dài…

Xuất phát từ mong muốn của cán bộ, hội viên phụ nữ, Hội LHPN tỉnh đã quyết định đưa cuộc thi ảnh đẹp online Tự hào áo dài Việt Nam trở thành một hoạt động truyền thống, tổ chức 2 năm/lần để tạo sân chơi cho cán bộ, hội viên phụ nữ.

Nga Sơn

Tin xem nhiều