Bệnh viện y dược cổ truyền Đồng Nai đang triển khai phương pháp châm cứu để cắt cơn thèm thuốc và phương pháp thôi miên để thay đổi về nhận thức về tác hại thuốc lá.
Bệnh viện y dược cổ truyền Đồng Nai đang triển khai phương pháp châm cứu để cắt cơn thèm thuốc và phương pháp thôi miên để thay đổi về nhận thức về tác hại thuốc lá.
BS.CKI Nguyễn Văn Nghị, Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến Bệnh viện y dược cổ truyền Đồng Nai, cho biết châm cứu giúp người nghiện loại trừ được độc tố nicotine ra khỏi cơ thể, còn liệu pháp thôi miên giúp họ nhận thức tác hại của việc hút thuốc và từ bỏ dễ dàng hơn. Kết hợp 2 phương pháp này sẽ làm thay đổi tận gốc một thói quen xấu của người hút thuốc.
Châm cứu để loại trừ độc tố
Theo BS.CKI Nguyễn Văn Nghị, khi châm kim lên huyệt đạo, cơ thể sẽ phóng thích ra một số chất trung gian hóa học gọi là các endorphin (Morphin nội sinh). Chất này giúp làm giảm cảm giác thèm thuốc lá.
Hiện nay có nhiều hình thức của châm cứu, như: châm vào các huyệt ở vành tai gọi là nhĩ châm; châm vào các huyệt trên cơ thể gọi là thể châm. Nhưng trong hỗ trợ cai nghiện thì phương pháp nhĩ châm thường được lựa chọn, vì phương pháp này có thể lưu kim trên người vài ba ngày, để duy trì tác dụng của kim châm được kéo dài. Thầy thuốc dùng những cây kim châm rất nhỏ gọi là nhĩ hoàn, châm vào loa tai hoặc có thể thay thế châm kim bằng cách dùng những viên nam châm nhỏ bằng hạt đậu, dán vào các huyệt ở loa tai, rồi dùng băng dính cố định lại vài ngày. Thông thường mỗi ngày châm một lần, thời gian từ 10-30 phút. Mỗi đợt điều trị khoảng 7-10 ngày. Nếu áp dụng cách dán các viên nam châm thì thỉnh thoảng người bệnh nên dùng ngón tay day ấn nhẹ nhàng lên huyệt để kích thích, duy trì tác dụng cho đến khi xuất hiện cảm giác nóng vùng loa tai là phát huy tác dụng tốt.
Để làm tăng hiệu quả trong việc cai nghiện, liệu pháp thôi miên thường được kết hợp cùng với nhĩ châm. Nếu chỉ dùng nhĩ châm đơn thuần thì chỉ làm giảm được cảm giác thèm thuốc, nhớ thuốc. Cách này chưa làm thay đổi về nhận thức của người nghiện. Phương pháp thôi miên sẽ làm thay đổi cơ bản về nhận thức, giúp người nghiện thuốc lá hiểu được tác hại, từ đó thay đổi hành vi hút thuốc. Do đó cần kết hợp giữa nhĩ châm và thôi miên để giúp người nghiện dứt bỏ tận gốc thói quen có hại cho sức khỏe.
Thôi miên để thay đổi nhận thức
Cũng theo BS.CKI Nguyễn Văn Nghị, trong kỹ thuật thôi miên thầy thuốc thường dùng lời nói để hướng dẫn bệnh nhân tập trung vào một điểm và kết hợp với thư giãn, thả lỏng toàn thân. Khi đó bệnh nhân chuyển từ trạng thái thức tỉnh sang cảm giác buồn ngủ. Nếu làm đúng kỹ thuật, sau khoảng 5-10 phút người bệnh sẽ xuất hiện giấc ngủ thôi miên: mắt từ từ nhắm lại, mi mắt run nhẹ, chi ngả xoay ra ngoài, tay chân mềm nhão là bệnh nhân đang bị thôi miên. Lúc này thầy thuốc sẽ đưa ra những mệnh lệnh, với một giọng nói đều đều, lặp đi lặp lại nhiều lần để gây ra một mệnh lệnh đến trí não người bệnh nhằm thay đổi về cảm giác và tri giác của người bệnh: “Hút thuốc nhiều gây ra ung thư phổi”, hoặc “hút thuốc có hại cho sức khỏe”. Sau khi tỉnh dậy, người nghiện sẽ ghi nhớ rất rõ lời nói này và họ cảm nhận được ý nghĩa của lời nói, họ có ấn tượng rõ hơn về tác hại của thuốc lá và sợ hút thuốc.
Kinh nghiệm cai nghiện thuốc lá cho nhiều người bằng phương pháp nêu trên, bác sĩ Nghị cho hay phương pháp cai nghiện này đơn giản, có hiệu quả tốt và ít tốn kém. Nhiều người chỉ sau vài ngày điều trị, người nghiện cảm thấy có vị đắng trong miệng khi hút thuốc hoặc cảm giác cay cay khó chịu khi hút thuốc, cũng có người nghiện cảm thấy lợm giọng, buồn nôn khi hút thuốc. Do đó, họ không còn thèm muốn hút thuốc nữa, số lần hút thuốc có thể giảm xuống, rồi từ từ sau đó họ từ bỏ hoàn toàn. Tuy nhiên, để cai nghiện thuốc lá có hiệu quả, người nghiện cần phải quyết tâm cao. Sau khi cai nghiện, người nghiện thuốc cần tránh những cơ hội có thể hút lại và phải có quyết tâm từ bỏ hút thuốc. Thực tế, chẳng có phương pháp cai thuốc lá nào hay nhất nếu người nghiện không quyết tâm từ bỏ thói quen hút thuốc.
An An (ghi)