Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuỗi liên kết nông sản đem lại lợi ích kép

08:04, 25/04/2023

Mô hình hợp tác, liên kết giữa nhà vườn với doanh nghiệp (DN) trong sản xuất nông nghiệp đang được H.Cẩm Mỹ đẩy mạnh. Không chỉ giúp nâng cao giá trị và ổn định đầu ra cho nông sản, mô hình còn góp phần phát huy vai trò của các đơn vị kinh tế tập thể, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Mô hình hợp tác, liên kết giữa nhà vườn với doanh nghiệp (DN) trong sản xuất nông nghiệp đang được H.Cẩm Mỹ đẩy mạnh. Không chỉ giúp nâng cao giá trị và ổn định đầu ra cho nông sản, mô hình còn góp phần phát huy vai trò của các đơn vị kinh tế tập thể, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Sản xuất sầu riêng sạch tại Tổ hợp tác sầu riêng Xuân Quế (xã Xuân Quế). Ảnh: H.LỘC
Sản xuất sầu riêng sạch tại Tổ hợp tác sầu riêng Xuân Quế (xã Xuân Quế). Ảnh: H.LỘC

* Hình thành 31 chuỗi liên kết

Cẩm Mỹ có tiềm năng, lợi thế về trái cây, rau xanh, gia súc, gia cầm… Thế nhưng, nhiều năm qua, giá trị sản phẩm đạt thấp vì thiếu liên kết trong sản xuất, tiêu thụ và chế biến. Nhận thấy điều này, địa phương đã tích cực xây dựng mô hình hợp tác, liên kết sản xuất các sản phẩm chủ lực. Nhờ đó, nhiều vùng sản xuất hàng hóa được hình thành. Nông dân, chủ dự án cùng có lợi.

Theo Phòng NN-PTNT H.Cẩm Mỹ, trên địa bàn hiện có 31 chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp. Trong đó, có 4 chuỗi UBND huyện phê duyệt và 27 chuỗi do các DN, tổ hợp tác tự thực hiện. Phần lớn các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm phát huy hiệu quả, góp phần tạo bước chuyển biến tích cực cho ngành Nông nghiệp. Có thể kể đến chuỗi liên kết bưởi da xanh tại xã Xuân Mỹ, chuỗi liên kết sầu riêng tại xã Xuân Quế, chuỗi liên kết gà sạch tại xã Lâm San…

Quý I-2023, H.Cẩm Mỹ đã giải ngân hơn 950 triệu đồng hỗ trợ chi phí lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm cho 2 chuỗi liên kết là: Cây tiêu, 73 hộ, số tiền 644 triệu đồng và cây bưởi da xanh, 18 hộ, số tiền 308 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Lộc, Giám đốc HTX Nông nghiệp - thương mại - dịch vụ Quyết Tiến (xã Xuân Mỹ), chủ dự án chuỗi liên kết bưởi da xanh cho biết, sau 1 năm làm hợp tác, trái bưởi đã có DN ký hợp đồng bao tiêu đầu ra.

“Trước đây mạnh ai nấy làm, sản phẩm ít, chất lượng không đồng đều nên rất khó bán. Khi hợp tác với nhau, trồng trên quy mô lớn, tuân thủ cùng quy trình chăm sóc, sản phẩm nhiều hơn, chất lượng đồng đều hơn và khách hàng tự tìm đến. Hiện HTX ký hợp đồng bán sản phẩm cho DN tại tỉnh Bến Tre” - ông Lộc chia sẻ.

Khi tham gia chuỗi liên kết, nông dân chỉ cần chuyên tâm sản xuất mà không phải lo đầu ra, giá cả. Thị trường lên thì giá lên, còn thị trường xuống thì vẫn bán được giá sàn theo hợp đồng.

Ông Trần Quang Hiệp, Tổ trưởng Tổ hợp tác sầu riêng Xuân Quế (xã Xuân Quế) chia sẻ: “Tổ liên kết bán sầu riêng cho một công ty thu mua chế biến và xuất khẩu trực tiếp. Mặc dù còn trong quá trình làm hồ sơ xin cấp mã vùng trồng nhưng công ty vẫn mua bằng giá sản phẩm ở nơi đã được cấp mã vùng trồng. Bởi vì, họ biết chúng tôi làm theo quy trình sạch, sản phẩm chất lượng tốt, muốn làm ăn lâu dài”.

Ghi nhận tại một số chuỗi liên kết, nông dân hưởng ứng tích cực, bởi họ được bao tiêu đầu ra với mức giá ổn định. DN yên tâm vì có nguồn nguyên liệu tại chỗ, sản phẩm đáp ứng yêu cầu. Một số DN còn hỗ trợ nông dân xây dựng quy trình sản xuất, kỹ thuật chăm sóc, nguyên vật liệu đầu vào.

* “Chìa khóa” cho phát triển nông nghiệp    

Xác định nông nghiệp là lĩnh vực thế mạnh, có lợi thế cạnh tranh, thời gian qua, H.Cẩm Mỹ đã có nhiều quyết sách hỗ trợ, ưu đãi nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, trọng tâm là phát triển mô hình hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ và chế biến sản phẩm.

Huyện hỗ trợ các chủ thể làm hồ sơ cấp mã vùng trồng, chứng nhận VietGAP, OCOP, tham gia các chương trình quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Ngoài ra, huyện đang phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh đẩy nhanh tiến độ dự án Cụm công nghiệp chế biến nông sản Long Giao tạo mặt bằng cho chế biến.

Đối với nông dân, huyện hỗ trợ tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, sản xuất an toàn; hướng dẫn thủ tục, quy trình để hưởng thụ chính sách ưu đãi của tỉnh như đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm...

Giám đốc HTX Chăn nuôi gà Tâm Việt (xã Lâm San) Lê Đình Tuấn Kiệt cho rằng, các ngành chức năng của xã, huyện hỗ trợ HTX rất nhiều trong quá trình thành lập, hoạt động của HTX. Tương tự, HTX hợp tác với đơn vị cung ứng con giống, thức ăn, thuốc để hỗ trợ xã viên được mua sản phẩm đầu vào giá tốt. Tổ chức hướng dẫn các hộ sản xuất theo quy trình an toàn để tạo ra sản phẩm chất lượng, bao tiêu sản phẩm cho nông dân. HTX đang chào hàng một số DN lớn để đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị nhằm nâng cao sản lượng, giá trị sản phẩm.

Giá trị của các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản là rõ ràng, song việc phát triển vẫn còn một số khó khăn. Nhiều chuỗi liên kết do các bên tự thực hiện theo kiểu “thuận mua, vừa bán”, không có hợp đồng ký kết, dễ bị phá vỡ. Thủ tục thanh quyết toán một số nội dung của chính sách hỗ trợ phức tạp dẫn đến quá trình giải ngân kinh phí chậm. Mặc dù vậy, H.Cẩm Mỹ xác định tiếp tục mở rộng và phát triển các chuỗi liên kết nhằm giải bài toán về đầu ra, phát triển nông nghiệp một cách bền vững.

Liên kết, hợp tác trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sẽ đem lại lợi kép cho nông dân và DN. Tuy nhiên, muốn tiêu thụ sản phẩm với giá cả ổn định, nông dân phải thay đổi tư duy sản xuất, tạo ra sản phẩm an toàn và chất lượng, tuân thủ nội dung hợp tác giữa các bên.        

Hoàng Lộc

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích