Báo Đồng Nai điện tử
En

Người trồng bưởi gặp khó

10:11, 03/11/2021

Nhờ đầu ra ổn định, nhu cầu của thị trường lớn và hiệu quả kinh tế khá cao, nhiều nhà vườn trên địa bàn H.Trảng Bom đã mạnh dạn chuyển đổi từ cây cà phê, hồ tiêu và một số cây trồng khác sang trồng cây bưởi da xanh với diện tích khoảng 1 ngàn ha.

Nhờ đầu ra ổn định, nhu cầu của thị trường lớn và hiệu quả kinh tế khá cao, nhiều nhà vườn trên địa bàn H.Trảng Bom đã mạnh dạn chuyển đổi từ cây cà phê, hồ tiêu và một số cây trồng khác sang trồng cây bưởi da xanh với diện tích khoảng 1 ngàn ha.

Nông dân xã Bàu Hàm, H.Trảng Bom thu hoạch bưởi da xanh VietGAP. Ảnh: Ban Mai
Nông dân xã Bàu Hàm, H.Trảng Bom thu hoạch bưởi da xanh VietGAP. Ảnh: Ban Mai

Thời gian gần đây, việc xuất khẩu loại quả này không thuận lợi, nhu cầu tiêu dùng giảm, trong khi chi phí đầu tư tăng khiến nhiều nông dân gặp khó khăn.

* Tiêu thụ chậm, giá rẻ

Gia đình ông Lầu Sy Sương (ấp Tân Việt, xã Bàu Hàm) là hộ trồng bưởi lớn của H.Trảng Bom với gần 100ha, trong đó gần 20ha tại H.Trảng Bom và khoảng 80ha tại tỉnh Bình Phước. Nhờ canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ nên năng suất, đầu ra, giá bán tương đối thuận lợi. Mỗi năm, gia đình ông Sương thu lời trên dưới chục tỷ đồng. Nhưng năm nay, lợi nhuận chỉ được khoảng 1/3.

Ông Sương cho biết, năm 2020, bưởi da xanh có giá bán dao động từ 18-30 ngàn đồng/kg tùy thời điểm. Nhưng năm nay, giá bưởi bán tại vườn chỉ từ 13-16 ngàn đồng/kg, khiến doanh thu, lợi nhuận giảm đáng kể.

Ngoài giá giảm, trong thời gian giãn cách xã hội, nông dân phải gánh chi phí giấy đi đường cho thương lái bằng 2 ngàn đồng/kg bưởi. “Tôi trồng bưởi hữu cơ, sản lượng đạt 40-45 tấn/ha/năm (cao hơn bình quân khoảng 10-15 tấn/ha/năm), 90% bán cho thương lái xuất khẩu sang Trung Quốc với giá chênh lệch hơn thị trường 2 ngàn đồng/kg nên vẫn có ăn. Nhiều nhà vườn thu hoạch xong chỉ huề vốn” - ông Sương chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Nhật (ấp Tân Hoa, xã Bàu Hàm) cho biết, 5 năm trước, thấy nhiều nông dân trong xã trồng bưởi, ông cũng đốn cà phê trồng 2ha bưởi. Năm 2020, vườn bưởi cho trái bói. Năm nay, ông nhẩm tính lời từ 20-25% chi phí đầu tư, nào ngờ đến bây giờ vẫn chưa thu hồi được vốn. “Vụ bưởi Tết Trung thu thì mất giá, tiêu thụ chậm. Đến lúc làm bông vụ bưởi Tết Nguyên đán thì mưa dầm dề, hoa thối rụng hết, chỉ còn ít quả lơ thơ. Vốn không biết có thu được không, nói chi đến lời” - ông Nhật buồn rầu.

Xã Sông Thao cũng là địa phương trồng bưởi lớn ở H.Trảng Bom với hơn 370ha. Bà Trần Thị Nguyệt, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho hay, thời gian qua, nhờ sự hỗ trợ của các đoàn thể từ tỉnh đến xã, đầu ra của quả bưởi trên địa bàn xã vẫn ổn nhưng giá thấp, chỉ 8-10 ngàn đồng/kg. Theo bà Nguyệt, giá bưởi thấp, cộng với giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng gần gấp 2 lần khiến các nhà vườn gặp khó khăn.

Những người trồng bưởi ở H.Trảng Bom cho rằng, nông dân đang phải chịu tác động “kép”, một bên là giá xuống thấp, một bên là chi phí đầu vào tăng cao. Điều này đã tác động trực tiếp đến việc đầu tư cho vụ bưởi Tết năm 2022 và các vụ bưởi khác.

* Tương tai cây bưởi còn bấp bênh

Bưởi là loại cây trồng có hiệu quả kinh tế. Để hỗ trợ nông dân, năm 2017, H.Trảng Bom đã phối hợp với Sở KH-CN triển khai mô hình Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất bưởi da xanh đạt tiêu chuẩn VietGAP và liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm tại các xã: Bàu Hàm, Sông Thao, Cây Gáo… Tuy nhiên, theo đánh giá của nông dân, việc phát triển cây bưởi, giá cả, đầu ra còn bấp bênh.

Giám đốc HTX Bưởi Trường Phát Lầu Sy Sương cho biết, thời điểm thành lập (năm 2017), HTX đăng ký 500ha bưởi với mục đích phát triển cánh đồng mẫu lớn. Khi đó, người dân đăng ký và trồng bưởi đạt diện tích trên. Tuy nhiên, hiện cả xã còn khoảng 300ha bưởi; trong đó, HTX có 60ha, dự án cánh đồng mẫu lớn cây bưởi có nguy cơ dang dở. Ngoài ra, đầu ra của trái bưởi cũng là vấn đề đáng bàn. Có thời điểm ông trực tiếp chở bưởi đến chợ đầu mối ở TP.HCM tiêu thụ nhưng giá cả, sản lượng không bằng bán cho thương lái tại vườn. Mà thương lái thu mua theo số lượng họ cần, chứ không phải sản lượng nhà vườn có.

Ông Trần Thanh Nghị, Chủ tịch UBND xã Cây Gáo cho hay, thời điểm cây bưởi có giá cao, nông dân trên địa bàn xã đua nhau trồng bưởi, diện tích lên đến 100ha. Tuy nhiên, hiện tại xã chỉ còn vài ha bưởi. “Mấy năm trước, quả bưởi có giá tốt nên nông dân đua nhau trồng. Về sau, cây chuối cấy mô đem lại lợi nhuận tốt hơn, lên đến 300-500 triệu đồng/ha/năm, thời gian trồng đến thu hoạch ngắn nên nông dân chặt bưởi trồng chuối” - ông Nghị thông tin.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Sông Thao Trần Thị Nguyệt chia sẻ, thời gian qua, một số nông dân trên địa bàn xã chặt bưởi trồng chuối vì lợi nhuận cây chuối cao hơn nhiều so với cây bưởi, đầu ra của cây chuối khá tốt. Trên địa bàn huyện có nhiều thương lái, nhiều kho lạnh bảo quản chuối để xuất khẩu trong khi quả bưởi chủ yếu bán nội địa, ngành công nghiệp chế biến bưởi chưa phát triển. Các địa phương khác trong và ngoài tỉnh cũng trồng bưởi và các loại quả có múi nhiều khiến đầu ra, giá bưởi không tốt như trước.

Ban Mai

Tin xem nhiều