Cẩm Mỹ là huyện chăn nuôi heo có quy mô lớn thứ 2 tại Đồng Nai, chỉ sau H.Xuân Lộc. Đây cũng là địa phương cấp huyện đầu tiên của tỉnh khống chế thành công và công bố hết dịch tả heo châu Phi.
Cẩm Mỹ là huyện chăn nuôi heo có quy mô lớn thứ 2 tại Đồng Nai, chỉ sau H.Xuân Lộc. Đây cũng là địa phương cấp huyện đầu tiên của tỉnh khống chế thành công và công bố hết dịch tả heo châu Phi.
Chăm sóc đàn heo nái tại trang trại chăn nuôi của ông Hà Văn Thẩm (ấp Suối Râm, xã Long Giao). Ảnh: H.Lộc |
Hiện tại, nhiều trang trại chăn nuôi trên địa bàn H.Cẩm Mỹ đã tái đàn heo thành công, một số chuyển sang chăn nuôi gà, vịt, dê theo khuyến khích của chính quyền địa phương.
* Tình hình tái đàn khả quan
Ông Hà Văn Thẩm (ấp Suối Râm, xã Long Giao) có trang trại chăn nuôi quy mô lớn nhất nhì huyện với 500 heo nái, gần 5 ngàn heo thịt trước dịch. Thời điểm hiện tại, trang trại của ông đã tái đàn thành công với hơn 60 con heo nái. Dự kiến, trang trại này sẽ phát triển lứa heo thịt đầu tiên vào tháng 4 tới với quy mô khoảng 600-800 con.
Có thâm niên nuôi heo nhiều năm nhưng theo nhận định của ông Thẩm, chưa có đợt dịch bệnh nào gây thiệt hại lớn đến trang trại của gia đình và những người chăn nuôi khác như dịch tả heo châu Phi vừa qua. Vấn đề không phải ở người chăn nuôi mà do không có thuốc điều trị. Khi đủ điều kiện tái đàn, ông Thẩm không mua heo giống về nuôi mà gầy dựng đàn heo từ hơn 60 con còn sót lại sau dịch.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó chủ tịch UBND H.Cẩm Mỹ cho biết, hiện tại công tác tái đàn, phục hồi chăn nuôi sau dịch đang được địa phương quan tâm đẩy mạnh. Công tác tái đàn chủ yếu diễn ra ở các trang trại quy mô lớn, có tiềm lực. Các hộ chăn nuôi heo nhỏ lẻ chưa tái đàn heo do không đảm bảo các điều kiện sinh học, chuồng nuôi gần khu dân cư, giá con giống hiện quá cao. Mặc dù dịch tả heo châu Phi đã được khống chế nhưng địa phương vẫn tổ chức ra quân đồng loạt dọn dẹp môi trường để phòng, chống dịch. |
Ông Thẩm cho hay: “Tôi không mua heo giống ở bên ngoài về nuôi lúc này bởi, giống của các công ty có giá rất cao và buộc phải mua cám từ nhà cung cấp. Còn mua giống từ các trang trại khác thì lo sợ rủi ro. Tôi tự nhân giống từ số heo ít ỏi được cách ly vừa tiết kiệm chi phí vừa kiểm soát được số lượng đàn, chất lượng heo”. Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm, trang trại của ông Thẩm sẽ phát triển khoảng 2 ngàn con heo thịt bằng cách tự sản xuất con giống.
Cũng có kế hoạch tái đàn heo trong 1-2 tuần tới bằng hình thức tự nhân giống, ông Hoàng Thanh Quang (ấp Cam Tiên, xã Nhân Nghĩa) cho biết, trang trại của ông đủ điều kiện tái đàn từ 6 tháng trước, nhưng lo ngại rủi ro, ông chuyển sang nuôi 3 lứa vịt, trung bình mỗi lứa khoảng 3 ngàn con. Sự chuyển đổi này vừa hạn chế tình trạng xuống cấp của chuồng trại vừa có thêm thu nhập.
“Hiện tại heo giống có giá rất cao, khoảng 2,2-2,4 triệu đồng/con. Việc nhập heo giống giá cao về nuôi thương phẩm tiềm ẩn nhiều rủi ro như: dịch bệnh tái phát, lây lan mầm bệnh trong quá trình vận chuyển hoặc giá bán heo thịt thấp, dẫn đến lỗ vốn. Tôi tự nuôi heo nái để gầy dựng đàn heo” - ông Quang cho hay.
Ghi nhận ở H.Cẩm Mỹ, hiện nhiều trang trại lớn đã tiến hành tái đàn heo sau khi thực hiện các biện pháp an toàn sinh học. Để hạn chế tối đa dịch bệnh, các trang trại chăn nuôi tự mua heo nái về sản xuất giống, phát triển đàn từ số heo còn sót lại hoặc mua giống, liên kết với các “ông lớn” ngành chăn nuôi như: Japfa, C.P để nuôi heo trở lại. Công tác tái đàn đang phát triển khả quan. Đây là cơ sở để ngành chăn nuôi H.Cẩm Mỹ khôi phục trở lại.
* Trong tầm kiểm soát
Bà Trương Thị Kim Nương, phụ trách lĩnh vực chăn nuôi Phòng Nông nghiệp H.Cẩm Mỹ cho biết, công tác tái đàn sau dịch bệnh tại địa phương đang trong tầm kiểm soát.
Cụ thể, các trang trại tái đàn hội đủ các điều kiện nghiêm ngặt về an toàn sinh học theo quy định của Sở NN-PTNT và văn bản hướng dẫn của UBND huyện, đó là: được cơ quan thú y cấp phép đủ điều kiện tái đàn, có giải pháp chăn nuôi an toàn và phải đăng ký chính thức với chính quyền địa phương, có kế hoạch phát triển đàn cũng như thường xuyên cập nhập số lượng, tình hình trang trại về cơ quan chuyên môn. “Chúng tôi khuyến khích người nuôi chủ động sản xuất con giống, hạn chế nhập con giống từ địa phương khác. Trường hợp mua giống thì phải lựa chọn các công ty cung ứng giống uy tín, có truy xuất nguồn gốc và chứng nhận kiểm dịch của cơ quan chức năng” - bà Nương nói.
Bên cạnh tập trung cho công tác tái đàn tại các trang trại lớn, đủ điều kiện an toàn sinh học, ngành nông nghiệp huyện cũng khuyến cáo các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong các khu dân cư chuyển đổi sang mô hình vật nuôi khác.
Thống kê của Phòng Nông nghiệp H.Cẩm Mỹ, hiện có 30/55 trại bị dịch tả heo châu Phi đã tái đàn, trong đó, hơn 50% trại tái đàn heo, một số trang trại đang chuẩn bị tái đàn trong tháng tới, số còn lại chuyển sang nuôi gà, vịt, dê tạm thời. Hiện tại tổng đàn heo trên địa bàn H.Cẩm Mỹ gần 200 ngàn con, bằng 80% quy mô đàn thời điểm trước dịch.
Đại diện Phòng Kinh tế H.Cẩm Mỹ cho biết, địa phương đang tập trung cho công tác tái đàn tại các trại chăn nuôi lớn, đáp ứng đủ điều kiện an toàn sinh học. Để hỗ trợ cho các trại chăn nuôi tái đàn, huyện đã có các giải pháp như: cử cán bộ thú y xuống các trại hỗ trợ kỹ thuật vệ sinh chuồng trại trước và trong quá trình nuôi, hỗ trợ làm thủ tục vay vốn ngân hàng đồng thời giúp cho người chăn nuôi, doanh nghiệp trong việc cung cấp heo ra thị trường.
Để hạn chế dịch bệnh tái phát, địa phương đang và tiếp tục thực hiện phun tiêu độc, khử trùng vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm, tuyên truyền người nuôi thực hiện quy trình chăn nuôi sinh học.
Hoàng Lộc